Pages

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Đỏ đen mô hình tăng trưởng Trung Quốc

Robert Peston
Biên Tập Viên Kinh Doanh BBC
Trung Quốc đầu tư nhiều vào hạng tầng trong những năm qua.
Trung Quốc vừa mới công bố số liệu GDP mới, theo đó tăng trưởng kinh tế hàng năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm xuống mức 7,7%. Tin này có phần tốt xấu lẫn lộn.

Vì sao vậy?
Bất chấp người ta có tin số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc hay không thì sẽ không có chuyện quốc gia này “hạ cánh cứng” hay kết thúc thời kỳ tăng trưởng cao, vốn được cho là sẽ có tác động rất lớn đến toàn cầu.
Nhưng vẫn có lập luận cho rằng động lực tăng trưởng của Trung Quốc là không bền vững. Do đó, kiểu tăng trưởng này diễn ra càng lâu thì điểm kết của nó lại càng khó lường.
Và trước hết tôi có thể nói rằng lỗi là do phương Tây.
Đó là vì những khiếm khuyết nghiêm trọng nhất trong nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ rõ ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vốn xuất phát từ phương Tây nhưng tác động nghiêm trọng lên kinh tế toàn cầu.
Tăng tiêu thụ nội địa
Cụ thể là khủng hoảng này đã bào mòn mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc.
Xuất khẩu của TQ bị chững lại khi phương Tây gặp khủng hoảng.
Khi kinh tế Châu Âu và Mỹ bị khủng hoảng thì chúng ta không còn nhu cầu mua những hàng hóa rẻ tiền bắt mắt từ Trung Quốc nữa và kinh tế của nước này cũng bị chững lại và Bắc Kinh buộc phải tìm lối đi khác.
Một chính quyền can đảm có lẽ sẽ tận dụng cơ hội này để chuyển hướng bằng cách kích cầu nội địa, đưa ra các chính sách đổi mới nhằm khuyến khích dân số 1,3 tỷ người tiêu thụ nhiều hơn.
Nó đồng nghĩa với việc đẩy nhanh tự do hóa tài chính, có tỉ lệ hoàn vốn đầu tư cao hơn, và nới lỏng tín dụng tiêu dùng.
Ngoài ra, hệ thống nhà nước phúc lợi hiệu quả cũng phải được thiết lập, đảm bảo các nhu cầu tối thiểu về y tế, sức khỏe, giáo dục cho người dân, giúp họ an tâm chi tiêu thay vì tiết kiệm phòng thân. Hiện nay, tỉ lệ tiết kiệm trên thu nhập thực tế của người dân Trung Quốc cao hơn tới 6 lần so với người Anh.
Nếu phần đóng góp của tiêu dùng trong nền kinh tế Trung Quốc tăng từ 1/3 lên 2/3 GDP như ở Anh và Mỹ, quốc gia này sẽ có triển vọng tăng trưởng dài hạn bền vững hơn.
Điều này cũng sẽ góp phần kéo nền kinh tế phương Tây ra khỏi suy thoái, bởi các doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn cơ hội xuất khẩu hơn vào thị trường lớn nhất thế giới.
Tuy vậy, viễn cảnh đó vẫn chưa thành hiện thực.
‘Bất mãn chính trị’
“Trung Quốc vẫn bám vào tín dụng để đầu tư. Không có chuyện tái cơ cấu lành mạnh nào cả.”
Chính quyền Trung Quốc cho rằng tái cấu trúc nền kinh tế trên quy mô lớn như vậy tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Tăng trưởng sẽ giảm tốc, kéo theo đó là nguy cơ bất ổn chính trị.
Điều Bắc Kinh lo ngại là khi thất nghiệp gia tăng, sự bất mãn về kinh tế sẽ chuyển hóa thành bất mãn về chính trị. “Khế ước ngầm” giữa Đảng Cộng Sản và nhân dân, đánh đổi các quyền dân chủ để có một đời sống kinh tế thịnh vượng, có thể sẽ bị phá vỡ.
Trong năm 2007, hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào đầu tư, khi chi tiêu vào nhà xưởng, xây dựng, phát triển hạ tầng, chiếm tới 40% GDP.
Nhưng thay vì “tái cân bằng” bằng cách giảm đầu tư, phần đóng góp của nó trong GDP lại tăng lên thành 50%. Thành thị và các khu công nghiệp được tiếp tục được tạo ra hay làm mới.
Bất cứ nơi đâu ở Trung Quốc cũng có thể nhìn thấy những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, những cây cầu dài nhất thế giới, những con đường chẳng dẫn đến đâu, và vô vàn những ngôi nhà không có người ở.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp nhà nước, vốn là tàn dư của thời đại Mao, được cấp cho vai trò mới là tạo ra khối lượng việc làm khổng lồ.
Điều này tạo ra lợi ích trước mắt, nhưng có hại về dài hạn vì khả năng sinh lợi sẽ bị hạn chế, do thị trường sẽ không thể hấp thụ được hết số sản phẩm tạo ra.
Điều nguy hiểm nhất nằm ở việc nguồn tài chính cho đầu tư được lấy từ đâu.
Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho các ngân hàng “mở két.” Họ ngoan ngoãn nghe theo.
Sau khi Bắc Kinh lo ngại về việc tốc độ cho vay tăng quá nóng, các ngân hàng Trung Quốc đã thể hiện khả năng sáng tạo mà ngay cả các đồng nghiệp ở trung tâm tài chính tại London hay New York cũng phải bái phục.
‘Cú sốc lớn’
“Gánh nặng giải quyết đống nợ khổng lồ từ đầu tư kém hiệu quả cuối cùng sẽ trở nên quá lớn và không thể xử lý nổi.”
Người ta thấy có sự bùng phát các quỹ tín dụng, trên danh nghĩa tách khỏi hệ thống ngân hàng, nhưng hoạt động cho vay mượn vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến các ngân hàng.
Hậu quả là tốc độ cho vay tăng 15% thu nhập quốc gia hàng năm từ 2008, làm cho tổng nợ quốc gia Trung Quốc đã gấp đôi GDP. Tổng tín dụng phình lên đến 15 nghìn tỷ đô la trong giai đoạn đó.
Theo Charlene Chu của hãng đánh giá tín dụng Fitch, lượng tăng thêm trong bảng cân đối kế toánh của các ngân hàng Trung Quốc từ năm 2008 tương đương với số tăng thêm của các ngân hàng Mỹ với khoảng thời gian là một thế kỷ đạt ở mức đó.
Bà Chu cho rằng một nền kinh tế tăng trưởng bằng tín dụng sẽ không sớm thì muộn gặp những cú sốc lớn.
Kể cả nữ chuyên gia này có hơi bi quan quá, thì rõ ràng là không ai muốn tốc độ tăng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Bởi khi khoảng cách đó ngày càng gia tăng, gánh nặng giải quyết đống nợ khổng lồ từ đầu tư kém hiệu quả cuối cùng sẽ trở nên quá lớn và không thể xử lý nổi.
Nói cách khác, Trung Quốc càng lấn sâu vào kiểu tăng trưởng sai lầm này càng lâu, nguy cơ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụp đổ càng lớn. Khi đó, các định chế tài chính và các nền kinh tế có liên quan sẽ lãnh đủ.
Điều này đưa chúng ta trở lại với các tin tốt xấu lẫn lộn từ GDP của Trung Quốc công bố ngày hôm nay.
Nó cho thấy đầu tư cơ bản (không gồm đầu tư của các hộ nông thôn) tăng 19.6% trong năm 2013, giảm nhẹ từ mức 20.6% trong năm trước. Tuy vậy, tổng đầu tư vẫn tăng nhiều hơn bán lẻ (cao hơn 13.6%) và sản xuất công nghiệp (9.7%).
Nói cách khác là Trung Quốc vẫn bám vào tín dụng để đầu tư. Không có chuyện tái cơ cấu lành mạnh nào cả.
Bắc Kinh vừa mới công bố kế hoạch 10 năm tại Hội nghị Trung Ương 3 vừa qua, cam kết tăng dần tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng trong tăng trưởng, đồng thời giảm vai trò của xây dựng và đầu tư.
Liệu kế hoạch này có thành công? Phải mất bao lâu? Và hậu quả sẽ ra sao cho cả thế giới và Trung Quốc nếu nó thất bại?
Có lẽ sẽ phải chờ hạ hồi phân giải.

Không có nhận xét nào: