Lê Diễn Ðức
Chúng ta còn nhớ, ông Nguyễn Bá Thanh, phó ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đã không hề thông báo trước, “bất ngờ xuất hiện” ở phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm vào sáng Thứ Bảy ngày 14 tháng 12, 2013.
Ông Dương Chí Dũng khai trước tòa rằng, vào khoảng 18 giờ ngày 17 tháng 5 năm 2012, “có một người quen” đã báo cho ông biết ông “đã bị khởi tố, sẽ bị bắt và cần đi tránh xa”. Tuy nhiên, việc này ông Dũng nói đã khai tại cơ quan điều tra và “xin phép không khai tại tòa”.
Dương Chí Dũng vẫn nhận bản án tử hình sau thái độ có vẻ thách thức và nhạo báng công lý bằng nụ cười khi nói chuyện với công an trong phiên tòa và bình thản đọc thơ trước hội đồng xét xử.
Trong phiên tòa ngày 7 tháng 1, 2014 ông Nguyễn Bá Thanh cũng có mặt trong một phòng theo dõi riêng. Không biết thực chất ông Nguyễn Bá Thanh có hứa hẹn hay cam kết gì, hoặc giả cùng đường trước tội chết mà trâu đầm vấy bùn, Dương Chí Dũng đã khai ra mối quan hệ với ông thượng tướng, thứ trưởng Bộ Công An và trưởng ban điều tra chuyên án Vinalines, Phạm Quý Ngọ.
Dương Chí Dũng khai đã đưa cho Phạm Quý Ngọ 510 ngàn đôla và 1 triệu đôla liên quan tới việc chuyện “đổi công năng cảng Sài Gòn” của công ty Vạn Thịnh Phát, trong đó có sự can dự của Bộ Trưởng Công An Trần Ðại Quang và một số nhân vật khác. Lời khai của Dương Chí Dũng đã góp phần dẫn đến một vụ án mới, vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”.
Cựu trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương, ông Nguyễn Ðình Hương khẳng định: “Tội làm lộ bí mật quốc gia về vụ án để tội phạm chạy trốn là tội rất lớn, lớn hơn tội nhận hối lộ”. “Cộng thêm nguyên nhân của việc làm lộ bí mật này không phải vì tình cảm gia đình, không phải anh em mà xuất phát từ một cục tiền thì lại càng nghiêm trọng”, ông Hương nhấn mạnh, theo tờ Vietnam.net.
Mặc dù lời khai chưa phải là chứng cớ pháp lý, nhưng thực sự câu chuyện đã làm rung chuyển tháp ngà. Những người có liên quan, thuộc lực lượng an ninh, đều là thân hữu của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong thực tế, ông Nguyễn Tấn Dũng là người trực tiếp chỉ đạo các dự án lớn của tổng công ty Vinalines, mà ụ nổi 83 M chỉ là một phần nhỏ trong sự thất thoát, nợ nần hàng tỷ đôla của Vinalines.
Tưởng cũng nên nhớ lại rằng, 6 tháng 2 năm 2012, khi Cục Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm về Tham Nhũng (C48) tiến hành điều tra tại Vinalines, thì ông Dương Chí Dũng, được thủ tướng cho thôi chức chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines để bộ trưởng giao thông bổ nhiệm giữ chức cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, đúng với “quy trình”!
Ngày 17 tháng 5 năm 2012, C48 đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, tổng giám đốc Vinalines. Dương Chí Dũng đã bỏ trốn và bị truy nã.
Ngày 22 tháng 5 năm 2012, C48 thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ án tham ô tài sản trong việc lựa chọn nhà thầu mua ụ nổi 83M và lập, phê duyệt dự án xây dựng nhà máy tàu biển phía Nam xảy ra tại Vinalines. Tuy nhiên, ban chỉ đạo chống tham nhũng vẫn còn trực thuộc ông Nguyễn Tấn Dũng, nên vụ án có vẻ như được để yên.
Phạm Quý Ngọ leo lên các bậc thang danh vọng khá nhanh và êm ái. Từ thường vụ tỉnh ủy, ủy viên UBND tỉnh Thái Bình, đại tá, giám đốc công an tỉnh, ngày 14 tháng 2 năm 2006, được thủ tướng quyết định thăng quân hàm thiếu tướng, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Nhân Dân; ngày 11 tháng 7 năm 2006, được đề nghị bổ nhiệm kiêm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, thay thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, người điều tra vụ án PMU 18; ngày 28 tháng 1 năm 2008, được thủ tướng tấn phong tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Nhân Dân, Bộ Công An; từ ngày 1 tháng 1, 2010 làm tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm; ngày 12 tháng 8 năm 2010, được bổ nhiệm thứ trưởng Bộ Công An và ngày 18 tháng 1, 2011 trở thành ủy viên trung ương đảng khóa XI; ngày 22 tháng 7 năm 2013, được thăng cấp thượng tướng.
Tướng Ngọ đã từng là đạo diễn của kịch bản lấy khu đất vàng là trụ sở của Tổng cục Cảnh sát giao cho đại gia Thái Bình Tiền Còi. Là thân hữu của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy chưa phải nằm ở cung bậc cao nhất, nhưng là mắt xích quan trọng của cả đường dây lợi ích.
Nhắm vào tướng Ngọ có nghĩa là cuộc chơi đã ngã ngũ. Phe Nguyễn Phú Trọng-Nguyễn Bá Thanh muốn dùng con bài Vinalines để kéo cái uy của Nguyễn Tấn Dũng xuống. Chính vì thế, báo chí được bật đèn xanh, cho phép rộng rãi loan tin ra công luận lời khai của Dương Chí Dũng, không chỉ tường thuật mà còn được ghi âm, ghi hình.
Cuộc so găng giữa các phe phái trên thượng tầng của đảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) đã từng diễn ra căng thẳng tại các hội nghị trung ương 6 và 7 khóa 11 với thắng lợi đảo ngược của ông Nguyễn Tấn Dũng và sự ê chề của phía Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Ðôi lúc cho ta cảm tưởng như ông Trọng mất hết tự tin của một người đứng đầu đảng mà không có thực quyền, bị thao túng. Tham vọng hết nhiệm kỳ thủ tướng vào năm 2016 sẽ leo lên chức tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước với quyền hành rộng hơn (mà hiến pháp 2013 mới quy định) của ông Nguyễn Tấn Dũng có lẽ làm khó chịu nhiều đối thủ chính trị.
Vụ án Vinalines và vụ “Bầu Kiên” của ngân hàng ACB, là những bản nhạc đầu tiên cho khúc hợp xướng phản công lại phe Thủ Tướng Dũng.
Vụ án Vinalines và vụ “Bầu Kiên” của ngân hàng ACB, là những bản nhạc đầu tiên cho khúc hợp xướng phản công lại phe Thủ Tướng Dũng.
Ngày 9 tháng 1 năm 2014, tòa án Hà Nội quyết định trả hồ sơ vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB và yêu cầu bổ sung thêm một số chứng cứ, tài liệu, tình tiết chưa được sáng tỏ. Cùng lúc, ban chỉ đạo chống tham nhũng do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo sẽ giám sát Ngân Hàng Nhà Nước nhằm ngăn ngừa tiêu cực tại một số ngân hàng trong năm 2014.
Không ai lạ gì Bầu Kiên, một bố già sành sỏi và có quan hệ vào loại thượng thừa với các quan chức nhà nước trong lĩnh vực an ninh-tài chính-ngân hàng. Tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, vừa mới về hưu, là cố vấn của Nguyễn Tấn Dũng, cũng đồng thời là cố vấn của Bầu Kiên. Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, cũng có quan hệ thân cận với Bầu Kiên. Nhưng âm mưu thâu tóm ngân hàng, lừa đảo chứng khoán, buôn vàng ảo, v.v… của Bầu Kiên không thể không có sự tiếp tay của các thế lực quyền-tiền trong cả hệ thống.
Toàn bối cảnh cho thấy không có lĩnh vực kinh tế nào mà không có bàn tay lông lá của hệ thống an ninh, công an, sân sau vững chắc của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, “tọa sơn quan hổ đấu”, chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng, đây chỉ là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng quyền lực trong nội tình của ÐCSVN khi mà Nguyễn Tấn Dũng nổi lên với mức độ lộng quyền và lạm quyền thái quá. Từ hồi thập niên 50 của thế kỷ trước, cuộc tranh đua giữa Lê Duẩn và Hồ Chí Minh cũng đã diễn ra quyết liệt, âm thầm. Những đòn thù thanh trừng nội bộ tàn bạo của tập đoàn Lê Duẩn-Lê Ðức Thọ là vết nhơ trong lịch sử của ÐCSVN. Thời Lê Ðức Anh-Ðỗ Mười, các phe phái cũng gây chia rẽ ghê gớm…
Muốn vụ án được làm tới nơi tới chốn thì phải lập ban chuyên án để điều tra. Ban chuyên án này có thể là một ủy ban thuộc Quốc Hội, cũng có thể thuộc ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương. Nhưng muốn gì thì vẫn phải thông qua Bộ Chính Trị, nơi mà đa số thành viên nằm trong phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng.
Cuộc chiến này sẽ chẳng mang lại thay đổi tốt đẹp gì cho tiến trình dân chủ của Việt Nam. Nguyễn Phú Trọng là một người mác-xít bảo thủ. Bản thân Nguyễn Bá Thanh tay cũng đã nhúng chàm trong một số dự án ở Ðà Nẵng mà Bộ Công An đã từng hủy bỏ hồ sơ không khởi tố. Tới một giới hạn nào đó, cùng lắm có thể làm suy giảm ảnh hưởng của Nguyễn Tấn Dũng, chặt vây cánh của ông ta và cảnh báo.
Rồi quân cờ sẽ được sắp xếp trở lại bình yên. Trong vụ án Năm Cam, thứ trưởng Bộ Công An Bùi Quốc Huy, trung tướng, tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh, bị đi tù và được giảm án nhanh chóng để về “vui thú điền viên” trong vòng chưa tới hai năm. Trái đất vẫn chậm chạp quay, sông vẫn hiền hòa đổ nước ra biển cả, người dân vẫn sống trong tình trạng cam chịu.
Phạm Quý Ngọ, thậm chí cao hơn, Ðại Tướng Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Ðại Quang, nếu có mệnh hệ gì, cũng sẽ chỉ đến mức đó. Không đi sâu hơn được nữa! Mục đích là chỉ triệt hạ uy tín nhau, kẻ nọ kéo người kia xuống, nhưng sẽ không làm đổ bể bàn ngọc. Ðảng ta vẫn “quang vinh” và lãnh đạo. Sẽ chẳng có chức chủ tịch nước kiêm tổng bí thư vào đại hội 12! Bối cảnh phe phái hiện nay sẽ không cho ra đời một kịch bản như thế. Nguyễn Tấn Dũng càng không xứng với chức vị ấy! Nhưng cơ cấu quyền lực tay ba chủ tịch nước-tổng bí thư-thủ tướng qua cuộc chiến sẽ được xác lập lại hợp lý.
Phạm Quý Ngọ, thậm chí cao hơn, Ðại Tướng Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Ðại Quang, nếu có mệnh hệ gì, cũng sẽ chỉ đến mức đó. Không đi sâu hơn được nữa! Mục đích là chỉ triệt hạ uy tín nhau, kẻ nọ kéo người kia xuống, nhưng sẽ không làm đổ bể bàn ngọc. Ðảng ta vẫn “quang vinh” và lãnh đạo. Sẽ chẳng có chức chủ tịch nước kiêm tổng bí thư vào đại hội 12! Bối cảnh phe phái hiện nay sẽ không cho ra đời một kịch bản như thế. Nguyễn Tấn Dũng càng không xứng với chức vị ấy! Nhưng cơ cấu quyền lực tay ba chủ tịch nước-tổng bí thư-thủ tướng qua cuộc chiến sẽ được xác lập lại hợp lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét