Pages

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Vì sao “con voi” lại lọt “lỗ kim” trong vụ Huyền Như?

Nhiều báo, nhiều người quan tâm đến vụ án vẫn hỏi: vì sao một người phụ nữ bé nhỏ lại có thể lừa đảo và chiếm đoạt tới gần 4.000 tỷ đồng, qua mặt một loạt ngân hàng và tổ chức gửi tiền?


Một loạt tổ chức, cá nhân dính bẫy Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Tp.HCM. Vụ án gây rúng động thời gian qua, việc xét xử đã đi được một chặng đường, song một câu hỏi vẫn cứ đặt ra…



Nhiều báo, nhiều người quan tâm đến vụ án vẫn hỏi: vì sao một người phụ nữ bé nhỏ lại có thể lừa đảo và chiếm đoạt tới gần 4.000 tỷ đồng, qua mặt một loạt ngân hàng và tổ chức gửi tiền?

Huyền Như trả lời tại phiên tòa, cũng như những thông tin phản ánh về quá trình xét xử, rằng nhiều người đưa tiền vì Như đưa ra lãi suất cao. Thời điểm đó, trần lãi suất huy động Ngân hàng Nhà nước quy định 14%/năm, nhưng Như chào cũng như trả thêm phần chênh lệch 3,5% - 7%/năm; cá biệt có trường hợp chênh lệch hơn 16% - 18%/năm (lãi suất tổng cộng 32% - 36%/năm).

Đến nay, lãi suất và chênh lệch lãi suất như vậy vẫn là câu trả lời chính cho câu hỏi trên.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, giám đốc một chi nhánh ngân hàng chia sẻ với VnEconomy tình huống: “Ngạn ngữ có câu “con voi chui lọt lỗ kim”, nghĩa là lỗ kim phải to hơn con voi. Cá nhân một người, một phòng giao dịch bé tẹo không thể lọt cả ngàn tỷ đồng. Lỗ hổng là ngày xưa cứ lập mấy công ty ủy thác nhận và gửi tiền. Bản thân khách hàng cũng tham lam muốn hưởng chênh lệch lãi suất. Bây giờ bên nào há miệng cũng mắc quai”.

“Nếu xem lại có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại, số tiền bị thiệt hại, người ta dễ dàng nhận thấy những khách hàng không hề “nhỏ lẻ”, toàn khách hàng cỡ bự, thậm chí công ty lớn, ngân hàng lớn. Tại sao họ dễ dàng để một cô nàng tay yếu chân mềm “lừa đảo”? Chắc chắn có uẩn khúc! Chỉ có điều, không ai muốn nói uẩn khúc của mình”, vị giám đốc chi nhánh ngân hàng trên đặt vấn đề.

Ông cũng nhìn nhận rằng, vấn đề ở đây không chỉ đơn giản làm giả con dấu và rút tiền: “Tôi chỉ muốn phân tích điều kiện cần là do đầu tư thua lỗ, vay nợ “xã hội đen” nên dẫn đến bị cáo làm liều. Tuy nhiên, phải có điều kiện đủ là sự nhập nhoạng tình trạng, chủ trương, chính sách và hình thức gửi tiền tại các ngân hàng từ 2008 - 2011 là điều kiện đủ để bị cáo ra tay. Tất yếu, ngân hàng cũng có phần trách nhiệm”.

Nhìn nhận trên đề cập đến một khía cạnh đáng chú ý: sự nhập nhoạng của thị trường, chính sách lãi suất và quản lý, giám sát hệ thống ngân hàng giai đoạn đó là điều kiện đủ, là môi trường nảy sinh “lỗ kim” để “con voi” nặng hàng nghìn tỷ đồng của Huyền Như chui qua.

Vài tháng sau thời điểm Huyền Như bị bắt (tháng 9/2011), người ta vẫn thấy đâu đó trước cửa một số ngân hàng, xe ngân hàng bạn làm con thoi liên tục qua lại để… đòi nợ. Và chuyện là, những người ngồi trên xe là các khách hàng cá nhân đã từng gửi tiền nhưng đến hạn không rút ra được.

Đúng hơn, ngân hàng ủy thác vốn cho cán bộ nhân viên, đến gửi tiền tại ngân hàng khác, mặc cả để lấy chênh lệch lãi suất; hoặc ủy thác cho các công ty sân sau làm tương tự. Đó là một thời kỳ hoạt động “vô lối” trong hệ thống (từ mà ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam từng dùng để miêu tả).

Vô lối ở tình trạng vượt trần lãi suất phổ biến trên thị trường; sự hỗn loạn của các dòng vốn trong hệ thống, thay vì đi vào sản xuất kinh doanh; tình trạng mặc cả lãi suất và lừa dối trong hoạt động ngân hàng thể hiện rõ, khi sổ sách vẫn sạch sẽ với trần lãi suất được tuân thủ (!). Chỉ riêng trường hợp của Huyền Như cũng đã cho thấy mức độ vượt trần rất lớn, chênh lệch lãi suất rất lớn, quy mô rất lớn và đặc biệt là có sự tham gia của nhiều cán bộ ngân hàng.

Sự tham gia của họ gợi lên một thực tế: tình trạng vượt trần lãi suất đã có giai đoạn trở nên quen thuộc, trở thành một cách kinh doanh vốn trên thị trường. Vậy nên, khi trả lời cho câu hỏi đầu bài, cần xét đến yếu tố “đồng phạm” là bối cảnh thị trường - bối cảnh mà chính sách, cơ chế quản lý góp phần tạo ra nó hoặc không kiểm soát nổi nó.

Thứ nữa, một loạt nạn nhân là các tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn bị lừa, một mặt họ đã quen với cách kinh doanh vốn trên; mặt khác, như ý kiến của vị giám đốc chi nhánh ngân hàng trên, có một phần tham lam muốn hưởng lãi suất lớn.

Bên lề câu chuyện này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn chia sẻ, tại một cuộc họp nội bộ, có ý kiến từ hội đồng quản trị đặt tình huống: tại sao ngân hàng mình không làm như những ngân hàng bạn đang “say vốn”, dùng vốn huy động dân cư ủy thác cho cán bộ nhân viên đến mặc cả, gửi lãi suất với chênh lệch 3% - 4%/năm ở ngân hàng khác, nhàn hạ mà lãi cao?

Vị lãnh đạo trên nói với VnEconomy, ông thà nghỉ việc còn hơn bị đặt vào tình huống rủi ro pháp lý, việc điều hành của mình đặt ngân hàng vào rủi ro pháp lý.

“Lúc đó, tôi cũng nghĩ sự nhập nhoạng này rồi cũng sẽ chấm dứt, bởi nếu tiếp tục kéo dài cả hệ thống chứ không chỉ những ngân hàng tham gia sẽ không thể chịu nổi. Lãi suất quá cao, sổ sách bị biến dạng về lâu về dài sẽ lộ ra hậu quả. Cần giữ mình để chờ trật tự được lập lại”, ông chia sẻ.

Và hơn một năm sau, từ nửa cuối 2012 đến nay, kỷ cương hệ thống ngân hàng được củng cố; thanh khoản khá tốt; lãi suất được bình ổn… “Lỗ kim” mà “con voi” hàng nghìn tỷ chui qua được cũng đã nhỏ lại. Nói là nhỏ, bởi thời gian qua đâu đó vẫn còn tình trạng vượt trần lãi suất, mà môi trường dễ nảy sinh ở tiền gửi USD…

Quốc Việt
Theo VnEconomy

Không có nhận xét nào: