Pages

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Việt Nam theo đuổi mô hình cải cách của Trung Quốc

Cải cách kinh tế ở Việt Nam và Trung Quốc đã mang lại những kết quả khá khả quang trong vài thập kỉ vừa qua. Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ năm 1986 đến năm 2012 ở mức khoảng 7%, trong khi đó ở Trung Quốc là 9,5% tính từ năm 1978 đến năm 2012. Bên cạnh đó, cả hai nước đã chuyển mình từ nền kinh tế đóng cửa thành hai điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư, FDI và trở thành trung tâm sôi động trong lĩnh vực sản xuất và thương mại toàn cầu.

VIETNAM ECONOMIC GROWTH

Tốc độ và khuynh hướng phát triển của hai nước nhìn chung có nhiều điểm khá giống nhau, và hoàn cảnh dẫn đến những cải cách này có thể thấy được qua ba điểm đặc trưng: TIếp nhận (xã hội mong muốn sự thay đổi sau nhiều thập kỉ bị ảnh hưởng bởi cơ chế quản lí kinh tế kiểu Xô Viết), các cuộc khủng hoảng (dẫn đến nền kinh tế gặp khó khăn nghiêm trọng), và cơ hội ( sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo độc đoán phải nhường chỗ cho các nhà lãnh đạo mới).

Ở các chỉ số phát triển, cả hai nước cũng đã có những kết quả khá tương đồng với nhau. Đối với Trung Quốc vào năm 1978, GDP bình quân đầu người ở mức khoảng 200 USD, 81,4% dân số nước này sống ở nông thôn và tỷ lệ xuất khẩu so với GDP là 6,6%. Đối với Việt Nam, các con số đó cũng có những điểm tương ứng ở năm 1986 là 240 USD, 80,3% dân số nông thôn và 6,6% tỷ lệ xuất khẩu.

Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có những chính sách và kế hoạch phát triển tương tự nhau, trong đó bao gồm bốn phần chính. Đầu tiên, hai nước đã tạo cho người nông dân tự do hơn trong việc sử dụng đất, hợp thức hóa và chấp nhận cho sự phát triển của khu vực tư nhân ở một mức độ nhất định. Thứ hai, tập trung thực hiện toàn cầu hóa và thu hút FDI. Thứ ba, cải cách khu vực kinh tế nhà nước và tạo sự công bằng cho tất cả các ngành kinh tế. Thứ tư, hiện đại hóa ngành tài chính.

Mặc dù có những điểm tương đồng như vậy nhưng những gì mà cả hai nước đạt được trong hiệu suất lại khá khác nhau. Trong thực tế, khoảng cách GDP bình quân đầu người giữa Trung Quốc và Việt Nam đang ngày càng tạo ra một khoảng cách khá lớn. Đặc biệt vào năm 1985, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam cao hơn một chút so với Trung Quốc, nhưng đến thời điểm hiện tại thì con số GDP tính bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc. Các nhà phân tích dự đóan rằng, nếu tiếp tục giữ nguyên mô hình và tiếp tục phát triển thì sự khác biệt trong thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2050 sẽ tương tự như những gì chúng ta thấy ngày nay giữa Mexico và Hoa Kỳ.

Yếu tố quan trọng làm nền tảng cho sự chênh lệch và hiệu quả kinh tế giữa hai nước được nhóm thành ba phần: Cởi mở, đầu tư và quản trị nhân lực. Rõ ràng những gì Việt Nam thể hiện cho thấy Việt Nam không hề tụt lại phía sau so với Trung Quốc về việc cởi mở hay quản lí nguồn nhân lực. Trong năm 2011, tỉ lệ thương mại so với GDP là 165% ở Việt Nam và 50% ở Trung Quốc, trong khi đó tị lệ FDI ở Việt Nam là 62% và 10% ở Trung Quốc.

Việt Nam cũng được so sánh và tỏ ra không hề thua kém Trung Quốc trên hầu hết các chỉ số về nguồn nhân lực, bao gồm tuổi thọ bình quân, sự phổ cập Internet và số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ trong mỗi 1000 sinh viên. Cụ thể, kết quả đạt được của Việt Nam qua Chương trình OECD Đánh giá Sinh viên Quốc tế (PISA) thì sinh viên Việt Nam tại nước ngoài đều đạt mức trên trung bình so với mức của OECD ở cả ba môn thử nghiệm gồm Tóan, Khoa học và Đọc. Điều này có thể thấy sức mạnh về nguồn nhân lực của Việt Nam không hề thua kém nước bạn.

Ở lĩnh vực liên quan đến chất lượng quản lí nhà nước, Việt Nam đạt được sự ổn định chính trị nhanh hơn Trung Quốc, trong khi cả hai đều đạt được những kết quả khá cân bằng nhau về pháp quyền, tiếng nói, chất lượng giải trình và trong cả các cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, ở mặt hiệu quả của chính phủ và chất lượng quy định, Việt Nam lại kém hay thậm chí tồi tệ hơn Trung Quốc rất nhiều. Điều này cho thấy hệ quả thấp kém trong quản lí nhà nước của Việt Nam có được do các yếu tố liên quan đến lãnh đạo chứ không phải chênh lệch trong việc thiết lập thể chế hay chất lượng nguồn nhân lực.

Có những lý do lịch sử đem lại những hạn chế cho Việt Nam trong thời gian qua. Trước tiên, có sự khác biệt quan trọng giữa Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hơn nữa, cả hai nước đều có cách tiếp cận khác nhau để duy trì quyền lực của  mình. ĐCSVN dựa chủ yếu vào những gì họ có được từ chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Hoa Kỳ. ĐCSVN có xu hướng tìm đến những lợi ích của họ dựa vào những chiến thắng ở quá khứ để khắc phục những khó khăn trong thời điểm hiện tại và có khả năng là cả trong tương lai. Như việc gần đây Việt Nam đã liên minh mật thiết với Nga là một ví dụ. Ngược lại, ở Trung Quốc thì lấy cảm hứng từ các phép lạ Đông Á, đã tin rằng việc chuyển đổi Trung Quốc thành một quốc gia thịnh vương là cách duy nhất để tăng cường tính hợp pháp của Đảng.

Thứ hai, ĐCSVN đã đạt được nhiều phản ứng khả quan trong việc ra quyết định và hoạch định chính sách. Kết quả là, Việt Nam có xu hướng thụ động thực hiện theo mô hình của Trung Quốc trong khi vẫn phải miễn cưỡng để thử nghiệm và tìm ra con đường riêng cho mình. Ngược lại, ngay từ những năm đầu cải cách, ĐCSTQ đã thực hiện một cách nỗ lực và triệt để nhằm đảm bảo sức mạnh của lãnh đạo Đảng, những người mạnh dạn thử nghiệm và rút ra những bài học cho riêng mình sẽ đem lại khá nhiều cơ hội cho đất nước trong tương lai.

Thứ ba, với sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên và được sự trợ giúp lớn từ viện trợ nước ngoàii đã đem lại điều gì đó như một lời nguyền cho Việt Nam. Đất nước đã dựa quá nhiều vào viện trợ nước ngoài, kiều hối và đầu từ nước ngoài trong khi bỏ qua sự phát triển sức mạnh nền kinh tế bản địa. Dòng chảy của các nguồn lực bên ngòai đã cho Việt Nam những ấn tượng sai lầm rằng sự phát triển là một quá trình tích lũy vốn và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng chứ không phải là một quá trình mà trong đó các nhà lãnh đạo và xã hội phải liên tục gồng mình chống đỡ những thách thức và những thử nghiệm không đem lại kết quả tốt đẹp.

Bên cạnh những thiếu sót như vậy, Việt Nam vẫn có cơ hội tạo ra sự thay đổi trong những năm tới. Sự lãnh đạo hợp lý trong những lần cải cách sắp tới là cần thiết để phát triển kinh tế và đáp ứng với những nguyện vọng của người dân.  Cuối cùng, không ai nên đánh giá thấp sức mạnh của nguời Việt khi người dân tại đây luôn hướng tới và theo đuổi giấc mơ ngàn năm: Độc lập, hòa bình và thịnh vượng.

Vũ Minh KhươngNUS/EAF
Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
 
Vũ Minh Khương là trợ lý giáo sự tại Trường Chính sách Công Cộng Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore

© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào: