Cao Huy Huân
Vài tuần trở lại đây, hàng loạt các cựu thí sinh cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần lượt đăng đàn trên các phương tiện truyền thông, gồm cả báo chí và mạng xã hội, để tranh luận và bày tỏ quan điểm liên quan đến câu hỏi “học xong ở nước ngoài nên về Việt Nam hay nên ở lại?” Chuyện không mới, nhưng vấn đề để bàn luận quả thật bộn bề, buộc cả người trẻ và những người làm chính sách phải hết sức tỉnh táo.
Cuộc tranh luận “người ơi người ở hay về?” xuất phát từ chuyện nhiều người đi học theo diện tỉnh tuyển cử không muốn về nước làm việc theo cam kết. Gần nhất thì có trường hợp “người học rồi về” nhưng lại mâu thuẫn với cơ quan quản lý ở Việt Nam. Ông Doãn Minh Đăng, giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, từng là người mang vòng nguyệt quế cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” về Cần Thơ cách đây 10 năm, sẽ bị xử lý vì “nói xấu” nhà trường trên Facebook. Trước đó, hai bên có mâu thuẫn về cách thức làm việc.
Trách nhiệm của nhà nước chưa tròn
Theo quan sát của bản thân tôi trong suốt nhiều năm qua, quả thật rất khó để minh định lỗi phải thuộc về ai một cách quy chụp. Trước hết tôi xin nói về vai trò nhà nước. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng Việt Nam, ít nhất là trong vài năm trở lại đây, đã tạo ra không ít cơ hội và điều kiện cho các lứa thanh niên hướng Tây để tìm chữ, tìm nghĩa về phụng sự quốc gia dân tộc. Chuyện tuyển, cử người tài đi học nước ngoài, tuy chưa thật sự nhiều và đủ nhu cầu, nhưng không phải là không có. Các chương trình học bổng chính phủ và liên kết giữa các chính phủ ngày càng phổ biến và được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên dường như đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh các gói học bổng mang danh nhà nước. Điển hình như các nghi ngờ và lo ngại về tình trạng “người được cử đi học là người không xứng đáng”, hoặc “được đi nhờ có quan hệ thân hữu với ban lãnh đạo”. Điểm danh lại số lượng người được cử đi nước ngoài học bằng ngân sách, “con em quan chức” không phải là số ít, thậm chí là rất đáng lưu tâm. Điều này tạo ra tâm lý mất niềm tin vào các gói hỗ trợ du học từ nhà nước đối với người trẻ. Thế nên, đó cũng là yếu tố tác động, khiến nhiều bạn trẻ đi học nhưng “lười” về, vì thiếu động lực cống hiến, thiếu lý do chính đáng để họ chấp nhận một mức lương thấp hơn và lao động miệt mài hơn.
Một hạn chế khác trong việc thu hút nhân tài chính là việc sắp xếp và bố trí việc làm vừa hợp chuyên môn, vừa hợp nhu cầu của tổ chức. Điều Việt Nam cần không phải là đưa càng nhiều bạn trẻ ra nước ngoài càng tốt, mà quan trọng hơn cả là Việt Nam cần cái gì, thì định hướng đào tạo cao cấp cái đó. Điều này cần được định hướng trước khi tuyển chọn người đi học nâng cao trình độ. Từ đó giúp người trẻ nhận ra lộ trình phát triển bản thân của họ, để họ có thể cố gắng và phấn đấu.
Người ta sẽ làm việc với năng suất cao hơn nếu người ta làm đúng chuyên môn, và biết rằng thành quả lao động sẽ được công nhận với sự thăng tiến về tinh thần lẫn vật chất, địa vị lẫn uy tín và cả sự thỏa mãn của cá tính bản thân. Các câu chuyện về người trẻ du học về không được bố trí việc làm phù hợp; áp đặt; thu xếp máy móc; làm trái chuyên môn;…dường như vẫn còn hiển hiện thường ngày trên các trang báo hay kênh truyền thông, để rồi người ta xót xa cho những tài năng không thể rộ.
Nhiều người trẻ vẫn còn ảo tưởng
Phải khẳng định rằng phần đông bạn trẻ Việt đi du học rất thành đạt, trở thành tiến sỹ trẻ và các nhà nghiên cứu xuất sắc ở khắp nơi trên thế giới. Hãy nhìn lại các quán quân cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, hay rất nhiều tấm gương trên Internet, bạn sẽ thấy điều ấy. Trong số những người trẻ ấy, nhiều người gắn liền giấc mơ, ước nguyện của họ với vùng đất Việt Nam, vốn vẫn còn khó khăn, gian khổ. Nhiều sáng kiến nối đuôi nhau kéo về dải đất hình chữ S, thậm chí ngay cả khi các cơ chế khuyến khích nhân tài của Việt Nam vẫn kém hấp dẫn hơn nhiều so với Úc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, hay châu Âu.
Thậm chí có nhiều bạn trẻ về nước phải vật vã với một số “hạt sạn” liên quan đến văn hóa làm việc, cách đối nhân xử thế giữa người với người, tác phong và kỷ luật làm việc… Có đứa bạn đi học về lắc đầu: Ở đây đi đâu cũng nhậu, nhậu bí tỉ suốt ngày thì lấy đâu ra sức mà làm, mà sáng tạo. Có người thì than thở mức thù lao tính theo cách chưa được công bằng, vẫn nặng tính lễ nghi trên dưới. Có người than phiền về nạn mãi lộ, đút lót, bôi trơn, “con ông cháu cha”… Biết bao nhiêu hạn chế nhà nước chưa giải quyết, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đang ngày đêm cố gắng để có thể làm tròn nghĩa vụ của mình dù rằng họ chẳng thể mơ đến những thay đổi đột phá về mặt cơ chế hay chính sách, bởi họ đã mong từ lâu lắm rồi mà chẳng cục cựa là bao.
Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy không ít bạn trẻ học nước ngoài về cũng “vô dụng”, hoặc ít nhất họ tự vô hiệu hóa bản thân của mình. Tôi rất thích một câu nói của người Mỹ, “Live your dream, not dream your life”. Tôi tạm dịch rằng “hãy hiện thực hóa ước mơ của bạn, chứ đừng nên mơ mộng hão huyền”. Nhiều bạn trẻ học nước ngoài về vẫn “hão huyền” chính cuộc đời của mình. Họ cho rằng họ có thể ngay lập tức làm thật nhiều thứ và xứng đáng được tung hô, được tạo mọi điều kiện ưu tiên, được đứng trong tâm thế người lãnh đạo. Khi họ bất lực trong việc hòa nhập vào môi trường làm việc ở Việt Nam – vốn xuất phát từ cái “tôi” quá lớn của bản thân, họ chuyển sang chạy theo đám đông dư luận để phản ứng tiêu cực, thiếu tính xây dựng.
Hãy hướng về nhau
Bản thân tôi tin rằng, trong môi trường toàn cầu hóa với sự gỡ bỏ đáng kể các rào cản, vấn đề quan trọng không phải là đi hay ở lại, kéo hay buông, mà là nhà nước cùng người trẻ hãy hướng về nhau. Tất nhiên, xin thưa rằng “hướng về nhau” không lãng mạn như cách chúng ta nói, mà thậm chí rất khó khăn khi chúng ta làm. Người trẻ hoàn toàn có thể ở nước ngoài và góp sức, cống hiến cho Việt Nam bằng chính công việc của họ hay các dự án mà họ mơ ước, nung nấu triển khai tại quê nhà. Không ít các người trẻ ở Mỹ, Singapore hay Úc tổ chức các dự án về Internet, giáo dục trực tuyến, học ngoại ngữ, môi trường… cho Việt Nam.
Để được như vậy, nhà nước cũng cần bắt tay nghiên cứu các mô hình “đa quốc gia” như vậy. Rất khó để kéo một người về Việt Nam khi thiếu thốn quá nhiều điều kiện, nhưng tận dụng nhân tài ở nước ngoài để học hỏi, thu về các thành quả thông qua sự hợp tác và kết nối thì không quá khó nếu Việt Nam muốn làm. Cách làm này người Nhật, người Singapore làm rất hiệu quả, và Việt Nam nên có sự tiếp cận để học hỏi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét