Pages

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Biển Đông 2016: Việt Nam cần làm gì với Lào, Chủ tịch ASEAN ?

Biển Đông 2016: Việt Nam cần làm gì với Lào, Chủ tịch ASEAN ?
 


    Vào năm 2016, một trong những sự kiện đáng chú ý liên quan đến Biển Đông là việc Lào lên nắm quyền Chủ tịch ASEAN. Là một quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, trong thời gian những năm gần đây, Lào có những dấu hiệu ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, chỗ dựa kinh tế lớn nhất cho Vientiane.


    Có hai câu hỏi được đặt ra. Trước hết là liệu nước Lào có ngả theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hay không và tìm cách nhận chìm hồ sơ này trong thời gian đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN ? Câu hỏi tiếp theo là Việt Nam có thể làm gì để tác động được trên Lào, để hồ sơ Biển Đông nằm trong chương trình nghị sư của Hiệp hội ASEAN ?
    Kịch bản Cam Bốt nhận chìm hồ sơ Biển Đông năm 2012 sẽ không tái diễn.
    Về điểm thứ nhất, đã xẩy ra tiền lệ của Cam Bốt vào năm 2012 đã không ngần ngại dùng quyền chủ tịch ngăn chặn không cho ra một bản Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN có nêu lên vấn đề Biển Đông không hợp ý Trung Quốc.
    Gần đây hơn, trong một bài viết ngày 12/11/2015 trên báo Nhật Bản The Diplomat, hai nhà nghiên cứu Zachary Abuza and Cynthia Watson cũng nêu lên vai trò theo đuôi Trung Quốc của Cam Bốt nhân Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Kuala Lumpur tháng 11 vừa qua :
    « Đặc biệt là ảnh hưởng của Trung Quốc trên Cam Bốt, và trong một chừng mực nào đó trên Miến Điện, Lào, và bây giờ là Thái Lan, đã giúp đảm bảo rằng không có tuyên bố về Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +) »
    Tuy nhiên, theo nhận định của rất nhiều nhà phân tích, Lào không phải là Cam Bốt, và rất ít có khả năng Vientiane bắt chước Phnom Penh để mù quáng theo đuôi Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông.
    Trả lời phỏng vấn riêng của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) cho rằng kịch bản như tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 2012 thời Cam Bốt làm Chủ tịch khó có thể tái diễn. Ông phân tích :
    « Trong năm 2012, theo một bản ghi chép lại diễn tiến các cuộc thảo luận tại cuộc Họp kín của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (ASEAN Ministers’ Meeting Retreat) được tiết lộ cho tôi biết, thì Lào hầu như không đóng một vai trò gì trong các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông. Lào đã tuyên bố là họ sẽ đi theo sự đồng thuận trong cuộc họp, và đã giữ im lặng khi các cuộc thảo luận trở nên nóng bỏng. 
    Trong tư cách là Chủ tịch ASEAN, Lào có rất nhiều khả năng là sẽ tiếp tục theo đuổi cùng một con đường. Có rất ít khả năng là Lào sẽ bắt chước những gì Cam Bốt đã làm vào năm 2012 và ngăn chặn một tuyên bố chung về Biển Đông. 
    Lào sẽ phải chịu áp lực từ mọi phía. Trong số các quốc gia quan ngại về tình hình Biển Đông, đã xuất hiện một sự thất vọng rất lớn vì sự thiếu vắng tiến bộ về một Bộ Quy tắc Ứng xử COC. Các nước đó sẽ phản công chống lại bất kỳ áp lực nào của Trung Quốc trên Lào. 
    Ngoài ra, vai trò của Tổng thư ký ASEAN (ông Lê Lương Minh) và Singapore, nước được ASEAN giao trách nhiệm điều phối quan hệ với Trung Quốc, sẽ rất quan trọng trong việc duy trì hồ sơ Biển Đông trong chương trình nghị sự của ASEAN ».
    Đối với Giáo sư Thayer, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào sẽ là một nhân tố tích cực giúp thúc đẩy hồ sơ Biển Đông trong thời gian Lào làm Chủ tịch ASEAN :
    « Việt Nam có quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Lào ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Vientiane vào năm nay. Các nhà ngoại giao Việt Nam có thể vận động Lào đóng vai trò Chủ tịch ASEAN bằng cách thể hiện sự đồng thuận trong khối về Biển Đông. 
    Hầu như Lào không muốn, cũng như không có nguồn lực để có một lập trường chủ động trên vấn đề Biển Đông. Một ví dụ : ASEAN yêu cầu có hai hội nghị thượng đỉnh được tổ chức hàng năm. Lào đã xin được gộp cả hai làm một vào năm 2016 do những hạn chế về nguồn lực. 
    Lào sẽ muốn đóng một vai trò khiêm tốn, và do đó sẽ hành động sao cho phản ánh được sự đồng thuận trong ASEAN, đồng thời để cho các nước khác vươn lên dẫn đầu. Cam Bốt có vẻ sẽ là nước tiếp tục thay mặt Trung Quốc, đóng vai trò phá rối ».
    Việt Nam có thể vừa mềm vừa cứng đối với Lào
    Về phần mình, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ), một người theo dõi rất sát hồ sơ Biển Đông, công nhận là hiện nay, Trung Quốc chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế Lào, hơn xa Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có thể sử dụng đến vấn đề kinh tế để tranh thủ Vientiane, chẳng hạn như đẩy mạnh đề án mở ngõ thông thương ra Biển Đông cho Lào có từ thời cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt.
    « Lào là một nước nhỏ không có ngõ ra biển, chỉ có con sông Mêkông dẫn ra biển nhưng phải qua Thái Lan và Cam Bốt. Với tổng số dân khoảng 6,5 triệu người thì Lào cũng khó tự mình khai thác rừng và làm nông nghiệp để phát triển một cách hữu hiệu. Do đó, đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong các khu vực khai thác mỏ và thủy điện, đóng vai trò rất lớn trong trong một nền kinh tế chỉ có khoảng trên dưới 9 tỷ Mỹ kim năm 2014.
    Bốn nước có đầu tư lớn nhất ở Lào năm 2014 là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Pháp. Tổng số đầu tư trực tiếp là 730 triệu Mỹ kim. Năm 2015, một phần vì hiệp ước thương chung ASEAN vừa mới ký, đầu tư từ các nước khác trong khu vực và ngoài khu vực sẽ tăng thêm. Tỷ phần đầu tư từ năm 1989 đến năm 2014 tại Lào là 33% của Trung Quốc, 27% của Thái Lan, 21% của Việt Nam, và 3% của Pháp. 
    Do đó, đứng trên bình diện kinh tế mà nói, Việt Nam có thể thúc đẩy hồ sơ Biển Đông sau khi Lào nắm quyền chủ tịch nếu Việt Nam khéo vận động và mở đường thông thương cho Lào ra Biển Đông như ông Võ Văn Kiệt đã từng có cố gắng... ».
    Ngoài biện pháp kinh tế, giáo sư Ngô Vĩnh Long còn cho rằng Việt Nam cũng có thể vận động quốc tế gây thêm sức ép trên Lào về những con đập trên sông Mêkông có hệ quả phá hoại sinh thái mà chính quyền Vientiane đang xây dựng với sự tiếp tay rất lớn của Trung Quốc. Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược « ba mũi giáp công » để ép Việt Nam, trong đó Lào và Cam Bốt là một mũi, do đó Việt Nam cần phải có chiến lược đối phó :
    « Ngày xưa, quan hệ Lào-Việt Nam có thể nói là 'to lớn nhất', đặc biệt cho đến thời ông Võ Văn Kiệt còn quyền hành. Nhưng mà bây giờ, tôi nghĩ rằng ngoài việc trực tiếp mở đường thông thương cho Lào ra Biển Đông và qua đó tăng quan hệ kinh tế và mậu dịch với Lào để chiếm thêm thị phần, Việt Nam nên vận động các nước trên thế giới làm áp lực Lào về những đập Lào xây với Trung Quốc trên sông Mêkong vốn đã và sẽ gây thiệt hại rất lớn cho hai nước hạ lưu là Campuchia và Việt Nam. 
    Ở phía bắc, Lào đập Xayaburi xây sắp xong với chi phí xây khoảng hơn 3,5 tỷ Mỹ kim. Ở phía nam, Lào bắt đầu xây đập Don Sahong với chi phí khoảng 300 triệu Mỹ kim. Thái Lan định mua 90% điện phát từ đập Xayaburi và phần lớn điện từ đập Don Sahong để cung cấp cho việc phát triển của Thái Lan. 
    Hiện nay có chương trình xây thêm 11 đập thủy điện trên sông Mêkong mà 3 nước được hưởng lợi nhất là Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Trong khi đó nước bị thiệt hại lớn nhất là Việt Nam. 
    Trung Quốc đang củng cố quan hệ với Lào, Thái Lan và Campuchia để ép Việt Nam từ phía Tây trong khi đang ép Việt Nam từ Biển Đông vào và từ biên giới phía Bắc xuống với bao nhiêu chiêu độc hại. 
    Nếu muốn vận động Lào, Việt Nam phải làm sao cho Lào biết rằng quan hệ với Việt Nam sẽ có lợi cho Lào, đồng thời cũng cho Lào thấy là nếu quan hệ không tốt với Việt Nam, thì Việt Nam có thể vận động thế giới để cho người ta thấy là quan hệ giữa Lào với Trung Quốc, và Lào với Thái Lan có hại không chỉ cho Việt Nam và Cam Bốt, mà còn có hại cho sinh thái toàn khu vưc.
    Thành ra nếu Việt Nam muốn tác động về Biển Đông vào lúc Lào làm chủ tịch ASEAN, Việt Nam phải có chiến lược rõ ràng và dài hạn để đương đầu với cái tôi tạm gọi là “ba mũi giáp công” của Trung Quốc... »
    Năm sự kiện và một loạt câu hỏi về Biển Đông 2016
    Sự kiện Lào lên nắm quyền chủ tịch ASEAN là một trong những yếu tố sẽ có liên quan đến Biển Đông cần phải theo dõi. Bên cạnh đó, giáo sư Carl Thayer đã nêu bật 5 sự kiện thiết yếu cần chú ý, từ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về đơn Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, cho đến mức độ quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa. Ông nói:
    « Trong năm 2016, có năm vấn đề chính cần theo dõi.
    (1) Phán quyết của Tòa án Trọng tài (Thường trực tại La Haye), dự kiến sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu, và phản ứng của Trung Quốc cùng các quốc gia khác có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines đều sẽ bị Trung Quốc bác bỏ. Hành động đó của Trung Quốc sẽ đặt họ ra ngoài vòng luật pháp quốc tế. ASEAN sẽ làm gì ? Các cường quốc hàng hải lớn sẽ làm gì ?
    (2) Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải và hàng không (FONOP), được cho là sẽ diễn ra ít nhất mỗi quý một lần, bắt đầu từ tháng Giêng. Liệu Mỹ có sẽ tiến hành những chiến dịch tuần tra FONOP bén nhọn hơn hay không ? như cho tàu áp sát các hòn đảo nhân tạo, hay cho phi cơ P-8 Poseidon và B-52 bay qua không phận trên các đảo ? Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào ?
    (3) Khả năng đúc kết một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc, mà một số nhà quan sát ASEAN đã coi năm 2016 như là một thời điểm 'cấp bách' do việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo. Nếu các cuộc tham vấn bị kéo dài mà không mang lại bất kỳ kết quả nào, liệu ASEAN có sẽ mở một cuộc tấn công ngoại giao hay không ?
    (4)Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và củng cố các cơ sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo của họ. Tiếp theo đó sẽ là gì ? Ai sẽ cư ngụ trên các thực thể đó ? Thiết bị nào sẽ được bố trí trên đó ? Loại phi cơ hay tàu biển nào sẽ đồn trú ở đó ? Liệu Trung Quốc có đặt căn cứ của lực lượng Hải cảnh của họ ở đó và sẽ hung hăng hơn trong việc khẳng định quyền tài phán đối với Philippines và Việt Nam hay không ? Liệu Trung Quốc có quân sự hóa các đảo nhân tạo hay không bằng cách đặt radar tầm xa, hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, pháo binh, thiết bị chiến tranh điện tử và cầu cảng cho tàu khu trục ?
    (5) Bầu cử ở Đài Loan và Philippines sẽ ảnh hưởng ra sao đến các động lực chính trị-ngoại giao của các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông ? Tại Đài Loan, đảng Dân Tiến DPP liệu có nhấn mạnh hơn trên đòi hỏi chủ quyền và tách xa hơn khỏi Trung Quốc hay không ? Một Tổng thống mới của Philippines có hòa hoãn hơn với Trung Quốc so với đương kim Tổng thống Aquino hay không ? »
    Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, diễn biến vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng là sự kiện cần theo dõi, các hành vi của Trung Quốc cũng vậy. Nhưng quan trọng nhất là các động thái của các nhà lãnh đạo Việt Nam liên quan đến Biển Đông.
    « Vấn đề cần theo dõi trong năm 2016 là vụ kiện của Philippines. Việt Nam có thể dùng tiến triển cũng như kết quả của vụ kiện này để vận động dư luận thế giới cũng như lập thế trận cho Việt Nam. 
    Việc này rất quan trọng trên cả lãnh vực pháp lý lẫn chính trị. Thành ra trên chiều hướng này, cũng nên theo dõi tình hình chính trị ở Mỹ trước cuộc bầu cử để có thể có những thúc đẩy đúng lúc và đúng mức.
    Trung Quốc cũng có thể lợi dụng việc Mỹ chú ý vào những chuyện trong nước để tăng áp lực trong khu vực Biển Đông, nói riêng, và khu vực Đông Nam Á, nói chung.
    Nhưng vấn đề lớn nhất cần theo dõi, là thái độ và hành động của các lãnh tụ và các nhà làm chính sách Việt Nam. Nếu họ không năng động, thì các nước khác, trong đó có Mỹ, khó có thể có những hoạt động tích cực hơn nhiều so với năm 2015 ».

    Không có nhận xét nào: