Kể từ 2016, mỗi bộ và cơ quan ngang bộ tại Việt Nam sẽ chỉ có tối đa là năm thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.
Ngoại lệ là các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao, được phép có không quá sáu thứ trưởng.
Luật cũng quy định con số này có thể cao hơn khi có sự sáp nhập bộ ngành hoặc nhu cầu điều động, luân chuyển cán bộ.
Tuy nhiên, quyền xem xét, quyết định đối với các trường hợp bổ nhiệm bổ sung sẽ thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay vì Thủ tướng.
Theo luật cũ, vốn được ban hành hồi 2001 và sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/1/2016, số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ ngành không bị hạn chế và hoàn toàn do Thủ tướng bổ nhiệm.
Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật đặt ra đã giới hạn “số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá bốn người", trong các trường hợp đặc biệt thì con số này "có thể nhiều hơn bốn người, do Thủ tướng Chính phủ quy định".
Qua thời gian, vì nhiều lý do khác nhau, từ việc việc sáp nhập, thay đổi cấu trúc cơ quan cho tới "nhu cầu công việc" và cả việc "cơ cấu thành phần" lãnh đạo nữ, cho đến nay hầu hết các bộ ngành đều đã thuộc nhóm các "trường hợp đặc biệt", với lượng thứ trưởng tại 18 trên tổng số 22 bộ và cơ quan ngang bộ "lạm phát" hơn nhiều.
Theo trang tin Người Lao động, tính đến đầu năm 2015 cả nước có tổng số 118 quan chức giữ hàm thứ trưởng hoặc tương đương.
Con số này tăng mạnh trong những tháng cuối năm, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự.
Đáng kể nhất là việc bổ nhiệm bốn lãnh đạo Bộ Quốc phòng và hai lãnh đạo Bộ Công an, được thực hiện sau khi Luật Tổ chức Chính phủ mới đã thông qua.
Đợt bổ nhiệm mới nhất nâng số thứ trưởng ở hai bộ này lên mức cao kỷ lục, 10 thứ trưởng quốc phòng và chín thứ trưởng công an.
Cả mười vị tướng, thứ trưởng quốc phòng, đều là các ủy viên trung ương đảng.
Trong dàn lãnh đạo Công an, tân thứ trưởng Nguyễn Văn Thành là người duy nhất chưa đeo lon tướng. Trước khi được điều động về bộ, ông Thành giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng và từng là một phó phòng công an Hải Phòng.
Không muốn chia quyền?
Hồi đầu năm, trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, đã có những đề xuất về việc tản quyền cho cấp thấp hơn như tổng cục trưởng, vụ trưởng đảm trách công việc thay vì tăng thêm các vị trí phó cho người đứng đầu bộ ngành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được cho là thuộc nhóm những người ủng hộ việc luật hóa và giới hạn cụ thể số lượng cấp thứ trưởng ở các bộ ngành.
“Không có nhiều tướng thì sẽ ít quân đi thôi, cứ đẻ ra một tướng là thêm quân,” ông nói trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian soạn thảo luật.
Tuy nhiên, "không ít bộ trưởng lại không muốn trao quá nhiều quyền cho các tổng cục", trang tin Người Lao động dẫn lời tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lý do, theo ông Thảo, là "mặc dù trao quyền thì việc của bộ trưởng rất nhẹ nhưng vô hình chung lại biến tổng cục thành các bộ con", trong lúc với cơ chế hiện thời của Việt Nam, bộ trưởng thực hiện công tác điều hành, thậm chí "tham gia cả việc xét duyệt cấp kinh phí cho từng dự án".
Luật mới hầu như giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn của thứ trưởng so với trước.
Tuy nhiên, luật mới đã không nhắc tới một trong các trách nhiệm mà thứ trưởng có thể đảm trách từng được quy định trong luật cũ: được ủy nhiệm lãnh đạo chung trong trường hợp người đứng đầu bộ, ngành vắng mặt.
Luật Tổ chức Chính phủ (ban hành 19/6/2015), Điều 38
1. Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về nhiệm vụ được phân công.
2. Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 05; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 06. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét