Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Nan giải lao động 'chui' Việt ở Thái Lan


Image copyrightGetty
Image captionHầu hết người Việt lao động bất hợp pháp nhập cảnh tại Thái bằng visa du lịch

Một linh mục giúp tư vấn pháp luật cho lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Thái Lan bình luận rằng việc Bộ Lao động Thái cấp phép tạm thời một năm cho đối tượng này ‘không hẳn là tin mừng’.
Bộ Lao động Thái Lan thông báo triển khai đăng ký, cấp phép tạm thời một năm cho lao động Việt Nam tại nước này từ ngày 1-30/12.

Động thái của Thái Lan được cho là nhằm “tăng cường quản lý lao động nước ngoài, xử lý lao động tự do và cư trú bất hợp pháp”.
Điều này còn bảo đảm lợi ích chính đáng cho người lao động Việt Nam tại Thái như mức lương tối thiểu, thời gian làm việc, chế độ nghỉ phép và bảo hiểm y tế.
Việc cấp phép dành cho những công dân Việt Nam đang làm các việc giúp việc gia đình, lao động chân tay trong ngành xây dựng, đánh cá trên biển, phục vụ nhà hàng và có chủ sử dụng lao động là người Thái.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt tại Bangkok hôm 23/12, linh mục Anthony Lê Đức, người giúp tư vấn pháp luật cho những người Việt Nam lao động bất hợp pháp, cho hay:
“Tôi được biết từ trước đến nay, đa số lao động Việt Nam thường nhập cảnh Thái Lan bằng visa du lịch giới hạn lưu trú trong 30 ngày nhưng có người ở lại đến 5-10 năm để làm việc. Tình trạng đó khiến họ gặp rắc rối khi xảy ra khi gặp tai nạn lao động, bệnh tật hay tai nạn giao thông trên đất Thái”.
Linh mục nói thêm rằng khi biết được về những trường hợp này, ông và những người phụng sự thuộc Dòng Ngôi Lời thường giúp họ nắm bắt các thủ tục pháp lý với chính quyền, chủ lao động tại địa phương.
“Khi gặp rắc rối, những lao động là người Công giáo có tâm lý liên hệ với các linh mục trước khi gọi cho sứ quán Việt Nam tại Bangkok”, linh mục nói.
Ông bình luận: “Việc Bộ Lao động Thái cấp phép tạm thời một năm cho lao động phổ thông chỉ giới hạn đăng ký trong bốn loại công việc, mà theo tôi biết gần như không có người Việt nào làm ngành xây dựng hoặc đánh cá trên biển ở Thái.
Hơn nữa, chỉ những người Việt nhập cảnh vào Thái lần cuối cùng trước ngày 10/8/2015 và có visa đã hết hạn mới được đăng ký. Theo tôi, lượng người đạt điều kiện này không nhiều”.

Nguy cơ bị phạt tù


Image captionLinh mục Anthony Lê Đức thường tư vấn pháp luật cho những người Việt lao động bất hợp pháp tại Thái

Trước đó, báo Bangkok Post tường thuật bà ML Boondarik Smithi, quan chức Bộ Lao động Thái Lan ước tính có hơn 3.000 lao động Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp tại Thái.
Báo này nói hầu hết lao động Việt Nam bất hợp pháp Việt làm phục vụ bàn trong các nhà hàng, và có nguy cơ bị phạt 5 năm tù giam và phạt tiền đến 100.000 baht nếu bị kết tội phạm Luật Người nước ngoài làm việc tại Thái.
Những người lao động bất hợp pháp bị bắt thường bị phạt 2.000 baht trước khi bị trục xuất, nhưng một số vẫn tìm cách quay lại Thái, Bangkok Post viết.
Hôm 2/12, trả lời phỏng vấn của BBC, ông Hoàng Thanh Tùng, cán bộ phụ trách báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nói "Ngoài những công việc phổ thông, chúng tôi sẽ trao đổi với phía Thái Lan về những công việc, ngành nghề khác mà lao động Việt Nam có thể tham gia. Việc hợp tác lao động giữa hai nước trong một số lĩnh vực cụ thể đã được chính phủ hai nước thống nhất".

Không có nhận xét nào: