Pages

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Những phát ngôn “shock” nhất năm 2015 của quan chức CSVN

Vì trình độ và khả năng suy nghĩ kém, giới lãnh đạo CSVN thường có những câu nói làm trò cười cho thiên hạ trong nước lẫn quốc tế.
Sau đây là 10 trong nhiều câu nói gây “shock” trong năm 2015 của lãnh đạo CSVN:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nếu đụng độ trên biển ta có ngồi đây được không?”

“Các bác thấy vấn đề Biển Đông chúng ta giải quyết như thế có đúng không? Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển. Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không? Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không? Để đảm bảo độc lập tự chủ, chơi với mọi nước nhưng không phụ thuộc vào ai mà các nước ta quan hệ, hợp tác đều phải nể trọng như vậy”, Tổng Bí thư nói như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), hôm 8-12.
Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh: “Mất đảng thì biển đảo cũng mất”
“Nội bộ mất ổn định thì bên ngoài sẽ thừa cơ lật đổ chế độ. Mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất”, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói như vậy trong phần phát biểu dài gần một giờ tại buổi thảo luận tổ các đại biểu quốc hội chiều 22-10.
Mất đảng, mất chế độ, chưa chắc đã mất biển đảo, vì mất đảng này, mất chế độ này thì sẽ có đảng khác, chế độ khác thay thế. Chỉ có mất lòng dân, dẫn tới mất nước, thì nguy cơ mất biển đảo là cái chắc! Đất nước Việt Nam trải qua mấy ngàn năm, thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… làm gì có đảng Cộng sản, để bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ đất nước.
Phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội CSVN Nguyễn Sĩ Dũng: “Từ chức nghĩa là từ chối nhiệm vụ được đảng giao”.
“Việc từ chức ở ta khó hơn ở các nước phát triển. Chức quyền nhiều khi còn được coi là nhiệm vụ chính trị được đảng giao. Từ chức nghĩa là từ chối nhiệm vụ được giao. Một việc làm như vậy khó có thể được đánh giá cao, xét từ góc độ kỷ luật của đảng”. Ông Nguyễn Sĩ Dũng đã nói như vậy với báo chí tại phiên họp quốc hội hồi tháng 7-2015.
Bộ trưởng bộ thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son: “Dùng facebook nói xấu nhau sẽ bị xử phạt”.
Phát ngôn này của ông Son khi trò chuyện với báo chí bên lề kỳ họp thứ 10 của quốc hội sáng hôm 16-11 sở dĩ được coi là sốc, vì “nói xấu nhau” ở đây hàm ý là nói xấu đảng và nhà cầm quyền CSVN. Nói như lời ông Son thì ai cũng có thể bị phạt khi lên tiếng chê trách, than phiền một cá nhân, một tổ chức, một sự việc hay đơn giản là một sản phẩm, dịch vụ.
  1. Bộ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh: “Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”. Ông Vinh đã nhấn mạnh như vậy tại phiên quốc hội thảo luận ở tổ hôm 22-10.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2016 là 255,750 tỷ đồng, thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131,200 tỷ đồng, chiếm hơn 52% ngân sách do các địa phương tự quản lý, trung ương còn 124,000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác chỉ còn 45,000 tỷ đồng. “45,000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”.
Khi ấy, chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ông Hùng là cựu bộ trưởng tài chính) tỏ ra bất ngờ và nói rằng: “Đã thế trong vay nợ lại còn vay ngắn, chưa vay đã trả lấy gì mà cân đối! Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà một đồng lương cũng không có là như thế nào?”.
Bộ trưởng bộ văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh: “Xin truyền lại cho bộ trưởng kế tiếp”.
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (ngày 17-11), khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về phát triển ngành du lịch, bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói: “Những việc ngành du lịch cố gắng rồi nhưng chưa đạt mong muốn của quốc hội, tôi xin chịu trách nhiệm. Trách nhiệm là tôi sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Biết làm thế nào được, thời gian không còn nữa, nhiệm kỳ sắp hết”.
Khi Bộ trưởng vừa dứt lời, cả hội trường quốc hội vang tiếng cười.
Phó chủ nhiệm ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của quốc hội CSVN Lê Như Tiến: “Tăng tốc tham nhũng khi hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Ông Tiến đã nói một cách hình ảnh như vậy khi chất vấn tổng thanh tra chính phủ tại phiên chất vấn của quốc hội ngày 17-11-2015. Ông nói: “Một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ… Trách nhiệm cá nhân và giải pháp của tổng thanh tra như thế nào trong việc ngăn chặn quan chức “chạy nước rút” để thực hiện những “chuyến tàu vét” trước khi hạ cánh”.
Thừa nhận thực tế có xảy ra một số vi phạm như ông Lê Như Tiến nói, tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết “sẽ lưu ý vấn đề này trong triển khai nhiệm vụ năm 2016”.
Bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát: “Ngộ độc thực phẩm phải lăn ra chết thì mới xử lý được”.
Trả lời chất vấn trước quốc hội hôm 17-11, liên quan đến trách nhiệm của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn trong quản lý sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Cao Đức Phát nói: “Bộ luật hình sự, điều 244 quy định nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý. Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp này thế nên cũng không xử lý được!”.
Giám đốc sở giao thông vận tải Sài Gòn Bùi Xuân Cường: “Sài Gòn không có ùn tắc vì xe vẫn nhúc nhích được”.
“Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó. Các vụ việc kẹt xe kéo dài ở Sài Gòn chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được”. Đó là cách giải thích của ông Bùi Xuân Cường trong buổi họp báo ngày 29-9-2015 của sở giao thông vận tải Sài Gòn.
Câu nói này của ông Cường đã làm cộng đồng mạng “dậy sóng”. Bởi vì, năm 2015, nạn kẹt xe đã bùng phát mạnh ở Sài Gòn. Kẹt xe, ùn tắc trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra đường, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Hình ảnh hàng ngàn phương tiện giao thông phải nhích từng chút để lưu thông hoặc đứng chết dí ở các ngã tư là hình ảnh thường thấy tại Sài Gòn.
Bộ trưởng Giáo Dục Phạm Vũ Luận:
Là lãnh đạo cao nhất của nền giáo dục nước nhà, tương lai của dân tộc Việt Nam, ông Luận là người có nhiều câu phát biểu “kém giáo dục” nhất! Sau đây chỉ xin trích ra hai trong nhiều câu nói bất hủ của ông:

Trong phiên chất vấn của quốc hội ngày 11/06, ông Luận phát biểu:
“…Quá trình dạy và học đã thay đổi, từ chỗ dạy cho số đông sang chú ý đến hình thành phát triển từng cháu. Trước đây giáo viên nói dạy 1 lớp 40 cháu, nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp…” 
Và: “Học kém thì không thể đạo đức tốt được”
Kết thúc với 2 câu phát biểu của ông Luận, để thấy tương lai nước Việt Nam sẽ đi về đâu nếu tiếp tục đặt dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN…
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Không có nhận xét nào: