Hôm nay, sau 8 ngày làm việc hội nghị trung ương 13 đã bế mạc. Kết quả của hội nghị này đã làm nhiều người thất vọng. Một trong những nội dung trọng tâm nhất của Hội nghị trung ương lần thứ 13, là chuẩn bị nhân sự cho khóa 12 sắp tới của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo dự kiến, các Ủy viên Trung ương khóa 11 (cả chính thức và dự khuyết) sẽ biểu quyết danh sách: đề cử các ủy viên TƯ khoá 11 (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các ủy viên TƯ khoá 11 thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá 12; một nhân sự đặc biệt sẽ giữ chức vụ Tổng Bí thư; số lượng và 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cho khóa 12; và danh sách 22 ủy viên Bộ Chính trị; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự Ban Bí thư, UB Kiểm tra Trung ương khoá 12.
Bên ngoài ngoài hành lang, trước hội nghị trung ương 13, các nhà quan sát đều cho rằng, hội nghị trung ương lần này sẽ làm 2 việc chính, đó là: Bỏ phiếu xác lập vị thế tân Tổng Bí thư của ông Nguyễn Tấn Dũng; thống nhất số lượng thành viên Bộ Chính trị có 18 hay 20 thành viên và dự kiến nhân sự 4 chức danh hàng đầu: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Tuy vậy, việc phát hành Báo cáo số 9387/BC-UBKT trước đó của Ban Kiểm tra TƯ, về vấn đề "Thư phản ánh, kiến nghị về đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ" đã có tác động đáng kể đến kết quả của Hội nghị. Ngươi ta cho rằng đây là đòn của phe chống ông Nguyễn Tấn Dũng tung ra trước hội nghị trung ương 13 nhằm gây khó khăn cho phe của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Kết quả cuối cùng của hội nghị trung ương 13 lần này mới chỉ thông qua danh sách đề cử các ủy viên TƯ khoá 11 (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các ủy viên TƯ khoá 11 thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá 12. Và TƯ cũng đã bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá 12; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự UB Kiểm tra Trung ương khoá 12.
Vấn đề quan trọng nhất là việc xác định 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cho khóa 12 thì phải gác lại và giao cho Bộ Chính trị, tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá 11 quá tuổi, tái cử, để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước và sẽ trình hội nghị Trung ương lần thứ 14 để xem xét. Đây chính là một sự bế tắc, chưa có hồi kết, cho dù riêng thời gian giành để bàn cho công tác nhân sự chiếm mất tới 4 ngày, hội nghị phải làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Điều đó đã cho thấy, sự tính chất căng thẳng của hội nghị trung ương 13.
Cho dù tại hội nghị trung ương 12, Ban Chấp hành Trung ương đã đi đến việc thống nhất việc ấn định độ tuổi của các thành viên Bộ Chính trị khóa tới. Đó là tuổi của các thành viên Bộ Chính trị không quá 63 tuổi, nghĩa là các trường hợp hiện đang là Ủy viên Bộ Chính trị sinh năm 1953 trở về trước đếu phải nghỉ. Và để đảm bảo tính kế thừa, đã cho phép hai hoặc ba trường hợp đặc biệt, đó là những người đã quá độ tuổi theo quy định, nằm trong danh sách "Tứ trụ" và Bộ Chính trị của khóa 11 được ở lại.
Tại hội nghị trung ương 13 lần này, các ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng đã được các Ủy viên Trung ương giới thiệu trong danh sách các nhân sự "đặc biệt". Tuy vậy, đã có rất nhiều cá nhân khác trong Bộ Chính trị lên tiếng đòi hỏi sự công bằng hơn, mà theo họ đã đưa ra câu hỏi "Đồng chí X, đồng chí Y... ở lại được sao tôi không được ở lại?". Đó là các vị như: Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải... Đây là nguyên nhân chính đã khiến cho hội nghị HNTƯ-13 không thể chốt lại và biểu quyết danh sách để cử các ứng viên cho các vị trí "tứ trụ". Theo các nhà quan sát, là đã có những thế lực trong đảng làm việc này với mục đích để "phá thối".
Tuy vậy, hội nghị cũng thông qua danh sách ứng cử Ủy viên Bộ Chính trị (chưa kể đến trường hợp đặc biệt) để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tiến hành bầu chọn như sau:
Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Ngô Xuân Lịch, Đỗ Bá Tỵ, Đinh La Thăng, Trịnh Đình Dũng, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Hòa Bình, Phạm Minh Chính, Tô Lâm, Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Nên, Cao Đức Phát.
Đồng thời Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng từ ngày 20/1 đến ngày 28/1/2016 tại Hà Nội, trong đó phiên trù bị tổ chức vào ngày 20/1, khai mạc chính thức vào ngày 21/1.
Vấn đề còn lại là số lượng thành viên Bộ Chính trị khóa 12, sẽ có 18 hay 20 thành viên và dự kiến 4 chức danh hàng đầu: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội sẽ được thông qua trong HNTƯ-13. Do vậy, thời gian từ nay đến hội nghị trung ương 14 sẽ là thời gian của cuộc đưa nước rút mang tính sống còn giữa các phe trong nội bộ đảng.
Với danh sách đề cử các ứng viên chạy đua vào Bộ Chính trị, người ta cũng có thể dễ dàng suy đoán phe nào sẽ nắm kết quả cuối cùng trong Đại hội Đảng lần thứ 12 vào cuối tháng 1/2016.
Việc một số nhân vật đã quá tuổi vẫn xin tiếp tục ở lại để phục vụ Đảng và nhân dân là nguyên nhân đã làm cho công tác nhân sự chủ chốt của Đại hội 12 hoàn toàn bế tắc. Các nhà quan sát thấy rằng, có lẽ Hội nghị trung ương 14 sắp tới cũng khó tìm được câu trả lời cho vấn đề này.
21/12/2015
© Việt Dũng
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét