Pages

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Thống đốc Bình muốn dân thôi 'găm USD'?

Image copyrightGetty
Image captionThống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục khuyên người dân 'nên gửi tiết kiệm tiền đồng có lợi hơn đôla'
Sau động thái đưa lãi suất gửi tiết kiệm đôla còn 0%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hướng buộc người gửi ‘sẽ phải trả phí’.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình được báo Tuổi Trẻ hôm 28/12 dẫn lời cho hay: “Tới đây, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức lãi suất âm, nghĩa là người gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí. Tất nhiên, nói như vậy nhưng sẽ linh hoạt trong điều hành, khi tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ”.

Thống đốc được dẫn lời nói thêm rằng “Chúng ta tôn trọng quyền nắm giữ ngoại tệ của người dân, doanh nghiệp, nhưng trên lãnh thổ Việt Nam phải sử dụng tiền đồng. Quý vị có nguồn thu ngoại tệ hợp pháp, nhưng nếu tiêu xài phải rút ra bằng tiền đồng. Đó là lộ trình cuối cùng phải tiến tới”.
Ông Bình tiếp tục gửi thông điệp “gửi tiết kiệm tiền đồng vẫn lợi hơn” đến người dân.
Hôm 28/12, bình luận về động thái này với BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói: “Có thể xem động thái này là công cụ hành chính để từng bước loại bỏ việc sử dụng ngoại tệ như đồng tiền song hành trong nền kinh tế.
"Đây là bước tiếp theo của việc giảm lãi suất về 0% trước đó. Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước phải nâng cao niềm tin của người dân vào tiền đồng và giữ cho tiền đồng có sức mua cũng như giá trị bảo đảm sự ổn định trong kinh doanh.
"Đây là điều khó hơn là việc vận dụng một công cụ hành chính. Việc người dân có tin vào lời khuyên gửi tiết kiệm tiền đồng có lợi đến đâu, còn phải chờ trên thực tế”, ông Doanh nói.
Image copyrightGetty
Image captionNgười dân Việt Nam có thói quen trữ vàng và đôla như lựa chọn bảo toàn tài sản của mình.
Việc tiền đồng mất giá khoảng 5% so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá hai lần trong năm 2015, theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh, là có “ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
Tuy nhiên ông Doanh nói so với khu vực thì việc mất giá này còn "ít hơn nhiều" và dẫn chiếu tới đồng ringgit của Malaysia.
Trong khi đó một nhà đầu tư người Việt muốn ẩn danh nói với BBC rằng việc phi đô la hóa nền kinh tế là "một ưu điểm" nếu làm đúng theo tinh thần "vì dân vì nước" bởi nó sẽ làm cho lành mạnh nền kinh tế.
Tuy nhiên người này nói rằng vấn đề là dân từ lâu không còn tin vào tiền đồng, họ tích đô la Mỹ như là cách để bảo toàn tài sản của mình và họ găm đô la là do mất niềm tin vào năng lực của chính phủ.
"Nếu VND được điều hành tăng giảm linh hoạt theo đúng tinh thần chính phủ chủ động tức là biết mình đang làm gì, hoặc linh hoạt ứng phó trong các tình huống bị động thì sẽ tạo được niềm tin trong dân.
"Hàng năm nay dân đều đồn là nếu đúng ra thì 1 USD phải bằng 25.000 VND, 27.000 VND hoặc thậm chí 30.000 VND.
"Trong khi thực tế là 22.800, dân nghi ngờ tỷ giá bị kìm nén có chủ ý. Do vậy theo họ cứ găm USD là an toàn vì trước sau gì thì đồng cũng bị phá giá.
"Về tỉ giá, nhà quan sát này cho biết 22.800 là giá chợ đen còn nếu giá trong ngân hang thì trần mới chỉ là 22.547 nhưng nếu muốn mua thì cực khó và phải quen biết nhưng cũng là giá trên 22.547, người này bình luận.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 24/12, Tiến sỹ Phạm Thế Anh, trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân của Việt Nam mô tả việc Việt Nam theo đuổi chính sách leo tỷ giá đồng Việt Nam vào đồng đôla Mỹ khiến cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế giảm đi rất nhiều.
"Bởi vì đồng Việt Nam tương đối neo chặt vào đồng đôla Mỹ, do vậy nó lên giá so với những đồng tiền khác, cái này ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế,” Tiến sỹ Phạm Thế Anh nói.

Không có nhận xét nào: