Ông Tăng Phi Dương (Zeng Fei Yan), Giám đốc trung tâm người lao động nước ngoài.@China Labour Bulletin
Cơ quan thông tấn Nhà nước Trung Quốc cáo buộc 7 nhà hoạt động bảo vệ người lao động đã « xúi giục công nhân đình công », nhận tài trợ nước ngoài và« gây rối trật tự xã hội ».Các hội đoàn nhân quyền chỉ trích những cáo buộc trên.
Các cáo buộc được đưa ra vào đúng lúc các nhóm nhân quyền cho rằng chính quyền Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến lớn nhất từ hai thập kỷ nay. Chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ hàng trăm nhà hoạt động đòi Trung Quốc phải cải tổ.
Trong bản tin ngày 22/12/2015, Tân Hoa xã liệt kê các cáo buộc đối với ông Tăng Phi Dương (Zeng Fei Yan), Giám đốc trung tâm người lao động nước ngoài, có trụ sở tại quận Phiên Ngung (Panyu), Quảng Châu. Ông Tăng bị bắt ngày 04/12/2015 cùng với một số người khác vì « xúi giục người lao động đình công, gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội và gây trở ngại cho các nhà máy ».
Tân Hoa Xã còn « cung cấp » thông tin đời tư của ông Tăng, theo đó Giám đốc trung tâm Phiên Ngung đã lập gia đình nhưng có « ít nhất tám người tình ». Ông này thường gửi video sex và « tin nhắn sàm sỡ » để quyến rũ phụ nữ trên mạng internet.
Ngoài ra, theo tổ chức Ân xá Quốc tế, có 6 nhà hoạt động khác cũng bị bắt giữ, gồm Chu Tiểu Mai (Zhu Xiao Mei), Hà Tiểu Ba (He Xiao Bo), Meng Han, Peng Jiayong, Deng Xiaoming và Tang Huanxing. Ngay lập tức, rất nhiều ý kiến chỉ trích và nhấn mạnh là những người bị bắt không được xét xử công bằng.
Trong buổi họp báo ngắn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi khẳng định là các phiên tòa sẽ được xét xử « đúng với luật pháp ». Chính quyền tỉnh Quảng Đông và cơ quan an ninh từ chối trả lời hãng tin Reuters.
Tháng 11/2015 hiệp hội bảo vệ quyền của người lao động China Labour Bulletin, trụ sở tại Hồng Kông, ghi nhận 56 cuộc đình công tại Quảng Đông và cho rằng đây là một kỷ lục. Nguyên nhân chính là do các nhà máy đóng cửa, chủ nhân bỏ trốn, không trả lương công nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét