Pages

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Con Thứ trưởng VN 'du học không về'

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Một thứ trưởng Việt Nam cho biết ông có hai người con đi du học nhưng không về nước, và đặt ra vấn đề sử dụng nhân tài, trong phiên giải trình của chính phủ trước Quốc hội hôm 29/12.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nói: "Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về. Ví dụ như thế thì thấy khó thật.
"Bây giờ tạo việc làm thế nào, thu hút ra làm sao, chúng tôi sẽ có báo cáo Chính phủ để xem lại chính sách," báo Tiền Phong dẫn lời ông Thăng trong cuộc họp trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội liên quan tới luật về thanh niên.

Vị thứ trưởng cũng cho rằng đa số các trường hợp đi du học từ cấp phổ thông và đại học không về.
“Quan điểm của cá nhân tôi là cần phải có tư duy thoáng ra. Không phải không về nước là không đóng góp cho đất nước. Không phải không về nước là không yêu nước. Đây là sự cống hiến chung cho nhân loại. Có những trường hợp đưa hình ảnh Việt Nam lên rất cao, ví dụ như giáo sư Ngô Bảo Châu,” trang Vietnamnetdẫn lời.
Theo Nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo thuộc Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) 2015, Việt Nam hiện có hơn 110.000 học sinh du học với mức học phí từ 30.000 đến 40.000 USD mỗi năm. Như vậy, người Việt mỗi năm chi gần 3 tỷ USD cho việc du học.
Số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ cũng lên tới 16.500 người, đứng đầu các nước Đông Nam Á và thứ 8 trên thế giới.

'Giấc mơ Mỹ'

Theo phân tích năm 2013 của tổ chức ICEF Monitor - chuyên theo dõi ngành công nghiệp giáo dục quốc tế, "phụ huynh Việt Nam tiêu một khoản tiền khổng lồ cho con đi học nước ngoài, so với tỉ lệ thu nhập bình quân đầu người. Tóm gọn trong một câu, giáo dục là quan trọng và cha mẹ đang đặt tiền của họ vào nơi mà họ ưu tiên và cho là có giá trị."
Trang ICEF Monitor cũng phân tích, tuy vào năm 2012, Úc là nơi có đông du học sinh người Việt nhất, nhưng học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn mang theo 'giấc mơ Mỹ'.
"Sinh viên Việt Nam đánh giá học cao học ở Hoa Kỳ là "tốt nhất thế giới" và "là ưu tiên đáng được đầu tư tài chính lớn".
ICEF Monitor giải thích lý do học sinh Việt Nam chọn ra nước ngoài dù tốn kém, có đoạn viết về tỷ lệ thấp đối với số lượng đăng ký học cao học ở Việt Nam:
"...Cũng giống như nhiều phương diện khác của xã hội Việt Nam, đang diễn ra cuộc chạy đua điên cuồng nhằm bù lại thời gian đã mất, tranh thủ rất nhiều cơ hội mới, và đáp lại nhu cầu ngày càng lớn đối về giáo dục và đào tạo - mà không có được cơ sở hạ tầng cần thiết hay kiểm soát chất lượng.
"Không mấy ngạc nhiên, kết quả cuối cùng là "thiếu sót trong cơ sở hạ tầng và giảng dạy", là một trong những lý do khiến lượng đăng ký dừng lại."
Cùng với đó, một nguyên nhân khác khiến học sinh Việt Nam chọn ra nước ngoài là "sự đàn áp các tổ chức nước ngoài trái phép hoạt động ở Việt Nam".
Bài viết cũng trích dẫn Nghị định 73 với những điều khoản và điều kiện bó buộc và hạn chế các tổ chức giáo dục nước ngoài, có đầu tư nước ngoài, hay hợp tác ngước ngoài - Việt Nam vào các chương trình đào tạo ngắn hạn, mầm non, đại học .v.v.
Trong thảo luận trực tuyến với BBC Tiếng Việt về chủ đề du học hôm 17/12, anh Nguyễn Tuấn Hải, từng theo học tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ, cho rằng "đa số phụ huynh khi cho con đi học ở nước ngoài đều mong muốn con mình ở lại sau khi học xong. Đó có thể xem là cuộc chạy trốn nền giáo dục phổ thông trong nước”.
(Xem lại thảo luận về 'Du học: Ở hay về?' tại: http://bit.ly/1lT7h4e)

Không có nhận xét nào: