Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Bán chiến đấu cơ cho Brazil : Pháp đau vì bị loại


Chiến đấu cơ tối tân của Dassault, Rafale

Chiến đấu cơ tối tân của Dassault, Rafale
REUTERS/Stringer
Thủ tướng Đức dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên để đến Paris sau khi chính thức nhậm chức thêm một kỳ ba : « Một chặng mới trong quan hệ Pháp- Đức ». Đối lập Ukraina « trong ngõ cụt » sau khi Kiev nhận được sự hỗ trợ kinh tế của Nga. Quốc phòng, nhược điểm của Liên Hiệp Châu Âu. Pháp thất vọng nhiều sau khi Brazil chọn mua máy bay chiến đấu của Thụy Điển.
« Gáo nước lạnh », « Rafale một lần nữa lại thất bại » « bị hất khỏi Brazil », chiến đấu cơ « Rafale của Pháp thua Gripen của Thụy Điển » : báo chí Paris không che giấu thất vọng sau khi Brazil thông báo mua 36 chiếc chiến đấu cơ của Thụy Điển, kiểu Gripen NG với giá 5 tỷ đô la.
Brazil loại bỏ chiến đấu cơ Rafale của Pháp
Báo kinh tế Les Echos nhận định : Để hụt mất một khách hàng nặng ký như Brazil, tập đoàn chế tạo máy bay quân sự của Pháp, Dassault vừa trông thấy « Gần 5 tỷ đô la không cánh mà bay ». Hai lý do giải thích cho sự chọn lựa cuối cùng của Brazil : máy bay chiến đấu của Thụy Điển rẻ hơn so với của Pháp và tập đoàn Saab lại « dễ chịu » hơn trong vấn đề chuyển giao công nghệ.
Tờ Le Figaro cũng nêu ra lý do tài chính : vào lúc kinh tế Brazil đang bị chựng lại, chính quyền đang bị chỉ trích tiêu pha quá nhiều cho hai sự kiện thể thao trọng đại sắp tới là Cúp bóng đá 2014 và Thế vận hội Olympic 2016, tổng thống Rousseff bắt buộc phải « chọn giải pháp ít tốn kém nhất », nghĩa là chọn chiến đấu cơ của Thụy Điển.
Theo Les Echos, trong những năm gần đây, Saab đã phát triển mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp với tập đoàn công nghệ hàng không Brazil, Embraer. Cụ thể là Brazil muốn hợp tác với Saab trong việc sản xuất chiến đấu cơ. Những chiếc Gripen đầu tiên sẽ được Thụy Điển trao cho khách hàng Brazil vào năm 2018.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật và tài chính, Les Echos lưu ý độc giả : chính quyền của bà Dilma Rousseff loại máy bay quân sự Pháp chỉ vài ngày sau khi tiếp tổng thống François Hollande, đó là một « vố đau về phương diện chính trị đối với Paris ».
Le Figaro nhắc lại cách nay 15 năm, Brazilia gọi thầu để hiện đại hóa đội ngũ máy bay chiến đấu. Tập đoàn Dassault của Pháp là một trong ba ứng cử viên nặng ký nhất, bên cạnh Saab của Thụy Điển và Boeing của Mỹ. Với những tiết lộ về vụ tình báo Hoa Kỳ nghe trộm Brazil, Boeing đương nhiên bị loại.
Năm 2009, dưới thời tổng thống Lula, Brazil đã không che giấu dành ưu tiên cho chiến đấu cơ của Pháp. Hai đời tổng thống Pháp là Nicolas Sarkozy và François Hollande bỏ ra nhiều công sức để thuyết phục các lãnh đạo Brazil, nhưng kết quả đã không như Paris mong muốn.
Dassault bị dồn vào chân tường
Báo chí Pháp không quên so sánh giữa hai kiểu chiến đấu cơ Rafale và Gripen : tmáy bay quân sự của Thụy Điển có cỡ nhỏ hơn so với của Pháp, khả năng cũng giới hạn hơn, hệ thống trang bị vũ khí cũng kém hơn so với loại Rafale. Chiến đấu cơ Gripen được sản xuất để đáp ứng nhu cầu quân sự của Thụy Điển và đã được quân đội quốc gia Bắc Âu này sử dụng từ năm 1996. Tới nay, Saab đã cung cấp 250 chiếc Gripen NG và đã giành được hợp đồng tại nhiều quốc gia khác như Hungary, Cộng hòa Séc, Anh Quốc, Thụy Sĩ, Nam Phi, và Thái Lan.
Trở lại với tập đoàn chế tạo máy bay quân sự Pháp : Dassault còn “choáng váng” sau khi bị loại ra khỏi thị trường Brazil. Theo như nhận định của Le Monde, mọi hy vọng giờ đây đang tập trung vào Ấn Độ : Từ đầu năm 2012, Dassault đã bắt đầu trào hàng với New Delhi để, cung cấp 126 chiến đấu cơ của Pháp cho Ấn Độ, trị giá đơn đặt hàng 11 tỷ euro. Nhưng gần hai năm sau, hợp đồng chính thức vẫn chưa được ký kết.
Ngoài ra Paris cũng đang rao bán máy bay Rafale cho các nước vùng Vịnh.
Vấn đề đặt ra với Dassault là hiện tại chính phủ Pháp chỉ còn bảo đảm trang bị 11 chiếc Rafale hàng năm, từ nay cho đến 2016. Nói cách khác, Dassault, con chim đầu đàn của ngành công nghệ hàng không quân sự Pháp, bằng mọi giá phải xuất khẩu cho được máy bay Rafale.Đó là một sự sống còn.
Liên Hiệp Châu Âu, “chú lùn” về quốc phòng
Vẫn liên quan đến hồ sơ quân sự, các báo chú ý nhiều đến thượng đỉnh châu Âu tại Bruxelles : chính sách phòng thủ chung của Liên Hiệp là một trong hai hồ sơ lớn trong hai ngày họp 19 và 12/12/2013. « Liên Hiệp Châu Âu tê liệt trên các vấn đề quốc phòng », tựa của Le Monde. « Châu Âu tìm kiếm một chiến lược về phòng thủ và an ninh », tít trên báo La Croix.
Trong bài xã luận, Le Figaro không vòng vo « Liên Hiệp Châu Âu sẽ vẫn là một chú lùn cả về phương diện quân sự lẫn chính trị » cho tới khi nào 28 nước thành viên có được một tầm nhìn chiến lược chung cho cả khối.
Câu hỏi đặt ra : đâu là những « quyền lợi chiến lược » của 28 thành viên trong đại gia đình châu Âu đó ? Làm thế nào để dung hòa được những ưu tiên của 4 nhóm quốc gia khác nhau. Đó là những mục đích về an ninh của một nước thân Mỹ như Anh Quốc, là những trăn trở của các nước ở phía đông như Đức hay Ba Lan, là những tính toán của các quốc gia chung quanh bờ Địa Trung Hải, là những mối quan ngại của Pháp đối với lục địa châu Phi.
Vào lúc Pháp đưa quân sang Trung Phi và Mali để tái lập ổn định và an ninh tại hai quốc gia này, Le Monde nêu lên một thực tế phũ phàng : kể từ khi Liên Hiệp Châu Âu lún sâu vào khủn hoảng, ngân sách quốc phòng trong toàn khối bị giảm đi trung bình 10 %. Không còn mấy ai muốn nhắc tới một chính sách phòng thủ chung cho toàn khối. Các quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu viện cớ « chủ quyền quốc gia » để trì hoãn việc tiến tới một chính sách quốc phòng chung, nhưng theo Le Monde, cốt lõi vẫn đề là mỗi nước đều muốn dành ưu tiên cho các tập đoàn sản xuất vũ khí riêng của mình.
Đối lập Ukraina trong ngõ cụt
Vẫn về thời sự châu Âu Le Monde, La Croix và L’Humanité cũng trở lại với cử chỉ “hào phóng” của nước Nga đối với Ukraina : « Putin cứu Ukraina khỏi bị phá sản », tựa của báo Le Monde và ở bên dưới là ảnh hai ông tổng thống Putin và Ianoukovitch đắm đuối nhìn thẳng vào mắt nhau. Bài báo dài trên Le Monde kết thúc bằng câu hỏi của một nhà lãnh đạo Ukraina thuộc phe đối lập : Viện trợ cho Ukraina 15 tỷ đô la và giảm giá bán khí đốt cho chính quyền Kiev là một cử chì hào phóng nhưng không ai biết được là để đổi lại, thì Ukraina đã phải trả giá như thế nào.
Báo cộng sản L’Humanité cũng đăng ảnh lãnh đạo Ukraina và Nga bắt tay nhau sau khi ký kết hiệp ước hợp tác kinh tế hôm 17/12/2013 tại điện Kremly. Ở bên trên là hàng tiểu tựa : đối lập tố cáo tổng thống Ianoukovitch « cầm cố » Ukraina cho Liên bang Nga. Tờ báo nhắc lại, một ngày sau khi Kiev nhận viện trợ của Matxcơva, 50.000 người Ukraina vẫn còn tuần hành trên đường phố, lên án tổng thống « bán nước ». Thủ tướng Azarov vào hôm qua đã cứng giọng cảnh cáo : chính quyền sẽ không để cho bất kỳ một ai làm khuynh đảo.
L’Humanité tự hỏi phải chăng Kiev mạnh miệng hơn kể từ khi được Matxcơva rót cho 15 tỷ đô la để cầm cự với những khó khăn kinh tế. Liệu rằng chính quyền sẽ có sử dụng vũ lực để tái lập trật tự hay không ?
Dù sao đi nữa thì theo như nhận định của La Croix đối lập Ukraina cũng đang rơi vào « ngõ cụt » : sau bốn tuần lễ xuống đường mà không lật ngược được thế cờ, đối lập Ukraina giờ đây đang tìm một ngõ thoát để giải quyết khủng hoảng chính trị.
Tinh thần cách mạng Syria bị phản bội
Gần ba năm sau ngày phong trào nổi dậy tại Syria bùng lên, Libération dành hẳn hồ sơ lớn để nói về một đất nước hoang tàn. Syria chìm sâu trong khói lửa giữa « sự bạo tàn của chế độ Bachar Al Assad và của những phần tử quá khích ».
Khi phong trào nổi dậy bùng lên vào tháng 3/2011, nhiều người đã tưởng thoắt được bàn tay sắt của chế độ độc tài, cha truyền con nối trong gia đình Assad. Nhưng các nhân chứng mà thông tín viên của tờ Libération gặp được cho biết họ đi từ cơn ác mộng ngày tới một cơn ác mộng khác : chính quyền Damas trong tay ông Bachar Al Assad vẫn còn đó, trong khi những vùng đất được « giải phóng » (hai chữ giải phóng được đặt trong ngoặc kép) thì rơi vào tầm kiểm soát của các lực lượng võ trang hồi giáo cực đoan.
Xã luận của Libération mang tựa đề « Bỏ rơi » gay gắt lên án thái độ thờ ơ của cộng đồng quốc tế trước thảm cảnh của hàng triệu dân Syria, của cả một dân tộc. Theo đó, « Syria đã trở thành quốc gia nguy hiểm nhất đối với các phóng viên (…) chế độ Assad vẫn tàn bạo đối với tất cả mọi người, kể cả trẻ em (…) Thái độ do dự của phương Tây cho phép chính quyền Assad và đồng minh, cũng như các phần tử hồi giáo cựu đoan sát hại cả một dân tộc (…) Damas thản nhiên sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào chính người dân Syria, tổng thống Obama chùn bước, không can thiệp quân sự vào Syria. Sự thờ ơ đó của quốc tế tạo cơ hội cho quân đội Syria chiếm lại các thành trì (…) Hàng triệu người tỵ nạn Syria thậm chí cũng đang chìm vào sự quên lãng của cộng đồng quốc tế ».

Không có nhận xét nào: