Pages

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Đối phó với cảnh sát giao thông

Đỗ Đăng Liêu
Thời gian vài năm trở về trước người ta thấy xuất hiện trên mạng một số video quay những trường hợp cảnh sát giao thông (CSGT) đánh dân, đánh người quay video, đánh những người dám hỏi lại lý do. Trong số đó, một video được coi là “sốc” nhất chiếu cảnh một CSGT thẳng thay tát vào mặt một người dân vừa bị chặn xe lại. Hành động tát tai đó, đến từ một nhân viên công lực, rõ ràng là một hành động vô văn hoá, vô nguyên tắc, vi phạm pháp luật và xúc phạm đến nhân phẩm của người dân. Dĩ nhiên, cũng có đôi ba trường hợp, vì quá phẫn uất, người lái xe đã chẳng còn biết sợ nữa và thẳng thắn thượng cẳng tay hạ cẳng chân tay với CSGT.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã có một sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa CSGT và người dân, đặc biệt là chủ động đến từ phiá người lái xe. Nhiều clip video đã được tung lên youtube ghi lại những tệ nạn do CSGT gây ra mà hầu hết chỉ là tạo lý cớ để bắt dân nộp tiền hối lộ.
Qua những video đầy rẫy trên mạng đó, người xem có thể rút ra được một số đặc điểm như sau:
Trước tiên, đây là những video do chính những người bị chặn xe thực hiện. Bà con thu hình bằng các máy điện thoại di động. Thu một cách công khai, thu tại chỗ, thu tận mặt (chứ không phải do một người thứ 3 thu hình lén như trước đây) và sau đó phổ biến trên youtube. Đã có những video cho thấy CSGT ra lệnh cấm quay phim nhưng người dân vẫn tiếp tục và còn vững vàng trả lời rằng luật pháp cho phép họ thu hình CSGT khi đang làm công vụ. Thê là CSGT cứng họng chịu trận. Người dân thu hình ngay mặt mũi và bảng tên của CSGT. Khi không thấy bảng tên, bà con hỏi ngay “Anh tên gì? Tại sao không đeo bảng tên?” vì hiện có rất nhiều trường hợp CSGT ngoài ca làm việc chính vẫn mặc sắc phục đi “kiếm ăn” thêm và sợ lộ tên tuổi.
Trong một video, khi một CSGT đuối lý trước những lập luận của người bị chặn xe và phải kêu “viện binh” là một Đại úy CSGT tới tiếp cứu, thì chính Đại úy này đã bị người lái xe vặn hỏi: “Tại sao anh không chào tôi? Nếu anh muốn làm việc với tôi thì anh phải chào tôi đấy”. Và cuối cùng là ông Đại Úy kia phải nuốt quả táo bực bội trong cổ họng và chào người lái xe để có thể tiếp tục câu chuyện. Luật pháp ấn định nếu CSGT muốn “làm việc” với người lái xe thì việc đầu tiên là phải “chào”; nếu không chào thì người lái xe không bắt buộc phải “làm việc”.
Trong những video mà người lái xe thắng thế, thường có yếu tố nhờ nhiều bà con dừng lại theo dõi sự việc và lên tiếng hỗ trợ người bị chặn xe vô lý hoặc chính họ cũng rút máy điện thoại ra thu hình. CSGT từ từ tìm cách chấm dứt cuộc chặn xe và rút lui êm.
Hầu hết trong các video, những người bị chặn xe luôn hỏi CSGT 2 điều. Thứ nhất là họ phạm lỗi gì. Nếu CSGT không nêu lên được vi phạm hay khi người lái xe không đồng ý với cáo buộc vô lý của CSGT thì họ từ chối đưa giấy tờ ra. Thứ nhì, người lái xe hỏi ngược lại có phải CSGT muốn kiểm soát hành chính không. Trong trường hợp đó thì phải cho xem lệnh kiểm soát hành chính của cấp Huyện. Thế là các CSGT đuối lý, “nản”, và cuối cùng để cho dân đi.
Trong nhiều trường hợp, sau khi tranh luận tay đôi không đi đến đâu, người bị chặn xe chủ động yêu cầu cho nói chuyện với cấp trên của CSGT. Các video cho thấy những người dân đối đáp cứng cỏi luôn có giấy tờ đầy đủ, và còn mang theo trong xe cả sổ luật giao thông. Những người bị chặn xe này đã thẳng thừng nói với CSGT là chính họ đã không thuộc luật, không hiểu luật, hoặc cố tình đẻ ra luật để đòi hối lộ. Lập tức các CSGT khựng lại vì biết khó “bắt nạt” các nạn nhân.
Điểm đáng chú ý là CSGT tỏ ra rất khó chịu khi bị thu hình. Thường họ nạt nộ ngay: “Ai cho phép anh quay phim” và chỉ chịu thua khi người dân đối đáp lại là luật không cấm. Thế là CSGT tìm mọi cách né tránh ống kính. Họ quay lưng lại ống kính, dùng bàn tay che ống kính, bước tới sát để lấy thân che ống kính, hoặc bước ra thật xa. Có nhiều cảnh cho thấy CSGT vội lấy tay che bảng tên. Tất cả những phản ứng đó cho thấy tâm lý của những kẻ đang làm việc không trong sáng và sợ bị ghi lại lời nói và mặt mũi.
Rất thường thấy là việc CSGT móc điện thoại cầm tay ra gọi liên tục, nhưng rõ ràng chỉ là giả vờ để câu giờ, để khỏi phải trả lời những câu hạch hỏi của người bị chặn xe, để lấy cớ bước ra xa tránh ống kính quay phim, hoặc để hù dọa người dân là đang kêu thêm côn an tới trấn áp, … Nhận xét thú vị là những cú phone của CSGT hoàn toàn không tạo ra một chút thay đổi nào hết. Người bị chặn xe càng biết rõ mọi kẻ đang tìm cách đòi tiền hối lộ của dân đều không muốn có thêm nhân chứng, dù đó là các đồng nghiệp cũng đang “kiếm ăn” như họ.
Việc xuất hiện và lan tràn của những video kể trên phản ảnh một số điều:
•Người dân đang ngày một biết rõ hơn và mạnh dạn hơn trong việc xử dụng các quyền hạn của mình.
•Người dân biết rõ ý đồ của hầu hết CSGT khi kiếm chuyện với dân là chi để kiếm tiền hối lộ và vì thế chính họ là những kẻ ở thế yếu. CSGT sợ phải tranh luận dai dẳng, sợ bị lộ mặt mũi, tên tuổi, và sợ nhiều nhân chứng.
•Và đáng vui mừng nhất là tinh thần đùm bọc lẫn nhau của người dân đang gia tăng. Giữa đường gặp cảnh bất công, bà con không bỏ qua nữa, nhưng sẵn sàng đứng lại ủng hộ người cô thế. Mỗi người đều biết rằng chính mình cũng từng hoặc sẽ dễ dàng rơi vào cảnh bị ức hiếp tương tự và trong những lúc đó đều rất mong được người chung quanh tiếp cứu.

Không có nhận xét nào: