Ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, nhân chuyến công du Maroc. Ảnh chụp ngày 03/11/2014.Reuters/Stringer
Lợi dụng mong muốn hòa dịu của Nhật Bản, Trung Quốc hôm qua 04/12/2015 lại nhắc nhở Thủ tướng Nhật Bản là nên thận trọng trong các tuyên bố của ông về tranh chấp Biển Đông. Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, ông Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng), lãnh đạo được cho là đứng hàng thứ tư trong chế độ Bắc Kinh, đã cảnh cáo như trên nhân cuộc gặp lãnh đạo hai đảng Dân Chủ Tự do và Komeito trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản.
Nhân cuộc họp tại thủ đô Trung Quốc, một hôm sau khi hai nước nối lại đối thoại giữa các đảng cầm quyền sau gần bảy năm gián đoạn, ông Du Chính Thanh, Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc, đã biện minh cho các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Theo lời kể của một thành viên phái đoàn Nhật Bản với hãng Kyodo, thì nhân vật lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu Nhật Bản không nên « phản ứng quá mức » trước những hoạt động «bình thường » của Trung Quốc tại vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Đối với ông Du Chính Thanh, khó có thể hiểu được những cáo buộc là những hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông lại đe đọa quyền tự do hàng hải trong khu vực, và Bắc Kinh chưa bao giờ đe dọa quyền tự do lưu thông của Tokyo trong khu vực.
Không nêu đích danh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhưng ông Du Chính Thanh đã cho rằng lãnh đạo hai nước nên « kín đáo trong lời nói và việc làm, và duy trì nguyên tắc là không để cho hai bên trở thành mối đe dọa của nhau ».
Lời cảnh cáo của nhân vật lãnh đạo số bốn tại Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản đã tỏ rõ ý muốn cải thiện bang giao với Trung Quốc. Cho dù vậy, ông Shinzo Abe vẫn không ngần ngại lên tiếng chỉ trích các hoạt động cải tạo đảo đá mà Trung Quốc rầm rộ tiến hành tại vùng Trường Sa.
Gần đây nhất, nhân Hội nghị ASEAN tại Kuala Lumpur hạ tuần tháng 11 vừa qua, cùng với nhiều lãnh đạo khác trong vùng, Thủ tướng Nhật Bản đã chỉ trích việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và có những hành động ngày càng quyết đoán hơn trong việc áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông chắc chắn cũng sẽ được ông Shinzo Abe nêu lên trở lại nhân chuyến công du Ấn Độ trong ba ngày kể từ ngày 11/12 tới đây, với một hiệp định chia sẻ bí mật quốc phòng Nhật-Ấn có thể được ký kết, và được cho là sẽ làm cho Trung Quốc khó chịu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét