Pages

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

'Chính trị' trong giải quyết biến đổi khí hậu

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu từ Đại học Cần Thơ nói với BBC rằng, việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu còn mang "tính chính trị".
Trong phỏng vấn hôm 07/12, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn cho biết ông đã theo dõi các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP từ nhiều năm qua và việc ai chịu trách nhiệm trước sự gia tăng khí thải nhà kính vẫn gây tranh cãi.

"Các nước phát triển cũng đã trải qua giai đoạn sử dụng rất nhiều năng lượng hóa thạch, và hậu quả là lượng phát thải khí nhà kính tăng lên theo thời gian.
"Những nước đó giờ đa số giàu rồi thì họ nghĩ tới vấn đề môi trường, giảm nọ giảm kia. Nỗ lực đó cũng giúp phần nào làm giảm chất thải khí nhà kính.
"Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy những quốc gia phát triển đem công nghệ đi qua một số quốc gia đang phát triển, những nước nghèo hơn. Việc đó làm cho sự phát thải khí nhà kính từ các quốc gia nghèo hơn gia tăng."
"...Nhưng sự chấp nhận đó cũng là chính sách của chính quyền sở tại của các nước đang phát triển. Tùy theo nhận thức của mỗi chính phủ thôi. Nó cũng mang tính chất chính trị trong đó."
Ông Lê Anh Tuấn nhận xét, sự lựa chọn của những quốc gia có tầm nhìn lâu dài, theo xu hướng bảo vệ môi trường rất khác so với các nước chỉ muốn giải quyết vấn đề trước mắt, chọn lựa tăng trưởng nhanh chóng.

Tiền dự án

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionHồi tháng 3/1205, Hà Nội rộ lên phong trào dân sự phản đối chặt hạ, thay thế cây xanh ở thủ đô
Chuyên gia về môi trường giải thích về cam kết của Việt Nam tại COP21 đang diễn ra ở Paris, rằng Việt Nam hứa hẹn đưa Một triệu đô la Mỹ để góp vào quỹ liên quan tới sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu.
"Chính phủ Việt Nam hy vọng đến khoảng thập niên 2020, 2030, Việt Nam sẽ giảm được 8% khí nhà kính so với hiện nay. Nhưng nếu có sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam có thể giảm tới 25%."
Khi BBC hỏi liệu với số tiền này, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đề ra mà không có sự trợ giúp của nước ngoài, ông Tuấn cho là khả thi, nếu khoản kinh phí được dùng vào truyền thông và rà soát các chính sách liên quan đến vấn đề giảm phát thải và được sử dụng thật tốt.
Image copyrightLe Anh Tuan
Image captionÔng Lê Anh Tuần coi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam và thế giới rất nan giản
Với những chương trình do nước ngoài hỗ trợ, theo kinh nghiệm của ông Tuấn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, "tiền đi tới được cộng đồng chiếm khoảng 60% – 70% tổng số tiền dự án. Những khoản khác chi vào cho các hoạt động hành chánh, lương nhân viên..."
Những hiệu quả đo được từ các dự án tuy không lớn nhưng đã phần nào giúp nông dân biết cách sản xuất khi môi trường thay đổi và "tăng thêm một chút thu nhập cho họ".
"Tôi đánh giá là nó chưa phải hoàn hảo lắm nhưng được cái là giúp cho người nông dân thay đổi nhận thức. Quan trọng hơn là giúp họ có được phát triển bền vững và có những sáng kiến."
"Ở Việt Nam có những tầng lớp giàu nghèo khác nhau... Với những người nghèo, là số người hiện chiếm đa số, vẫn phải chấp nhận đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, và cuộc sống của họ gắn liền với những vấn đề ô nhiễm, ô nhiễm không khí, nguồn nước hay khí thải trắng.
"Trong sản xuất nông nghiệp, họ phải tăng vụ buộc họ phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều nên nhiễm độc gia tăng. Chúng tôi biết khá rõ nhưng giải quyết hoàn toàn vấn đề này không dễ dàng chút nào."

'Vòng luẩn quẩn'

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionCò trắng ở Phong Nha, Kẻ Bàng
Việt Nam đang hướng tới khuyến khích tăng trưởng xanh, theo chuyên gia về biến đổi khí hậu, "tuy nhiên, từ các khẩu hiệu, chính sách cho tới thực thi không phải bao giờ cũng là con đường đi bằng phẳng" khi quốc gia này vừa muốn xây thêm nhà máy nhiệt điện than, vừa cam kết giảm khí thải nhà kính.
"Một mặt chúng ta muốn có thêm năng lượng phát triển kinh tế, một mặt chúng ta muốn bảo vệ môi trường. Thực ra mâu thuẫn này bao giờ cũng tồn tại mà chúng tôi đã đi ra nhiều các hội nghị quốc tế, rồi ở nhiều nước, mâu thuẫn này bao giờ cũng có."
Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, ngay cả cộng đồng thế giới cũng bế tắc và rất khó giải bài toán cân bằng giữa phát triển và làm giảm tác động tới môi trường.
"Các nước phát triển có thể giảm lượng phát thải lớn nhưng vấn đề là ở chỗ làm cho rất nhiều công nhân mất việc và ảnh hưởng tới lá phiếu bầu họ. Thì đó là vòng luẩn quẩn xảy ra ở ngay cả những nước phát triển.
"Theo dõi những COP thì mới thấy rằng vấn đề tới bây giờ vẫn chưa có sự giải quyết căn cơ nào hết. Tôi nhớ là nghị định thư Kyoto của Nhật có rất nhiều nước cam kết, nhưng sau thời gian dài, ngay cả những nước cam kết mạnh mẽ cũng không đạt được cái mình cam kết."

Không có nhận xét nào: