Pages

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Dân Đà Nẵng bất mãn vì chính quyền cho nhập thêm dân Trung Cộng

“Đưa qua Đà Nẵng những lao động Trung Quốc là có phải đang giết chính dân bản địa mình. Đà Nẵng không chỉ gồm dân Đà Nẵng mình không, từ Hà Tĩnh trở vào cũng tụ về Đà Nẵng, đúng không? Dân Đà Nẵng mình bị dân các tỉnh anh em chia sẻ thì cái đó không đau nhưng giờ bị người nước ngoài chia nữa hỏi có đau không?”
Thiên Hà, 
Cộng tác viên Cali Today từ miền Trung Việt Nam
Cali Today News - Trời vừa chạng vạng thì đó cũng là lúc “phố người Trung Quốc” nằm trên đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa ở Đà Nẵng trở nên nhộn nhịp nhất. Những nhà hàng, những khách sạn và cả tòa nhà casino …với tấm bảng hiệu bằng tiếng Hoa - Việt thi nhau nổi đèn, khoe săc màu để chào đón mọi thành phần khách nhưng chủ yếu vẫn là khách người Trung Quốc. Không phải vô cớ khi có người nói rằng; Người Trung Quốc muốn biến một khu đất ở ven biển Đà Nẵng này thành “thiên đường ăn chơi” của ho.    
 
Tập trung ở khu vực “nhạy cảm” 

Anh Hiếu là cư dân sinh sống ở Đà Nẵng, thường hay chạy ngang qua “phố người Trung Quốc” nên anh có để ý thời gian độ gần 2,3 năm đổ lại đây, người Trung Quốc tập trung đông bất thường và anh nghĩ chắc họ qua Đà Nẵng sinh sống, làm ăn chứ họ có ý đồ gì khác thì mình không biết. Anh Hiếu nói: “Họ (người Trung Quốc) qua Việt Nam và đến Đà Nẵng là để làm ăn. Mà em thấy thời gian gần đây khoảng 2, 3 năm đổ lại người Trung Quốc tập trung ngày càng đông, không biết là họ có ý đồ gì” không.
 
Không riêng gì anh Hiếu mà những ai ở Đà Nẵng khi đi ngang đường biển Võ Nguyên Giáp - Trường Sa đều không khỏi ập vào mắt là cả một dãy nhà màu trắng, mái ngói màu nâu kéo dài liền kề nhau khoảng vài trăm mét và rộng khoảng chừng vài ngàn hecta đất thông ra ra biển Đà Nẵng là tòa nhà của người Trung Quốc sinh sống. Tuy nhiên, sẽ chẳng mấy ai biết bên trong người Trung Quốc đang làm gì ngoài hoạt động casino bởi tường cao có che chắn bao quanh cổng, y thể nội bất xuất ngoại bất nhập  
 
Anh Tùng là thợ nề từng xây dựng công trình ở đây cho biết: “Tòa nhà này là của người Trung Quốc …dài và rộng cả vài ngàn hecta đất và anh biết bên trong là những casino chứ không biết gì thêm”.
 
Anh Tùng cũng cho biết thêm, lúc cao điểm thì dãy nhà này có thể chưa hơn ngàn người. Đà Nẵng hiện đang mùa mưa, lạnh nên sự việc người Trung Quốc tập trung tại đây cũng biến động. Hiện tại thì lương người Trung Quốc ít hơn thời điểm mùa hè là mùa của du lịch.
 
“Hiện tại buôn bán ế ẩm, mấy tháng trước mùa du lịch thì khách đông hơn”. Đó là lời chia xẻ của chị Hoa (đổi tên) hằng ngày buôn bán quán nước mía ở vỉa hè của tuyến đường. Nói như thế không có nghĩa là số người Trung Quốc chủ yếu đến Đà Nẵng là để du lịch mà còn để mua đất làm ăn sinh sống.
 
Khi được hỏi, người Trung Quốc tập trung đông ở khu vực này từ khi nào thì chú Hải là cư dân sinh sống lâu năm tại đây cho biết: “Nếu mà nói về yếu tố người lao động Trung Quốc ngầm hoặc buôn bán thì khoảng năm 1990. Chính tụi chú là những người sống ở dưới bến (Bến cá Thuận Phước) thì người Trung Quốc lấn sang đây nhưng không ai biết ngoài dân bến ở đây mới biết. Ví dụ, trong nghề nghiệp hải sản ở Đà Nẵng thì tất cả các công ty mình thu mua cho đầu nậu Trung Quốc mà chính bọn chú là ví dụ.”   
 
Ngoài ra, chính quyền Đà Nẵng cũng đã xác nhận có hiện tượng người Trung Quốc mượn tay người Việt để mua đất hoặc thuê đất tại đây. Hàng loạt lô đất trống ở tuyến đường ven biển Đà Nẵng có để bản quảng cáo mua bán đất hoặc đất cho thuê sẽ không tránh khỏi những lô đất này đã có chủ là người Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây là những lô đất nằm liền kề bên phi trường Nước mặn. Việc để người ngoại quốc tập trung đông ở địa điểm liên quan đến quốc phòng mà không để ý đến vấn đề an ninh thì rất đáng lo ngại.
 
“ Qua ra soát, các cơ quan chức năng quận Ngũ Hành Sơn phát hiện hơn 70 cá nhân đứng tên mua 137 lô đất cho người Trung Quốc. Những khu đất này đều ở khu vực ‘nhạy cảm’ nên lo ngại đến vấn đề an ninh trật tư”. Đó là lời của ông Đào Tấn Bằng, Bí thư quận ủy Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) cho biết trước giới truyền thông hôm 4/12/2015.
 
Việc cho nhập thêm 300 lao động Trung Quốc khiến dân phản ứng 
 
Trong lúc tình hình còn chưa hết “nóng” khi chính quyền Đà Nẵng trả lời là công tác quản lý người nước ngoài đặc biệt người Trung Quốc ở đây rất khó; thì mới đây, chính quyền Đà Nẵng đồng ý cho 300 lao động Trung Quốc nhập vào Đà Nẵng, càng khiến tình hình càng “nóng” hơn. Cụ thể số lao động này sẽ làm việc tại công trình khách sạn 5 sao JW Marriott tại lô 8, đường Võ Nguyên Giáp do Công ty Thương Nghiệp Hữu Hạn Đầu tư và Phát triển Silver Shores đầu tư, mà công ty này có 100% vốn là người Trung Quốc 
Tất cả cuộc xâm lăng nào cũng phải bít hai đường là đường thoát ra biển và đường lên núi. Đối với những người lao động Trung Quốc ấy, thì chúng ta tự hỏi họ là người lao động hay là gì?
 
Không ít người dân phản ứng trước việc làm này của chính quyền Đà Nẵng khi cho rằng dân Quảng Nam, Đà Nẵng thất nghiệp kéo nhau vào miền Nam kiếm việc làm thì tại điạ phương lãnh đạo cho lao động nước ngoài đến làm việc. Chưa dừng, Đà Nẵng tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng là cửa ngõ ra Bắc vào Nam, là nơi chia xẻ nhiều việc làm cho các cư dân từ các tỉnh miền Trung tụ họp về, nay lại phải chia sẻ thêm cho người Trung Quốc
 
“Đưa qua Đà Nẵng những lao động Trung Quốc là có phải đang giết chính dân bản địa mình. Đà Nẵng không chỉ gồm dân Đà Nẵng mình không, từ Hà Tĩnh trở vào cũng tụ về Đà Nẵng, đúng không? Dân Đà Nẵng mình bị dân các tỉnh anh em chia sẻ thì cái đó không đau nhưng giờ bị người nước ngoài chia nữa hỏi có đau không?”
 
Chú Hải khó chịu thốt lên như thế. Chú Hải thừa nhận việc người Trung Quốc tập trung đông chủ yếu ở tuyến đường ven biển này là có nguyên do. 
 
“Tất cả cuộc xâm lăng nào cũng phải bít hai đường là đường thoát ra biển và đường lên núi. Những người lao động Trung Quốc ấy thì tự hỏi họ là người lao động hay là gì? Người dân thì thiếu thông tin trong khi đại diện chính quyền lại trả lời theo kiểu ‘không biết’ thì thật không có gì để có thể trách người dân được”, lời của chú Hải.
 
Những minh chứng cho việc phức tạp tình hình an ninh, trât tự mà người Trung Quốc gây tại Đà Nẵng như; vào tháng 1/ 2014, cặp vợ chồng người Trung Quốc (chồng tên Li Lin Xiang và vợ tên Gao Ya Fan) mang bản đồ in “đường lưỡi bò” vào Việt Nam. Trước đó, ngày 25/12/2013 cũng cặp vợ chồng này điều khiển phương tiện xe 3 bánh tự chế trên Quốc lộ 1A có dán tấm bản đồ lớn có hình “đường lưỡi bò” bị cơ quan chức năng bắt giữ. Hoặc mới đây, tháng 11/ 2015, tại Đà Nẵng có 2 người Trung Quốc vì mâu thuẫn trong việc làm ăn dẫn đến việc một người dùng súng hoa cải xả đạn vào người kia gây án mạng kinh hoàng trước sự chứng kiến của số đông người dân xung quanh
 
“Tệ nạn nó sẽ tăng lên. Đưa công nhân Trung Quốc sang, đàn ông không thì nó cũng có nhu cầu cuộc sống của nó thì sẽ sinh ra đĩ điếm nhiều. 300 công nhân Trung Quốc qua thì sẽ bớt 300 công nhân Việt Nam đó là thực tế”.
 
Thực tế này không khó thấy, nghĩ mà buồn là lời tâm sự của chú Hải vì nó không công bằng cho người dân Việt ngay chính trên mảnh đất quê hương 
 
“Em nghĩ thật sư không công bằng cho người dân. Qúa nhiều người thất nghiệp phải đi xuất lao động qua các nước kém phát triển như Cambodia. Em chỉ nghĩ như vậy chứ còn thế lực nào đằng sau dàn xếp thì em không rõ được”. Đó là lời của anh Quốc (cư dân Đà Nẵng). Anh Quốc cho rằng việc chính quyền Đà Nẵng nói khó quản lý người nước ngoài nói chung và người Trung Quốc nói riêng trên địa bàn Đà Nẵng là một sự ngụy biện. 
 
“Trên đất nước ta, pháp luật của chúng ta mà nói khó quản lý được thì quá vô lý”. Anh Quốc nhấn mạnh 
 
THIÊN HÀ 

Không có nhận xét nào: