Pages

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Obama, Bình, Trọng: Chấm Dũng


Ba dấu chỉ cho thấy Tổng Thống Obama của Mỹ, Chủ Tịch Tập cận Bình của Trung Cộng và Tổng bí Thư CSVN Nguyễn phú Trọng bây giờ đều chấm Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng như là người có nhiều triển vọng lên làm Tổng bí thư Đảng CSVN sau đại hội 12 của Đảng CSVN vào đầu năm 2016.

Một, Thủ Tướng Dũng mời TT Mỹ Obama thăm VN là TT Obama OK và hứa liền, dự trù trong tháng 5/2016 theo báo chí của CSVN. Trong khi Chủ Tịch Nước Sang rồi Tổng bí Thư Trọng mời hai lần, TT Obama mới hứa hẹn nhưng không đi. Đài VOA, tiếng nói chánh thức của chánh quyền Mỹ, ngày 23.11.2015 cũng loan tin tương tự. VOA cho biết Báo chí Việt Nam hôm Chủ nhật loan tin Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nhận lời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mời ông sang thăm Việt Nam khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 ở Malaysia.” Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, chiều ngày 21/11/2015 cho biết tại cuộc gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện, có hiệu quả với Hoa Kỳ. Thủ tướng cảm ơn Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực phối hợp với lãnh đạo các nước thành viên kết thúc thành công đàm phán Hiệp định TPP. Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ đóng góp tích cực hơn nữa vào việc bảo đảm hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, kể cả ở Biển Đông. Tổng thống Barack Obama cho rằng Hoa Kỳ và Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phê chuẩn và thực hiện có hiệu quả Hiệp định TPP.

Về vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của Việt Nam và cho rằng Việt Nam và các nước ASEAN cần có tiếng nói chung và tăng cường phối hợp giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thoả thuận khu vực.

Báo Tuổi Trẻ, tờ báo ruột của số CS gốc Miền Nam nói thời điểm chuyến thăm được dự trù là tháng 5/2016, khi ông Obama dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản.

Bản tin VOA đi tiếp, Vẫn theo báo chí Việt Nam, trong cuộc gặp ở thủ đô của Malaysia hôm thứ Bảy 21/11, Tổng thống Obama nói Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Theo báo Tuổi Trẻ, trong cuộc gặp này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Hà nội muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, có hiệu quả với Hoa Kỳ. Nhà lãnh đạo Việt Nam yêu cầu Mỹ đóng góp hơn nữa để bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực, kể cả vấn đề Biển Đông.

Tờ báo Hoàn Cầu của TC trước đây không bao lâu cũng cho rằng Hoa Kỳ đang âm mưu sử dụng chiến thuật cách mạng màu cổ lỗ tại Việt Nam nhằm biến Hà Nội “thành một con tốt giống như Philippines để kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Hai là Chủ Tịch TC Tập cận Bình viếng thăm VNCS hồi đầu tháng 11, chỉ mời TT Dũng thăm TQ. Trong thời gian Chủ Tịch Bình công du VN, Ông gặp gỡ cả tứ trụ triều đình CSVN: Tổng bí thư Nguyễn phú Trọng, Chủ Tịch Nước Trương tấn Sang, Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng và Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn sinh Hùng. Trang web Bộ Ngoại giao CSVN ngày 20/10 xác nhận chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình là đáp lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang. Nhưng Chủ Tịch Bình chỉ mời Thủ Tướng Dũng công du TQ.

Chủ Tịch Bình thăm VNCS hai ngày từ 5 đến 6 tháng 11, đó là thời gian Đảng CSVN đã xong đại hội trù bị chuẩn bị nhân sự lãnh đạo Đảng Nhà Nước CSVN và kế họach cho 5 năm tới. Nói một cách khác là danh sách dự trù ai giữ chức gì trong Đảng Nhà Nước đã được đại hội trù bị thông qua, theo thông lệ ít khi thay đổi trong đại hội chánh thức. Tình báo chánh trị, quân sự của TC tại VNCS cũng như trung ương uỷ viên của CSVN tay sai cho TC như gia nô Phùng quang Thanh cũng không ít, nhứt định đã mật trình cho tình báo TC rồi. Chủ Tịch Bình thừa biết ai là người sẽ nắm chức tổng bí thư Đảng CSVN.

Ngoài hình thái đặc biệt chỉ mời TT Dũng công du, tính đặc cách mời còn biểu lộ qua người mời và nơi mời. Theo nghi thức ngoại giao, nhứt là đối với CS và TC rất chú ý đến vấn đề vai vế. Ngõ lời mời chánh thức là do người đồng cấp, thủ tướng mời thủ tướng hay ngoại trưởng chuyến lời mời. Đằng này mời Thủ Tướng Dũng lại do Chủ Tịch Bình đích thân đến Phủ Thủ Tướng, gặp TT Dũng để mời, là quá đặc biệt, đặc cách. Chủ tịch Bình muốn cho TT Dũng thấy sự nâng cấp, sự chuẩn nhận của Ông đối với TT Dũng.

Trên phương diện chánh trị là một sự chuẩn nhận và là một đầu cơ cho mối bang giao tốt giữa Bắc Kinh và Hà nội trong 5 năm của nhiệm kỳ tổng bí thư của Đảng CSVN và 7 năm nắm quyền TC của Chủ Tịch Bình.

Ba là Bộ Chánh trị Đảng CSVN TT Dũng người chủ trương xích lại gần Mỹ gặp và mời TT Obama của Mỹ. Cơ quan quyền lực nhứt Đảng Nhà Nước phân công TT Dũng đi hội nghị thượng đĩnh ASEAN ở Mã Lai, không có mặt Chủ Tịch TC để tiện cho TT Dũng gặp mời TT Obama. Và phân công Chủ Tịch Nước Trương tấn Sang sẵn dịp đi dự hội nghị APEC, đại diện cho VNCS trong việc ký hiệp ước phát triển đối tác chiến lượt với Phi. Bộ Chánh trị phân công cho TT Dũng đi dự hội nghị thượng đĩnh ASEAN, phía TC chỉ có Thủ Tướng Lý khắc Cường tham dự, để TT Dũng lập lại lời mời TT Obama công du VN, thì lời mời rất thuận tiện, trơn tru.

Điểm tế nhị này cho thấy cuộc đấu đá nội bộ giữa hai phe hướng về Mỹ của TT Dũng và hướng về TC của Tổng Trọng đã được hoá giải. Hai bên đã nhất trí đồng tình (nói theo CS Bắc Việt), và “đồng ý, đồng tâm vô nước cho gà nhà” nói theo dân Miền Nam, là TT Dũng lên làm tổng bí thư Đảng CSVN, tức đi với Mỹ không sợ mất đất, bớt lệ thuộc kinh tế của TC.

Bốn và sau cùng, việc Đảng CSVN chọn TT Dũng làm tổng bí thư là hợp với định luật kinh tế chánh trị phổ thông. Vùng nào phồn thịnh, dân nào làm ra tiền, thì nắm quyền chánh trị. Kinh tế Miền Nam, công nhân, nông dân Miền Nam sản xuất nhiếu hơn Miền Bắc.

Trong đấu tranh, cạnh tranh triệt hạ không được thì thoả hiệp. Ba lần tàn dư CS Bắc Việt triệt TT Dũng không nổi. Chỉ một chuyến công du Mỹ, Tổng Trọng hoà hưỡn với TT Dũng, kể ra ảnh hưởng của Mỹ cũng mạnh. Mạnh như thời Chiến Tranh VN, Ô. Võ văn Kiệt, Ô. Dũng đánh Mỹ cứ đánh, đồ Mỹ tốt cứ dùng, và hiểu biết sự vượt trội của hệ kinh tế theo kiểu Mỹ. Nên Ô Kiệt trở thành người chủ trương đổi mới kinh tế, xích lại gần với Mỹ. Ô Sang, Dũng là người theo đường lối Kiệt. Nên trước đà TC xâm thực biển đảo của VN, chính Nhà Nước do TT Dũng cầm đầu cũng biết Mỹ không có tham vọng đất đai đã âm thầm vận động phát triển đối tác chiến lược với Mỹ để hoá giải đà bành trướng của TC. Sách lược này được đại đa số dân chúng và trí thức VN và đa số đảng viên CSVN ủng hộ. Nếu đây tới đầu năm 2016 không có biến động gì lớn, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng CSVN, có một tổng bí thư Đảng là người Miền Nam. Một hậu duệ của lớp người Nam Tiến đợt ba, rời Thăng Long đi mở nước. Một văn hoá, một lối sống mới, thực dụng, bình dân và linh động như câu ca dao Nam Tiến: Ra đi gặp vịt cũng lùa, Gặp giặc cũng đánh, gặp chùa cũng tu.”

Vi Anh 

(Việt Báo)

Không có nhận xét nào: