Pages

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Phản biện với thủ tướng chính phủ


Luật pháp không cấm người dân phản biện với thủ tướng chính phủ.  
      
Tôi là đảng viên. Hơn nữa đã có thời gian đứng đầu cấp ủy cơ sở Đảng. Điều lệ Đảng cũng như 19 điều đảng viên không được làm không cấm đảng viên phản biện với ủy viên bộ chính trị - thủ tướng chính phủ.
       
Là trí thức, tôi biết phản biện khoa học vài lu loa bôi nhọ là 2 thứ đối nghịch. Tôi phản biện trên nền tảng khoa học.
      
  Là người yêu nước, tôi phản biện nhằm mục đích xây dựng.
        
Tôi xin phản biện với thủ tướng chính phủ về vấn đề do thủ tướng nêu ra trong cuộc họp trực tuyến tại trụ sở chính phủ, ngày 13.8.2015.
       
Tại cuộc họp này, thủ tướng chính phủ nói rằng: “tôi đi nhiều địa phương và thấy người dân còn rất nghèo trong khi trụ sở các cơ quan xây rất to, rất hoành tráng…”.
     
 Thông tin này được đăng tải trên báo Thanh niên, ngày 14.8.2015.
      
 Thưa thủ tướng chính phủ, thông tin do thủ tướng nêu ra đúng với hiện trạng đang tồn tại trong cuộc sống. Cảm ơn thủ tướng đã xúc động phản ánh đúng sự thật, trong khi nhiều vị lãnh đạo không quan tâm cho nên chẳng thấy họ chỉ ra cái sự thật trớ trêu và xót xa ấy.

 Sự thật đúng như thế. Vấn đề đặt ra là tại sao không được ngăn chặn. Tại sao phát sinh khắp nơi, tái diễn năm này qua năm khác. Đây là vấn đề cần được phản biện.
         
Vấn đề của triết học là cải tạo thế giới chứ không phải giải thích thế giới. Đây là quan điểm cốt lõi của triết học Mác – Lênin. Xin được vận dụng quan điểm này để phản biện với thủ tướng chính phủ.
        
 Với người dân, kể cả quan chức thường thường bậc trung, chỉ ra sự thật đã là tốt, yêu cầu họ ra tay ngăn chặn là quá sức. Số đông không có quyền quyết định. Quyết định thuộc về nhóm quyền lực, nhất là những người có quyền lực cao nhất.
       
 Trách nhiệm và quyền hành của thủ tướng có thừa để ngăn chặn từ đầu, không để phát sinh hiện trạng được thủ tướng nêu lên trong cuộc họp ngày 13.8.2015.
        
 Trách nhiệm của thủ tướng là phải ngăn chặn, không để phát sinh sai phạm, chứ không phải để xảy ra rồi lên tiếng phản đối.
        
Tôi dám cam đoan, nếu thủ tướng sớm ra tay ngăn chặn, chẳng có địa phương nào (kể cả các cơ quan trung ương) dám làm liều xây dựng trụ sở để làm oai, để có cớ lấy tiền thuế của dân bỏ túi cá nhân.
        
  Các địa phương đua nhau xây dựng trụ sở. Trở thành phong trào, mang tính xuyên suốt quốc gia chứ không phải tự phát. Làm chưa đủ ăn. Phải triền miên vay nợ, nợ chồng lên nợ. Là con nợ nhưng hệ thống trụ sở công quyền hoành tráng xa hoa chẳng kém gì chủ nợ. Không và không thể làm cho đất nước đàng hoàng hơn to đẹp hơn theo cái kiểu như vậy. Thực chất đó là cách làm nghèo đất nước, làm mất lòng dân.
       
 Cây anh túc (cây thuốc phiện) trồng giữa rừng sâu mà vẫn bị phát hiện. Lẽ nào trung ương, trước hết là chính phủ, không biết các địa phương đua nhau thực hiện “phong trào” xây dựng trụ sở. Không biết là quan liêu, thậm chí là đại quan liêu. Biết mà không ngăn chặn là thiếu trách nhiệm, thậm chí vô trách nhiệm.
        
 Ngăn chặn việc làm sai đòi hỏi phải ra tay hành động. Việc đó cần thiết hơn ngàn vạn lần những lời nói phản ánh hiện trạng. Các địa phương và các bộ thừa khôn ngoan khi thực hiện phương châm: nhìn chính phủ làm chứ không phải nghe chính phủ nói. Không ai dại dột nói toạc móng heo như vậy, nếu thế là tự treo cổ, nhưng cuộc đời đang tồn tại sự thật phũ phàng như thế. Hành xử kiểu đó nghe có vẻ “chợ búa” và thiếu tôn trọng cấp trên nhưng lại chí lí về mặt triết học.
        
  Ngăn chặn, loại bỏ việc làm sai là bổn phận của mọi công dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Quan trọng nhất, giữ vai trò quyêt định thuộc về tầng lớp lãnh đạo cao cấp, nhất là các vị cầm lái con thuyền đất nước. Thượng không bất chính, thì chẳng bao giờ có chuyện hạ tắc loạn. Lẽ sống ấy đúng cho muôn đời.
       
  Tham nhũng tràn lan. Bội chi triền miên. Vay nợ trả nợ. Nhưng vẫn tung hoành “phong trào” xây dựng trụ sở. Đó là thể hiện hạ tắc loạn. Nếu chính phủ, trước hết là thủ tướng, ra tay ngăn chặn từ đầu thì làm gì có chuyện hạ tắc loạn như vậy.
         
 Nói (phát ngôn ) nằm trong thuộc tính của người lãnh đạo. Mọi lời nói, kể cả nói hay, chẳng nghĩa lí gì so với việc làm. Bọn tham nhũng, kẻ cố ý làm sai phớt lờ tất cả lời nói, kể cả chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. Điều chúng nó sợ nhất là sự liêm chính của cấp trên. Thượng cấp được bọn tham nhũng thích nhất là người nói nhưng không làm, nói một đường làm một nẻo. Hang ổ lợi ích nhóm sinh ra từ đó.
         
Mãi gần đây chính phủ mới có ý kiến dừng xây dựng trụ sở ở các địa phương. Số nhiều đã xây xong, coi như thoát hiểm. Những nơi chuẩn bị đâu vào đó nhưng chưa kịp làm thì nuối tiếc. Chính phủ ra tay quá chậm. Vả lại chủ trương ấy ra đời là nhờ sức ép dữ dội của dư luận xã hội. Làm chính sách theo kiểu đối phó, khi thực hiện dễ bị đối phó, thật khó có hiệu quả.
         
 Mất bò mới lo làm chuồng. Bài học từ ngàn đời vẫn còn nóng hổi cho xã hội đương thời. Bò mất đến mức không kịp làm chuồng. Thậm chí làm chuồng rồi nhưng bò vẫn mất. Phải chăng bài học của ông cha đã lạc hậu. Thuốc vẫn còn hiệu lực nhưng do cách dùng sai. Bò là bò thật, thậm chí bò tót nhưng chuồng giả. Cách quản như hiện nay, làm chuồng như hiện nay thì bò không mất mới là chuyện lạ.
          
Tham nhũng gia tăng. Lãng phí tràn lan. Chi tiêu công vô tội vạ.
         
 Bò mất cả đàn, chứ không phải từng con riêng lẻ.
         
 Làm thế nào để bò không mất.
        
  Làm thế nào để tránh chuồng dởm và sử dụng thật hiệu quả.
          
Và cao hơn, làm thế nào để chẳng cần gông xiềng và chuồng trại nhưng bò vẫn không mất.
          
Thưa thủ tướng chính phủ. Đó là “đề bài” chờ lời giải của chính phủ, trước hết là thủ tướng chính phủ.
         
 Đừng giải đáp bằng lời nói. Hãy thể hiện bằng hành động. Không có gì thuyết phục bằng việc làm.
      
Bá Tân

(Blog Nguyễn Thông)

Không có nhận xét nào: