Pages

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Người trẻ và câu chuyện về biểu tình chống Tập Cận Bình

Chân Như, phóng viên RFA

Biểu tình chống ông Tập Cận Bình tại Sài Gòn.

Biểu tình chống ông Tập Cận Bình tại Sài Gòn.
 Ảnh: CTV Danlambao


Tuần qua nhân chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch nước TQ, ông Tập Cận Bình, người dân hai miền Nam và Bắc đã có những cuộc biểu tình rầm rộ để chống đối cuộc viếng thăm này.  Trong số những người tham gia biểu tình cũng cũng có rất nhiều các bạn trẻ tham dự.  Trong diễn đàn bạn trẻ kỳ này, Chân Như  trò chuyện với 4 bạn về những gì họ đã chứng kiến và cảm nhận được trong cuộc biểu tình đó.  Mời các bạn theo dõi các bạn Phương Dung, Bùi Trung và Đại Dương từ Sài Gòn và bạn Thịnh Nguyễn từ Hà Nội chia sẻ sau đây.


Chân Như: Xin chào các bạn, là những bạn trẻ tham gia trực tiếp vào cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm VN của chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, các bạn có thể kẻ lại những gì các bạn đã chứng kiến và gặp phải trong cuộc biểu tình vừa qua? Trước tiên tại Hà Nội, xin mời bạn Thịnh Nguyễn
Thịnh Nguyễn: Mình tên là Thịnh, đây là lần đầu tiên mình xuống đường đâm ra mọi thứ bỡ ngỡ rất nhiều. Mình là người chứng kiến toàn bộ cảnh những người như thế nào.  Hôm ấy không hiểu sao không được thông báo, tức là ít người biết về cuộc biểu tình chuyến này.  Tức là lúc mình ra chính là lúc mình chứng kiến mọi người đang bị bắt đi.  Đây là lần đầu tiên mình nhìn thấy ở xung quanh công viên Lenin an ninh và công an đông như thế và họ đàn áp những người biểu tình.  Với mình lúc ấy rất là xúc động.
Chân Như: Còn trong Nam thì tình hình lúc đó ra sao, bạn Phương Dung có thể chia sẻ không?
Phương Dung: Em cũng đã tham gia biểu tình ở Sài Gòn rất là nhiều lần, nhưng đây là lần thứ hai em bị bắt. Khi nhóm người biểu tình đi vào hồ con Rùa thì lực lượng an ninh đã vây nhóm biểu tình lại và không cho xe cộ lưu thong, không cho người dân đi đến khu vực biểu tình đang diễn ra.  Lực lượng an ninh cô lập tụi em lại và bắt người. Khi bắt người như vậy thì nhiều người đã bị khiêng đi.  Lúc đó em và cô Ngọc Anh đã bị đè lên; Cái cảm giác như là mình bị rất là nhiều người chôn sống ở dưới vậy đó.  Khi mọi chuyện đã xong hết thì cô Ngọc Anh bị bất tỉnh, nhiều người đã bị kéo đi , rồi chú Bang Trần thì bị đánh đổ máu.  Việc đó làm em tự hỏi tại sao họ lại đối xử với những người mà muốn bày tỏ  quan điểm của mình; muốn bày tỏ tình yêu quê hương đất nước như vậy.  Tại sao cũng là người Việt Nam mà họ lại đánh đập tàn ác đối xử với nhau như vậy, thật sự không thể hiểu được khi mà chứng kiến những hình ảnh như vậy.
Chân Như: Còn Bùi Trung thì lúc đó đang ở đâu?
Bùi Trung: Thứ nhất em không có may mắn được cùng đoàn với bạn Phương Dung bởi vì ngay từ sáng sớm tất cả các ngả đường dẫn tới đại sứ quán Trung Quốc đã bị các lực lượng chính quyền ngăn chặn. Em cùng với cô Tím cũng như anh Châu đã đi đến điểm hẹn để tìm cách đi vào hồ con Rùa nhưng trên đường đi thì đã không thể tìm được đoàn biểu tình chính thức. Sau đó bọn em tìm thêm được vài cô chú khác nữa, và đoàn chín người lần cuối cùng tìm cách đi về hướng biểu tình ở hồ con Rùa. Bọn em nhận được tin đoàn biểu tình của bé Phương Dung đã bị đàn áp và bị đưa về công an phường 6 quận 3.  Ngay sau đó thì đoàn quay ngược về đến công an phường 6 quận 3.  Sau một hồi tranh cãi với bên phía công an, và sau khi cuộc tranh cãi đi đến đỉnh điểm thì bên phiá công an phường 6 họ đã xử dụng lực lượng dân quân cũng như dân phòng để lôi kéo đẩy cô Tím ra khỏi phạm vi trụ sở công an và bắt em, [cùng] một bạn trẻ tên là Long lên xe của quận và tại đấy bọn em đã bị hành hung ở trên xe nhưng không nặng bằng chú Trần Bang hay anh Hoàng Dũng.
Bản thân cá nhân của em cũng khá bất ngờ bởi vì trước đó, vào năm 2014, em cũng từng tham gia vào cuộc biểu tình hồi tháng 5 lịch sử, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Trường Sa, Hoàng Sa.  Lúc đấy số lượng người cũng như thái độ bên phía chính quyền Việt Nam không hề có một sự đàn áp.  Ngược lại, ngày 5 tháng 11 vừa qua sự đàn áp thật sự không thể nào tưởng tượng được bởi vì không thể nghĩ được rằng những người mặc lên mình bộ quần áo của chính quyền mà lại thẳng tay đàn áp cũng như đánh những người đáng tuổi cha tuổi chú họ như vậy. Thật sự đối với em, nó là một trải nghiệm trực tiếp, thật sự khá là đau đớn, bởi vì máu người Việt của chúng ta đổ bởi chính tay những người Việt.  Bản thân em, khi được may mắn bước ra nước ngoài, em được chứng kiến những quyền tự do ngon luận, tự do biểu đạt trên khắp thế giới mà ngay tại quê hương mình thì lại không hề được bày tỏ một cách chính đáng thì đối với em đó là một điều đáng buồn, cũng như đáng để phải lên án những người đang điều hành chính quyền Việt Nam hiện nay.
Chân Như: Còn Đại Dương thì sao
Đại Dương: Sáng hôm đó em uống café ngay tại hồ con Rùa và trong người em lúc đó có khoảng trên 10 biểu ngữ; Xung quanh em thấy có rất nhiều an ninh.  Khoảng 15 phút sau thì thấy nhóm biểu tình No-U đi xung quanh hồ con Rùa.  Thêm 10 phút sau thì một nhóm ở đường Hai Bà Trưng đi lên và em nhập vô nhóm đó.  Đi thêm một khoảng nữa thì khi mọi người hô to những câu khẩu hiệu biểu tình và có những em trẻ hơn đã giật biểu ngữ của tụi em.  Khi đi thêm một đoạn nữa thì đã bị dân phòng là công an chận hết hai đầu rồi dồn vô một góc.
Các thanh niên đưa cao biểu ngữ chống ông Tập Cận Bình tại Sài Gòn hôm 5/11/2015
Các thanh niên đưa cao biểu ngữ chống ông Tập Cận Bình tại Sài Gòn hôm 5/11/2015
Chân Như: Và sau đó thì công an đã bắt một số về đồn. Đại Dương có bị đưa về không?
Đại Dương: Lúc bị bắt vô đồn thì bạn của em bị đánh chứ lúc ở ngoài thì người ta đã đánh tụi em rất nhiều. Lúc đầu đã đánh một người, em và các bạn đã kéo lại thì chính bản thân em bị đau, đến lúc đó [do xô xát] chân em bị trật hay sau đó, em đã ngồi xuống và tất cả đều ngồi xuống và vẫn hô to những khẩu hiệu.  Một lúc sau có xe của công an tới nói tụi em giải tán; Giải tán không được nên đã bị bắt.
Chân Như: Trở lại với Thịnh, thì tình hình ở Hà Nội ra sao sau khi một số người đã bị Công An bắt đưa về đồn?
Thịnh Nguyễn: Lúc về đồn thì lúc đấy bắt đầu qua trưa rồi mọi người không được ăn; Ở ngoài có những bà con dân oan, có những nhà hoạt động đứng ở ngoài và mọi người đưa cơm nhưng công an không nhận.  Tức là công an không đuổi nhưng họ mang những người kiểu như dân giang hồ ra để bảo là chỗ này đang bán hàng, người ta đuổi và mang kiểu tính chất là họ muốn “cà khịa” tức là muốn làm cho mình manh động để cho họ đàn áp mình. Một lúc sau vì mọi người không mang được cơm vào nên mọi người bắt đầu đòi người ngay tại đấy.  Thì khoảng 4 giờ lại có một cuộc biểu tình khác nổ ra ở trong phố, mình nghe tin như thế thì mình đi xem. Thật ra lúc bắt đầu vào cùng mọi người thì mình đầu tiên có sợ, nhưng khi nhìn thấy mọi người bị bắt; khi quyền được nói của mình không được đáp ứng và họ [công an] đàn áp như thế thì lúc ấy gần như không còn sợ tại vì nghe đâu có mọi người là mình đều chạy đến.  Đấy là những cảm nghĩ lần đầu tiên của mình.
Chân Như: Cám ơn chia sẻ của Thịnh, trở lại với Phương Dung và Bùi Trung thì sau khi bị bắt và đưa về đồn, thì sự việc diễn tiến tiếp ra sao?
Phương Dung: Lúc đó em được đưa về công an phường 6 quận 3, khi đưa vào đó họ đưa em vào trong một chỗ nó gần giống như là một cái kho. Vào đó em gặp anh em rất đông nhưng sau đó họ được xe của địa phương đưa đi hết còn lại mỗi mình em. Họ đưa cho em viết biên bản lời khai, biên bản vi phạm hành chánh thì em không ký.  Lúc đó em cũng hỏi khi nào em mới có thể được trả tự do, tại vì em không vi phạm gì hết và họ bắt giữ em như vậy rất là vô lý.  Họ nói với em họ đang làm thủ tục và chờ quyết định của lệnh cấp trên để thả em ra, và đến khoảng 12:30 ngày hôm sau là ngày 6 tháng 11thì họ đưa em về tận nhà.
Bùi Trung: Sau khi em được di lý về phường 4 quận 3 em cũng phải ngủ lại đó một đêm và qua rất nhiều lần làm việc; Cao nhất là có một chú công an giới thiệu là trên quận xuống để làm biên bản.  Sau đấy cũng có những biên bản ghi xử phat hành chính 750 ngìn và khoảng đến 12 giờ trưa ngày 6 tháng 11 thì em được thả tự do tại phường 6 quận 3. Tuy nhiên,sau khi ra khỏi quận 3, trên đường đi tìm một người anh em cũng đang bị nhốt, em qua bện quận 4 thì em lại bị bắt và bị làm việc thêm 3 tiếng đồng hồ nữa em mới được ra.
Công an, cảnh sát bao vây đàn áp đoàn biểu tình
Công an, cảnh sát bao vây đàn áp đoàn biểu tình
Chân Như: Cám ơn phần chia sẻ của các bạn, Trở lại với câu chuyện về chuyến thăm VN của chủ tịch TQ, điểm đáng quan tâm là lời phát biểu của ông trước quốc hội VN, chắc các bạn đã đọc qua trên thông tin mạng.  Vậy đối chiếu những thông điệp. lời nói của ông với những gì đã, đang và sắp xảy ra trong thực tế, các bạn nhận xết như thế nào về thực chất mối quan hệ giữa hai nước?
Phương Dung: Em có đọc thông điệp của ông Tập Cận Bình, ông ấy có nói là tình cảm hai nước như anh em, khắng khít và cần phải đoàn kết kiên định để không để thế lực khác cản trở hợp tác. Những lời nói của ông ấy em thấy nó hoàn toàn trái ngược với thực tế, nó giống như về mặt ngoại giao để nói như vậy thôi chứ thật ra hoàn toàn không có một cái gì tốt đẹp.
Bùi Trung: Những lời nhận xét của em thì có lẽ tương tự như bạn Dung vừa nói em chỉ bổ sung thêm một vài ý kiến. Qua buổi nói chuyện của Tập Cận Bình trước quốc hội Việt Nam, em có để ý được hai thứ với bản thân em, em cho đó là quan trọng. Ngoài việc ông sẽ đại diện nhà nước Trung Hoa để viện trợ cho Việt Nam 150 triệu đô tức khoảng 1 tỷ nhân dân tệ.  Và thứ hai là ông ta không hề đả động đến việc tranh chấp chủ quyền biển đảo đối với Việt Nam.  Đối với bản thân em thì em nghĩ rằng bên phiá chính quyền Việt Nam họ cũng cố tình làm ngơ trong vấn đề biển đảo, bởi vì ngư dân Việt Nam chết không phải là ít từ trước đến nay trong vấn đề bị tàu lạ [tấn công] thì  em nghĩ rằng tại sao chúng ta không đưa ra cho một người đứng đầu một đất nước như vậy để họ giải quyết khi ông ta phát biểu trước quốc hội của một đất nước Việt Nam chúng ta như vậy.  Đối với bản thân một người trẻ, em cảm thấy  thể diện một đất nước  bị coi thường đối với một nước bên cạnh.
Chân Như: Theo các bạn, tương lai gần của VN sẽ ra sao trước sức ép của TQ?
Đại Dương: Theo nhận xét của em thì tương lai của Việt Nam sẽ còn lệ thuộc vào Trung Quốc rất là nhiều, tại vì nó dựa vào một mối quan hệ chung trên một ý thức hệ là đảng Cộng Sản; Nó kiềm toả chính trị Việt Nam và ràng buộc về rất nhiều thứ.  Theo em để thoát ra khỏi được sức ảnh hưởng của Trung Quốc thì chỉ có tiếng nói người dân thôi;Đó là ngồi lại để nói chuyện với đảng cộng sản Việt Nam. ĐCS vẫn sẽ lãnh đạo đất nước nhưng phải thông qua tiếng nói của người dân như thế nào đó, chứ không thể nào nói một đằng mà làm một nẻo như vậy được.
Phương Dung: Tương lai mình không thể biết trước được nhưng theo em nghĩ thật ra Việt Nam bây giờ theo một sự phát triển nào đó, theo quy luật nào đó thì VN cũng sẽ phải thay đổi, và VN đang cần hoà nhập với thế giới; Khi hoà nhập với thế giới như vậy thì với sức ép của quốc tế em nghĩ nhà cầm quyền VN sẽ phải thay đổi chính sách của mình cho phù hợp với thế giới.  Lúc đó, VN không thể nào mà đi theo sự kiềm toả của TQ được.
Bùi Trung: Bạn Phương Dung nói gần hết những ý của em, em xin bổ sung thêm một vài ý nhỏ để làm rõ thêm các ý kiến của em.  Về tương lai của nước Việt Nam như bạn Phương Dung nói chúng ta không thể biết trước được tương lai như thế nào, còn theo ý kiến và nhìn nhận riêng của bản thân em thì trang mới của lịch sử Việt Nam sẽ bước theo hướng nào tùy thuộc vào 3 yếu tố.  Thứ nhất yếu tố từ phía chính quyền, theo nhận xét của em thì phiá chính quyền hiện nay tại vì họ theo một chế độ  không bắt tay bất kỳ một người [nước] nào đó mà là phe nhóm.  16 người trong ủy viên trung ương đảng, tất nhiên là 16 người sẽ là 16 ý và chúng ta cũng có thể nhận thấy được qua những cuộc đấu đá trên trang chân dung quyền lực một thời nổi tiếng. Chúng ta thấy được rằng có những chiều hướng càng ngày càng tăng là bên phía chính quyền Việt Nam có những người họ ủng hộ thái độ là hướng về phía quốc tế nhiều để thoát khỏi sự ràng buộc của bên phiá Trung Cộng.  Em nghĩ yếu tố thứ hai giống như bạn Phương Dung nói đó chính là yếu tố quốc tế, bởi vì càng ngày Việt Nam càng phải hoà nhập với quốc tế, ngoài việc là hội đồng thành viên thường trực hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sắp tới đây chúng ta cũng biết TPP chính là bước ngoặt lịch sử cho Việt Nam không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Bởi khi đã tham dự vào Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, thì Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ các vấn đề về nhân quyền, và cộng đồng hải ngoại đã làm tốt nhiệm vụ là vận động để gài những ràng buộc về nhân quyền cho chính quyền Việt Nam để tuân theo.  Và yếu tố cuối cùng cũng là yếu tố quan trọng nhất đó chính là yếu tố từ chính người dân; đến nay chúng ta có thể tin tưởng rằng yếu tố này là yếu tố hình như tất cả 80% người dân Việt Nam họ đã làm rất tốt là chúng ta luôn luôn bảo vệ sự chủ quyền và độc lập của chúng ta không hề muốn lệ thuộc vào Trung Quốc.  Với 3 yếu tố trên,” lạc quan tếu” một tí thì em nghĩ rằng tương lai Việt Nam họ sẽ sang một trang sáng sủa hơn cũng như yên bình hơn và tránh đổ máu nhiều hơn.
Xin cám ơn Thịnh Nguyễn, Đại Dương, Phương Dung và Bùi Trung đã chia sẻ về những gì các bạn đã chứng kiến và cảm nhận được trong cuộc biểu tình chống chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua
.

Không có nhận xét nào: