Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TP Đà Nẵng xác nhận đã yêu cầu nhà thầu vụ '300 lao động Trung Quốc' bỏ yêu cầu 'biết tiếng Hoa' gây tranh cãi.
Từ một tuần nay, dư luận xôn xao trước thông tin Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng cho phép công ty Sichuan Huashi Việt Nam (có công ty mẹ tại Trung Quốc) đưa 300 lao động từ tỉnh Tứ Xuyên qua Đà Nẵng xây khách sạn JW Marriott (ở vị trí đối diện sân bay Nước Mặn). Dự án này do công ty Sliver Shores (có lãnh đạo là người Trung Quốc) làm chủ đầu tư.
Hôm 25/11, trả lời phỏng vấn của BBC, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho hay: "Chúng tôi đã đề nghị nhà thầu bỏ yêu cầu tuyển lao động biết tiếng Trung và họ đã chấp nhận. Nhưng việc này không phải vì áp lực dư luận".
Việc tuyển lao động trên tinh thần là tuyển lao động địa phương trước, nếu không đạt yêu cầu mới nhận người Trung Quốc".
Ông An giải thích: "Đợt tuyển này nhắm vào 'lao động kỹ thuật', tức là những người được đào tạo ngành nghề ít nhất một năm hoặc có kinh nghiệm làm việc 5 năm, chứ không phải 'lao động phổ thông'.
Ông từ chối nói thêm về việc nhà thầu viện cớ người lao động nghỉ việc trong dịp Trung thu vừa rồi khiến dự án khách sạn này chậm thi công nên họ phải tuyển người Trung Quốc.
'Chưa cấp phép trường hợp nào'
Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng phát đi thông cáo nói ‘kiểm soát chặt chẽ việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố’ trong lúc công luận vẫn xôn xao chuyện cho phép 300 lao động Trung Quốc vào làm việc.
Hôm 25/11, thông cáo của Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng đăng tải trên website của Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Đà Nẵng nêu: “Ngày 8/10/2015, Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng "giao cho Sở Lao động chủ trì, phối hợp với các đơn vị trên tinh thần tạo điều kiện cho công ty Sichuan Huashi Việt Nam; đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng".
Ngày 15/10, công ty Sichuan Huashi cam kết: "Nếu lao động địa phương không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, đề nghị cơ quan chức năng cho phép sử dụng lao động người nước ngoài để trợ giúp hoàn thành công trình khách sạn JW Marriott của công ty Silver Shores.
Đến nay, Sở Lao động đang triển khai quy trình giải quyết đề xuất của công ty Sichuan Huashi theo đúng quy định tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP và thực tế chưa cấp phép trường hợp nào”.
Thông cáo này nhấn mạnh: “Việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài của công ty Sichuan Huashi chỉ được tiến hành sau khi Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động không tuyển đủ được lao động là người trong nước cho các vị trí việc làm theo đăng ký.
Việc cấp phép cho lao động nước ngoài (cụ thể là Trung Quốc) chỉ thực hiện đối với các vị trí việc làm theo đăng ký không có lao động là người trong nước đảm nhận sau tuyển dụng.
Mỗi đợt tuyển dụng không được tuyển quá số lượng lao động đã đăng ký, lao động của đợt tuyển dụng tiếp theo chỉ được xem xét sau khi toàn bộ số lao động của đợt trước đã xuất cảnh ra khỏi Việt Nam.
Các cơ quan chức năng của thành phố khẳng định đang kiểm soát chặt chẽ quá trình xuất nhập cảnh lao động và việc chấp hành pháp luật của lao động nước ngoài làm việc tại Đà Nẵng”.
'Quyết định quá vội'
Hôm 19/11, ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng được báo trong nước dẫn lời: "Tôi cũng mới nghe thông tin... chưa có ai báo cáo cho tôi cả. Nhưng tôi thấy vội vàng quá. Cứ từ từ chứ mắc chi vội vàng cho phép đưa 300 người từ Trung Quốc qua? Vội quá! Đến nỗi gì mà mình không có lao động cơ chứ!"
Người đứng đầu Thành ủy ngỏ ý trách: "Những việc như thế này hết sức nhạy cảm, phải xin ý kiến Thường trực Thành ủy. Mà đây đang là thời điểm hết sức nhạy cảm nữa. Làm vội vội vàng vàng như vậy khiến dư luận người ta nói!"
Bình luận của ông cho thấy có sự khập khiễng trong phối hợp giữa lãnh đạo Đảng và chính quyền: "Lẽ ra họ phải trao đổi với tôi một tiếng vì việc này liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng chứ có phải chuyện đùa đâu".
Ông Nguyễn Xuân Anh kết luận: "Tôi rất ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp FDI vào đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng. Lãnh đạo Đà Nẵng luôn tạo điều kiện hết mức có thể họ làm ăn, kiếm lợi nhuận ở đây và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương".
"Tuy nhiên về vấn đề lao động, nói chung chứ không chỉ là lao động Trung Quốc, thì phải xem xét kỹ trên địa bàn có đáp ứng được hay không. Nếu đáp ứng được thì không việc gì cho phép đưa lao động nước ngoài vào mà phải ưu tiên số một giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ."
Khách sạn JW Marriott và một số công trình khác được nói là đang xây dựng gấp để phục vụ hội nghị thượng đỉnh Apec năm 2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét