Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Quyền lực trên biển nằm trong tay ai?

Trong mấy ngày tới, tuy vắng bóng ở nhiều nơi trên thế giới, hải quân Mỹ sẽ thử thách quyền lực hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc. Thử thách bằng cách tiến hành các cuộc tuần tra bên trong vùng lãnh thổ 12 hải lý được giả định xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Quần đảo Trường Sa [Spratly Islands] đang tranh chấp. Kể từ năm 2012 hải quân Mỹ chưa khi nào khẳng định quyền của mình theo luật lệ quốc tế để đưa tàu tới gần như vậy với các vùng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Mỹ trở lại hoạt động tuần tra “quyền tự do hàng hải” như vậy ngay sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ mà không xoa dịu được những quan ngại về hoạt động xây đảo hung hăng tại Biển Đông [Trung Quốc gọi là Nam Hải – South China Sea].

map

Trung Quốc sẽ phản đối, nhưng tạm thời có lẽ cũng chỉ có vậy. Những động thái của Mỹ rõ ràng là để khẳng định quyền lực trên biển của mình, tuy vẫn vô cùng hùng mạnh, nhưng không còn vô đối nữa. Chính khái niệm “quyền lực trên biển” mang âm hưởng thế kỷ 19, gợi nhớ tới Nelson [Đô đốc Hải quân Anh Quốc nổi tiếng nhất với Trận Trafalgar đánh bại quân Pháp, chặn đứng âm mưu xâm lược của Pháp, nhưng ông tử nạn ở trận này. N.D.], tham vọng đế quốc và ngoại giao tàu chiến. Tuy nhiên nhà tư tưởng vĩ đại cổ xúy quyền lực trên biển, chiến lược gia hải quân người Mỹ Alfred Thayer Mahan (mất năm 1914), nay vẫn còn được giới lãnh đạo chính trị và các cố vấn quân sự của họ nghiên cứu kỹ lưỡng. Năm 1890, ông viết: “Quyền kiểm soát biển, bằng thương mại hàng hải và bằng sức mạnh hải quân áp đảo, đồng nghĩa với tầm ảnh hưởng thống lĩnh trên thế giới; vì, bất kể đất liền tạo ra nhiều của cải vật chất đến đâu đi nữa, không có gì tạo điều kiện thuận lợi cho những mua bán trao đổi cần thiết bằng biển cả.”

Quyền lực trên biển cả dưới dạng sức mạnh cứng của hải quân lẫn dưới dạng sức mạnh mềm bao gồm thương mại và việc khai thác các tài nguyên của đại dương hiện nay cũng trọng yếu như xưa kia. Thông tin điện tử di chuyển bằng kỹ thuật số, còn con người di chuyển bằng đường hàng không. Song, hàng hóa vật chất vẫn chủ yếu đi đường biển: chiếm tới 90% hoạt động thương mại toàn cầu tính theo trọng lượng và số lượng. Nhưng quyền tự do và mức độ kết nối trên biển không phải là chuyện tất yếu. Chúng phụ thuộc vào một hệ thống quốc tế dựa vào luật lệ, một hệ thống mà gần như tất cả các quốc gia ký kết tham gia vì lợi ích của chính mình, nhưng trong những thập niên gần đây chỉ có nước Mỹ, hợp tác với các đồng minh thân cận, có đủ tài lực và ý chí để giữ trật tự.

Từ sau Đệ nhị Thế chiến, quyền bá chủ của Mỹ trong việc duy trì quyền tiếp cận các vùng biển chung toàn cầu chỉ bị thách thức một lần, và chỉ rất chóng vánh. Trong thập niên 1970, Liên Sô xây dựng một lực lượng hải quân biển sâu rất hùng mạnh – nhưng với phí tổn lớn tới nỗi một số sử gia xem đó là một trong những yếu tố làm sụp đổ chế độ Sô Viết chưa đầy hai chục năm sau đó. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, phần lớn của đội tàu tốn kém đó bị bỏ han gỉ, chơ chỏng tại các căn cứ ở Bắc Cực.

Nay điều đó có thể đang thay đổi. Hôm 7/10, Nga phô trương thanh thế với 26 hỏa tiễn hành trình được phóng từ các chiến hạm trên Biển Caspi nhắm vào các mục tiêu ở Syria (Nga bác bỏ những tuyên bố của Mỹ cho rằng một số hỏa tiễn rơi xuống Iran). Tổng thống Nga Vladimir Putin ráng nặn ra từ đó vài luận điệu tuyên truyền: “Các chuyên gia biết rằng Nga được cho là có những vũ khí đó là một chuyện, và họ lần đầu tiên thấy rằng những vũ khí đó đúng là có tồn tại là một chuyện khác.” Giới hoạch định quân sự phương Tây nay phải chấp nhận thực tế là Nga chứng tỏ có khả năng đánh trúng phần lớn Châu Âu bằng hỏa tiễn hành trình tầm thấp phóng từ các vùng biển của mình.

Nhưng tới nay, kẻ thách thức hải quân nghiêm trọng hơn chính là Trung Quốc. Từ bước khởi đầu khiêm tốn, Trung Quốc đã xây dựng được hải quân lớn mạnh từ một đơn vị thuần túy duyên hải thành một lực lượng hùng mạnh ở các vùng “cận hải” của mình, tức là bên trong chuỗi đảo thứ nhất (1st island chain) từ Nhật tới Philippines (xem bản đồ). Hiện nay nó lại đang phát triển thành một lực lượng thậm chí còn tham vọng hơn. Trong thập niên vừa qua, những chiến dịch tầm xa của hải quân Trung Quốc đã trở nên thường xuyên hơn và có yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Ngoài việc duy trì một đội tàu thường trực chống cướp biển ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận hải quân ngoài khơi xa ở tây Thái Bình Dương. Hồi tháng 9, một đội gồm năm tàu hải quân Trung Quốc đã đi ngang gần Quần đảo Aleutian sau một cuộc tập trận Nga-Trung.

Biển là mấu chốt

Hồi tháng 5, Trung Quốc công bố một sách trắng quân sự chính thức đưa cái mà Trung Quốc gọi là “việc bảo vệ các vùng biển khơi” (“open-seas protection”) vào vai trò “phòng thủ các vùng nước xa bờ” (“offshore-waters defence”) của hải quân Trung Quốc. Một chiến lược mà trước đây đặt vấn đề kiểm soát biển nội địa lên hàng đầu nay nhấn mạnh tới tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc. Vị thế hàng đầu mà Trung Quốc dành cho các lực lượng trên bộ đã chấm dứt.

Cách suy nghĩ truyền thống cho rằng đất liền quan trọng hơn biển phải được từ bỏ, và cần phải coi trọng việc quản lý các vùng biển và đại dương và bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển. Trung Quốc cần phát triển một cấu trúc lực lượng trên biển hiện đại tương xứng với an ninh quốc gia của mình.

Đài Loan vẫn là trọng tâm của những quan ngại quân sự này. Trung Quốc muốn không chỉ có được những cách để lấy lại tỉnh phản loạn này (theo cách nhìn của Trung Quốc), bằng những phương cách quân sự nếu cần thiết, mà còn đẩy lùi được Mỹ, kẻ bảo vệ chính của Đài Loan. Trung Quốc chưa quên nỗi nhục năm 1996 khi Mỹ đưa hai hải đoàn hạm đội xung kích, trong đó có một hải đoàn qua Eo biển Đài Loan, để ngăn cản các thử nghiệm hỏa tiễn của Trung Quốc nhằm để uy hiếp chính phủ Đài Loan. William Perry, bộ trưởng quốc phòng khi đó của Mỹ, khoe khoang rằng, dù Trung Quốc là một đại cường quốc quân sự, “cường quốc quân sự mạnh nhất ở tây Thái Bình Dương là Mỹ.”

Trung Quốc quyết tâm thay đổi cán cân đó. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào đủ thứ từ hỏa tiễn đặt trên bờ tấn công tàu tới tàu ngầm, máy bay tuần tra và máy bay chiến đấu hiện đại, để cố gắng không để Mỹ tới gần chuỗi đảo thứ nhất, và cuối cùng là chuỗi đảo thứ hai (2nd island chain). Trung Quốc cũng mong muốn có khả năng tuần tra các tuyến đường tắc nghẽn dẫn vào Ấn Độ Dương, mà phần lớn lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Khoảng 40% đi qua Eo biển Hormuz và trên 80% qua Eo biển Malacca. Trong những mục tiêu Trung Quốc tự đặt ra cho mình có bảo vệ các tuyến đường biển trọng yếu về kinh tế; thiết lập sự hiện diện thống lĩnh ở Nam Hải [South China Sea, Việt Nam gọi là Biển Đông] và Đông Hải [East China Sea]; và có khả năng can thiệp bất cứ khi nào sự hiện diện ngày càng bành trướng của mình ở ngoại quốc, bằng đầu tư hay bằng nhân lực, có thể bị đe dọa.

Hồi tháng 8, Ngũ Giác Đài công bố một Chiến lược An ninh Hàng hải Châu Á-Thái Bình Dương mới. Chiến lược này nhấn mạnh ba mục tiêu: “bảo vệ tự do của các vùng biển; ngăn chặn xung đột và cưỡng ép; và cổ xúy tuân thủ luật và chuẩn mực quốc tế”. Chiến lược này khẳng định rằng Mỹ đang thực hiện đúng kế hoạch để “tái cân đối” các nguồn lực của mình bằng cách triển khai ít nhất 60% lực lượng hải quân và lực lượng không quân của mình tới Châu Á-Thái Bình Dương trước năm 2020, một chỉ tiêu được công bố vào năm 2012. Bộ trưởng hải quân Ray Mabus đã yêu cầu Quốc hội Mỹ tăng ngân sách 8%, lên tới 161 tỉ Mỹ kim cho tài khóa sắp tới; ông muốn hải quân tăng từ 273 tàu lên tới ít nhất 300 tàu. Một số nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa nói rằng 350 là con số phù hợp.

Nước Mỹ lo ngại như vậy có đúng không? Cách Trung Quốc khuếch trương để trở thành một cường quốc trên biển toàn cầu hơi khác với thời kỳ Liên Sô bành trướng hải quân mạnh mẽ. Ngoài đội tàu ngầm hùng mạnh của Liên Sô, với mục đích chính là tấn công hạt nhân chiến lược và chặn các đội quân tiếp viện của Mỹ vượt Đại Tây Dương để sang hỗ trợ Châu Âu, hải quân Liên Sô chủ yếu quan tâm tới việc phô trương vị thế đại cường quốc và mở rộng tầm ảnh hưởng của Liên Sô trên thế giới thông qua các sứ mệnh “hiện diện” lấy lòng các đồng minh và ngăn chặn các kẻ thù.

Giễu võ dương oai

Những vấn đề này cũng quan trọng với Trung Quốc: một thành tố trọng tâm của cái mà Tập Cận Bình gọi là “giấc mơ Trung Hoa” là biến Trung Quốc thành một cường quốc quân sự có thể gây thanh thế trên trường quốc tế. Khi các tàu hải quân lớn tập trận hoặc cập cảng ngoại quốc, chúng có thể được dùng để gây ảnh hưởng hoặc cưỡng ép. Cũng dễ hiểu là một quốc gia với tầm cỡ, lịch sử và sức mạnh kinh tế như Trung Quốc sẽ mong muốn ít nhiều thanh thế đó. Cũng chẳng lạ là Trung Quốc mong muốn ngăn cản không cho một địch thủ khả dĩ (tức là Mỹ) hoạt động gần bờ biển của mình không bị trừng phạt.

Điều khiến việc Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc trên biển là chuyện đáng lo đối với các nước trông cậy Mỹ duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do của các vùng biển là cách hành xử của Trung Quốc và nơi thể hiện sức mạnh đó. Ấn Độ Dương, Nam Hải [tức Biển Đông] và Đông Hải là các tuyến đường vận tải trọng yếu cho nền kinh tế thế giới. Tám phần mười các cảng container nhộn nhịp nhất thế giới nằm trong khu vực này. Hai phần ba lượng dầu được vận chuyển của thế giới đi qua Ấn Độ Dương trên đường tới Thái Bình Dương, với 15 triệu thùng đi qua Eo biển Malacca hàng ngày. Gần 30% hoạt động thương mại đường biển đi qua Nam Hải [tức Biển Đông], trong đó có khối lượng trị giá 1,2 ngàn tỉ Mỹ kim trên đường sang Mỹ. Vùng biển đó chiếm hơn 10% sản lượng ngư nghiệp của thế giới và được cho là có mỏ dầu và khí đốt dưới đáy biển.

Phần lớn những điều này đang bị tranh chấp, trong đó Trung Quốc là nước mạnh bạo và hung hăng nhất trong những nước tuyên bố chủ quyền. Ở Nam Hải [tức Biển Đông], các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc bao gồm Quần đảo Hoàng Sa [Paracel Islands] (với Đài Loan và Việt Nam); Quần đảo Trường Sa [Spratlys] (với Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) và Bãi cạn Scarborough [Scarborough Shoal, Hoàng Nham Đảo] (với Philippines và Đài Loan). Trung Quốc mập mờ tuyên bố chủ quyền bên trong cái mà Trung Quốc gọi là đường chín đoạn đối với hơn 90% vùng Nam Hải [tức Biển Đông] (xem bản đồ). Sự tuyên bố chủ quyền này được thừa hưởng từ chính phủ Quốc Dân Đảng đã bỏ chạy sang Đài Loan vào năm 1949; liệu điều này áp dụng chỉ với các đảo và bãi san hô, hay với toàn bộ vùng biển bên trong đường chín đoạn (nine-dash line), có thể chẳng bao giờ được lý giải thích đáng. Ở Đông Hải Trung Quốc đang có tranh chấp kịch liệt với Nhật về Quần đảo Senkaku (mà Nhật kiểm soát – Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), dù việc tàu tuần tra của cả hai bên quanh quẩn ở vùng biển này gần đây đã thành chuyện thường nhật.

Mỹ không nghiêng về bên nào trong những tranh chấp này, chỉ khẳng định rằng chúng nên được giải quyết bằng phân xử trọng tài quốc tế thay vì dùng vũ lực, và rằng tất cả các tuyên bố chủ quyền nên dựa trên các đặc điểm đất tự nhiên. Tuy nhiên Trung Quốc đang dùng quyền lực trên biển ngày càng mạnh của mình một cách cưỡng bức, tiến hành các cuộc tuần tra có tính xâm lấn, xâm phạm vùng biển của các nước tuyên bố chủ quyền khác, và gần đây xây năm đảo nhân tạo trong các công trình khai hoang đất đai rộng lớn ở những nơi trước đây nằm dưới nước (mà theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thì không cho đặc quyền với vùng lãnh hải 12 hải lý). Những đảo này đang được trang bị thành các trạm nghe tín hiệu và ba đảo đang được xây đường băng và nhà để máy bay, nghĩa là chúng có thể nhanh chóng được dùng cho mục đích quân sự.

Trung Quốc không phải là nước đầu tiên xây dựng trong khu vực này. Nhưng chỉ trong chưa đầy hai năm, Trung Quốc đã khai hoang số đất đai nhân tạo gấp gần 20 lần so với tổng số đất mà các nước tranh chấp khác đã làm trong 40 năm qua. Vô hiệu hóa các căn cứ của Trung Quốc không khó đối với Mỹ; nhưng, nếu không xảy ra chiến tranh, các căn cứ này giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ở phạm vi xa hơn nhiều so với tình hình cho tới nay. Chẳng đáng ngạc nhiên là Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, gần đây hứa là các lực lượng của Mỹ sẽ “điều khiển phi cơ, lái tàu thủy và hoạt động ở bất cứ nơi đâu mà luật quốc tế cho phép”, và hứa Mỹ sẽ tiến hành trở lại các cuộc tuần tra “vì quyền tự do hàng hải”.

Văn bản [chiến lược] của Ngũ Giác Đài nhận xét rằng hải quân Trung Quốc hiện nay có số lượng tàu lớn nhất ở Châu Á, với hơn 300 tàu chiến, tàu ngầm, tàu lưỡng dụng thủy bộ và tàu tuần tra. Indonesia, Nhật, Malaysia, Philippines và Việt Nam tổng cộng chỉ có khoảng 200 tàu, trong đó có nhiều tàu cũ và yếu hơn tàu của Trung Quốc. Ưu thế này cũng đáng ngại không kém xét về số tàu thực thi luật biển: Trung Quốc có 205 tàu, so với 147 tàu của năm nước kia; Trung Quốc thường dùng các tàu này để đưa ra các tuyên bố chủ quyền của mình trong khi các lực lượng hải quân có sức hủy diệt mạnh hơn lởn vởn ở phía chân trời. Dù gần như tất cả các nước đang tranh chấp với Trung Quốc đang cố gắng mua hoặc đóng thêm tàu mới, sự chênh lệch về năng lực tiếp tục tăng lên.

Nhìn xa trông rộng

Do đó, nếu muốn, Trung Quốc có thể đe dọa các luật lệ và chuẩn mực chi phối các ranh giới trên biển và tài nguyên biển, quyền tự do hàng hải và việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Liệu Mỹ có sẵn sàng đương đầu với thách thức này? Những ai lo ngại rằng việc Mỹ cuối cùng rút lui là điều tất yếu gần như chắc chắn sai lầm. Tuy tăng nhanh, toàn bộ ngân sách quốc phòng (chính thức) của Trung Quốc không nhiều hơn ngân sách của chỉ riêng hải quân Mỹ. Mỹ có 10 siêu hàng không mẫu hạm chạy bằng hạt nhân, trong đó có một chiếc đóng thường trực ở Nhật. Trung Quốc chỉ có một chiếc nhỏ mua lại đồ cũ thời Liên Sô, và hai chiếc nữa đang được đóng. Toàn bộ ba tàu khu trục tàng hình hạng Zumwalt mới nhất của Mỹ (hình), loại tàu chiến trên mặt nước tân tiến nhất thế giới, sẽ được triển khai ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cùng với các tàu và máy bay mới khác. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng hải quân Trung Quốc sẽ mất 30 năm nữa mới theo kịp hiệu quả của hải quân Mỹ.

Tàu khu trục tàng hình hạng Zumwalt mới nhất của Mỹ
                                   Tàu khu trục tàng hình hạng Zumwalt mới nhất của Mỹ

Mỹ cũng có ưu thế có các lực lượng hải quân khác hợp sức và sát cánh, cả ở khu vực này lẫn trên toàn cầu. Lực lượng Phòng thủ Trên biển của Nhật thiếu khả năng phô trương sức mạnh, nhưng được xem là lực lượng hải quân tinh nhuệ thứ năm trên thế giới và được dùng để tập trận với hải quân Mỹ. Việc Nhật nới lỏng các luật an ninh quốc gia hồi tháng 9, cho phép hải quân Nhật hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong nhiều loại sứ mệnh hơn, đã khiến Bắc Kinh vô cùng phật ý. Và Nhật đang cật lực phối hợp với các nước láng giềng trong khu vực hiện đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Nhật đã cho Philippines và Việt Nam vay lãi suất thấp để sắm các tàu tuần tra mới và các tàu khu trục cũ hơn.

Hải quân Ấn Độ là một đồng minh hùng mạnh khác. Khi mối quan ngại về Trung Quốc tăng lên, hải quân Ấn Độ đã bắt đầu tập luyện với các lực lượng hải quân phương Tây, và được phương Tây đánh giá rất cao về năng lực. Cuộc tập trận Malabar hàng năm với hải quân Mỹ nay cũng bao gồm tàu của Úc, Singapore và năm nay lần đầu tiên có Nhật. Chính phủ mới mẻ của thủ tướng Narendra Modi đang nhắm tới một lực lượng hải quân có 200 tàu trước năm 2027, với ba hải đoàn hạm đội và các tàu ngầm chạy bằng hạt nhân.

Không thể theo kịp hải quân Trung Quốc, nhưng hải quân Ấn Độ quyết tâm không để Ấn Độ Dương trở thành “cái hồ của Trung Quốc”. Các chiến lược gia của Ấn Độ từ lâu đã tin rằng Trung Quốc đang thiết lập một mạng lưới cơ sở vật chất cảng dân sự và bảo lãnh thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng ven biển để giúp đội tàu của mình tăng năng lực hoạt động ở các vùng biển mà chính phủ Ấn Độ nghĩ là thuộc quyền thống trị của mình. Hiện nay Trung Quốc thường đưa các tàu ngầm chạy bằng hạt nhân của mình tới Ấn Độ Dương.

Trung Quốc cũng hưởng lợi như bất kỳ nước nào khác từ quyền lực bá chủ của hải quân Mỹ để giữ gìn hòa bình ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Điều này đã giúp Trung Quốc đạt tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên Trung Quốc dường như quyết tâm thách thức trật tự đó. Dễ hiểu là Trung Quốc muốn hải quân Mỹ phải chịu nhiều rủi ro hơn khi hoạt động gần vùng ven biển của mình. Và với một quốc gia muốn “một loại quan hệ đại cường quốc mới”, nhờ cậy Mỹ giữ gìn trật tự là hèn, dù quan điểm cho rằng Mỹ và các đồng minh của Mỹ đang đe dọa chặn các tuyến giao thông đường biển vốn là huyết mạch của thương mại của Trung Quốc, và của thế giới, hoàn toàn là chuyện hoang đường trong bất cứ kịch bản nào không phải là chiến tranh. Nhưng giả dụ có xảy ra chiến tranh, ví dụ Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Trung Quốc sẽ muốn tước mất của Mỹ khả năng cứu Đài Loan, hoặc chí ít là trì hoãn khả năng đó. Mặt trái là khi xây dựng một lực lượng hải quân uy hiếp các nước láng giềng, Trung Quốc đang đẩy họ càng tới gần hơn vòng tay của Mỹ.

Hơn nữa, việc trở thành một quyền lực trên biển hùng mạnh nhưng vẫn hạng hai có thể dẫn tới tính toán sai lầm tai hại. Đức thách thức quyền thống lĩnh hải quân của Anh vào đầu thế kỷ 20 bằng kích động cuộc đua tranh đóng tàu chiến tốn kém đến khánh kiệt. Nhưng Đức vẫn không thể phá được sự phong tỏa của Anh trong Đệ nhất Thế chiến. Còn đối với Nhật, sáu tháng sau cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng trong Đệ nhị Thế chiến, Nhật thua trận Midway có tính quyết định và thất trận với phần lớn đội tàu mà Nhật đã nghênh ngang xây dựng.

Chẳng có gì sai khi Trung Quốc xem một lực lượng hải quân biển sâu hùng mạnh là điều thiết yếu cho uy tín và hình ảnh của mình, nhất là nếu Trung Quốc rốt cuộc kết luận rằng lực lượng đó nên được dùng để củng cố, chứ không phải gây phương hại cho, luật lệ quốc tế. Điều đáng lo là chính Trung Quốc có thể không biết mình sẽ làm gì, và Trung Quốc sẽ khó cưỡng lại nỗi cám dỗ dùng lực lượng đó không chỉ để giương cờ phô trương tinh thần ái quốc, phát tín hiệu ngoại giao và ngầm uy hiếp. Như Mahan nhận xét: “Lịch sử của quyền lực trên biển chủ yếu, dù không phải là duy nhất, là câu chuyện về những cuộc đấu giữa các quốc gia, của các địch thủ lẫn nhau, của bạo lực thường dẫn tới cực điểm là chiến tranh.” Không nhất thiết phải như vậy, nhưng Mỹ phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Nguồn: The Economist, Sea power – Who rules the waves?, 17/10/2015

(Phạm Vũ Lửa Hạ Blog)

Không có nhận xét nào: