Theo báo điện tử VnExpress, phúc trình về ngành công nghệ thông tin (IT) ở Việt Nam vừa được Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks công bố mới đây cho thấy tình trạng thiếu nhân lực trong ngành này.
Cụ thể, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành này tăng trung bình 47% mỗi năm, nhưng nhân lực chỉ tăng ở mức khoảng 8%. Ông Paul Espinas - Giám đốc tiếp thị của VietnamWorks cho hay, "Nếu sự cách biệt về mức độ tăng trưởng giữa cung (về nhân lực) và cầu (về công việc) tiếp tục trong những năm tới, Việt Nam sẽ ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực để đáp ứng cho ngành dẫn đầu thị trường tuyển dụng này".
Theo bản phúc trình, nếu nguồn cung nhân lực tăng trưởng vẫn ở mức thấp như trên, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78,000 nhân viên IT mỗi năm. Đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500,000 người, chiếm hơn 78% tổng số nhân viên IT mà thị trường cần. Để đạt được con số 17 ứng viên cho mỗi công việc như năm 2013, Việt Nam cần khoảng 1.2 triệu nhân viên IT vào năm 2020. Nguồn nhân lực thực tế sẽ thiếu khoảng hơn 1 triệu người.
Bản phúc trình đánh giá, "Đây là một con số khổng lồ, đòi hỏi một chính sách phát triển nhân lực sâu rộng được triển khai ngay lập tức".
VietnamWorks công bố số liệu: số lượng công ty tuyển dụng trong ngành IT đã tăng 69% so với năm 2012. Đặc biệt, số lượng công ty phần mềm đã tăng đến 124% chỉ trong vòng 4 năm. Đó là chưa kể, Việt Nam còn nổi tiếng chủ yếu nhờ vào dịch vụ outsourcing. Hiện thiết kế website và lập trình ngôn ngữ Java là 2 công việc được tuyển dụng hàng đầu.
Báo cáo cũng chỉ ra 4 điểm quan trọng nhất để phát triển thị trường nhân lực và tuyển dụng ngành IT ở Việt Nam gồm trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật), kỹ năng mềm, sự cập nhật về kỹ nghệ trong giáo trình giảng dạy, và sự cải thiện trong đào tạo nhân lực.
Nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi ngành nghề tại Việt Nam đều thiếu, chứ không riêng ngành IT. Chính điều này đã khiến nền kinh tế Việt Nam chỉ đón nhận được luồng vốn đầu tư vào các ngành không cần nhiều kỹ thuật, trình độ như sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, giày dép, gia công, lắp ráp đồ điện tử, … và nhiều ngành có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người lao động.
Nhật Nam / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét