Pages

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Đấu đá quyền lực chính trị sẽ khiến hợp thức hóa báo tư nhân nhanh hơn


Vài tín hiệu mới cho báo chí tư nhân

Quốc Hội và các cơ quan quản lý truyền thông Việt Nam luôn lùi sau thực tiễn vài thập kỷ. Bất chấp các kỳ họp Quốc Hội từ trước đến nay vẫn đều đặn ra tuyên ngôn “chưa cho báo chí tư nhân hoạt động,” dạng thức đặc biệt này của báo chí đã tồn tại từ những năm 1995-1996 cho đến giờ.

Cách đây 10 năm, một thống kê cho biết có đến vài chục báo tư nhân ở riêng khu vực Sài Gòn. Không chiếm lĩnh được những tờ báo lớn, báo chí tư nhân đành an phận “núp” dưới vỏ bọc của hình thức phụ san, phụ trương, chuyên đề.

Nhưng đó là quá khứ. Hiện tại đã khác hẳn. Internet tràn vào Việt Nam mở ra một môi trường loan tải thông tin nhanh và rộng chưa từng thấy. Hệ thống hơn 800 tờ báo nhà nước dần bị cạnh tranh khốc liệt bởi các trang web điện tử. Đó cũng là lúc một tờ báo nhỏ được tư nhân mua lại vẫn có thể thỏa mãn nhu cầu tin tức của người đọc hơn cả những tờ báo được Ban Tuyên Giáo Trung Ương xếp vào “loại nhất” như Nhân Dân hay Quân Đội Nhân Dân.

Chưa xét đến phương diện phản ánh và tố cáo hiện thực xã hội đầy rẫy bất công và tham nhũng, chỉ riêng nhu cầu tiếp nhận thông tin của độc giả đã khiến xu hướng xuất hiện, tồn tại và tăng trưởng về báo chí tư nhân là hầu như tất yếu. Vấn đề còn lại chỉ là khi nào chủ đề này sẽ được “hợp thức hóa” và phát triển ồ ạt.

Trong kỳ họp Quốc Hội cuối năm 2015 và vào lúc cơ quan lập pháp này đưa ra dự thảo Luật Báo Chí để góp ý, dân biểu Bùi Thị An đã nêu một ý kiến đáng lưu tâm: “Hiện nay chưa nên cho tư nhân ra báo, nhưng về lâu dài xã hội phát triển thì cũng nên cho báo chí tư nhân phát triển, chỉ cần quản nội dung cho tốt.”

Trong giới quan chức và đại biểu Quốc Hội, số ý kiến mang quan điểm “cho nhưng quản” trên không nhiều, cho tới nay. Nhưng dù sao vẫn còn được xem là cởi mở hơn khá nhiều so với quan điểm ôm chặt kiên định nhà nước hóa báo chí.

Khác hẳn với bà Bùi Thị An không làm báo, một đại biểu Quốc Hội làm báo chuyên nghiệp là Đoàn Nguyễn Thùy Trang - Phó chủ tịch Hội Nhà Báo TP.HCM - lại nêu ra một cách nhìn hết sức tuyên giáo: “Tuy không cho thành lập báo chí tư nhân nhưng có hàng ngàn ấn phẩm báo chí của các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp đại diện cho người dân đủ sức thực hiện quyền tự do ngôn luận.”

Nhưng báo chí nhà nước - khu vực được xem là “chính thống” hơn hẳn báo tư nhân và các trang mạng xã hội - đã và đang đối diện với cuộc sống ra sao?

“Lũ chúng ta nằm trong giường chiếu hẹp”

Còn nhớ trong một cuộc hội thảo vào năm 2014, một quan chức về hưu là nguyên Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Đỗ Quý Doãn lần đầu tiên đã tiết lộ: Năm 2013, cả nước bổ nhiệm 169 lãnh đạo cơ quan báo chí, trong số này có 43 người được điều từ ngành khác về, không có nghiệp vụ báo chí.

Tỉ lệ “nhà báo cơ cấu” như vậy chiếm đến 25% - một con số tuy còn lâu mới phản ánh hết thực tồn lãnh đạo và chỉ đạo ấu trĩ cùng một chiều của “một bộ phận không nhỏ” báo chí nhà nước, nhưng cũng cho thấy một mâu thuẫn rất lớn đã khuếch tán ghê gớm trong hệ thống báo chí quốc doanh: Đa phần giới phóng viên và biên tập viên - với trình độ nghề nghiệp hơn hẳn giới lãnh đạo - lại bị siết cương bởi những người hầu như chẳng biết làm báo chuyên nghiệp là gì.

Vào thời chấp chính lãnh đạo báo chí, ông Đỗ Quý Doãn luôn bị giới phóng viên có tư tưởng tự do xem là “máy chém nhà báo.” Nhưng sự đổi khác đôi chút về cách nhìn vào thực tế của những người như ông sau khi về vườn lại cho thấy chính họ cũng là nạn nhân của một cơ chế giáo điều, đóng kịch, ru ngủ và lừa mị lẫn nhau.

Bất chấp số liệu luôn được tung hứng với hơn 800 tờ báo quốc doanh cùng 18,000 thẻ nhà báo, năng lực thông tin sự thật của báo chí nhà nước vẫn bị chính những viên chức quản lý nhà nước xem là “thua kém khủng khiếp” so với giới truyền thông xã hội - bao gồm các trang mạng bị nhà nước coi là “lề trái.”

Hầu như chiếm giữ nguồn thông tin độc quyền do được tiếp cận các cơ quan nhà nước và đơn vị công ích, nhưng báo chí quốc doanh đã khá thường chỉ khai thác những thông tin này trên bề mặt của chúng. Rất nhiều vụ việc tham nhũng và bất công xã hội đã bị Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ Thông Tin và Truyền Thông chủ ý ngăn chặn bằng cơ chế kiểm soát từ mềm đến cứng. Một số ít tờ báo có thái độ “vượt rào” đã phải trả giá: Ban Biên Tập phải chịu kiểm điểm, còn cộng tác viên bị cắt cộng tác bài, phóng viên thậm chí bị đuổi việc.

Nhiều bài báo tâm huyết và nói lên sự thật cũng bởi thế đã không thể lên nổi mặt báo. Với tư cách “chính trị viên” của báo, nhiều tổng biên tập hay phó tổng biên tập kiêm bí thư đảng ủy đã chỉ chuyên chú việc “giữ vững đường lối chính trị của đảng” và theo đó giữ ghế, thay cho việc phản ánh tiếng nói của người dân và xã hội để đối thoại với nhà chức trách.

Hệ quả tiếp liền của thực tế trên là nhiều năm biệt trôi, báo chí nhà nước vẫn giữ thái độ im lặng đến mức thành khẩn trước rào cản của cơ quan tuyên giáo đối với quá nhiều sự thật nhớp nhúa liên quan đến các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm lợi ích chính sách. Ngay cả vụ việc 15 nhà máy thủy điện của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đồng loạt xả lũ mà đã “giết sống” hơn năm chục mạng dân nghèo vùng rốn lũ ở các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2013, báo chí cũng không lên trang nổi một cái tên quan chức phải chịu tránh nhiệm, càng không có bất kỳ “đày tớ” nào phải ra trước vành móng ngựa.

Sự xa cách giữa thực tiễn và mặt báo là quá lớn, cũng như hố phân cách giữa giới phóng viên và khá nhiều tổng biên tập là quá sâu cay.Rất nhiều phóng viên, nhà báo tâm huyết đã phải bỏ nghề hoặc chấp nhận “viết giải trí.”

Tuy vẫn còn đó đây những tờ báo theo đuổi phong cách phản biện hoặc có hơi hướng phản biện như Đất Việt, VietnamNet, Nông Thôn Ngày Nay, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Người Cao Tuổi, Thanh Niên, Pháp Luật TP.HCM, Người Lao Động, nhưng chừng đó là quá ít so với hàng ngàn báo in và điện tử trên toàn quốc. Lại càng không thấm vào đâu trước thực tế ngồn ngộn những bất công khủng khiếp trong xã hội.

“Lũ chúng ta nằm trong giường chiếu hẹp” - như một câu thơ của Chế Lan Viên.

Tình cảnh thê thiết bỉ tủi ấy càng trở nên sống sượng không thèm che giấu trong bầu không khí “lập thành tích chào mừng đại hội đảng lần thứ 12.”

Đại đa số báo chí nhà nước vẫn hiện hữu nguyên vẹn trong tâm thế “giấc mơ con đè nát cuộc đời con,” bất chấp cái hiện thực đời sống dân chúng đang sa vào vòng khốn quẫn đến thế nào.

Khi nào báo chí tư nhân được hợp thức hóa?

Tuy nhiên có vẻ vào lần này, dự thảo Luật Báo Chí mang hơi hướng dễ thở hơn đôi chút. Trang VietnamNet nhấn mạnh: “Chỉ không thừa nhận cá nhân” và giải thích: Phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Thiếu Niên và Nhi Đồng - Cơ Quan Thẩm Tra Dự An Luật - ông Lê Như Tiến cho biết xu hướng chung của luật lần này là không thừa nhận báo chí tư nhân, có nghĩa là cá nhân đứng lên để làm báo. Còn tổ chức xã hội, trường học, bệnh viện thì được.


Nhưng thực ra, việc nhà nước chưa thừa nhận cá nhân đứng tên làm báo cũng chỉ mang tính đối phó trước một thực tế không thể chối cãi: Nhiều đầu báo loại nhỏ và cả loại trung bình đã thuộc về một số đại gia. Có đại gia “ôm” báo để khuếch trương thanh thế cá nhân và quảng cáo cho doanh nghiệp mình, nhưng cũng có đại gia lấp ló ý đồ “chính trị hóa báo chí.”

Đáng chú ý hơn, có hiện tượng đại gia gắn kết với nhóm quyền lực chính trị và một số tờ báo được sử dụng như một công cụ để lobby tranh cử lẫn đấu đá nội bộ.

Nếu một ít trang mạng xã hội như Quan Làm Báo, Chân Dung Quyền Lực... đã bị giới chính trị lợi dụng để xúc xiểm và thanh loại nhau đặc biệt từ cuối năm 2012 cho đến nay, báo chí tư nhân chắc chắn là một khu vực thông tin mang tính “định hướng” được các phe phái chính trị chú ý khai thác đến mức tối đa, nhất là là những trang thông tin điện tử có lượng truy cập lớn.

Hiện tượng trên, cùng xu hướng vận động và tranh giành quyền lực chính trị trước và cả sau đại hội 12, có thể đẩy nhanh hơn tốc độ hợp thức hóa báo chí tư nhân và tư nhân hóa báo chí trong vài năm tới ở Việt Nam.

Phạm Chí Dũng

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: