Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Bảo vệ Quyền Trẻ em: kết án nặng hơn người lớn

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Em Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi bị một tòa án huyện ở Long An hôm 24/11/2015 kết án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù- Người tù dân oan trẻ tuổi nhất Việt Nam

Em Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi bị một tòa án huyện ở Long An hôm 24/11/2015 kết án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù- Người tù dân oan trẻ tuổi nhất Việt Nam
 Danlambao


Khác với sự thương cảm và phẫn nộ của mạng xã hội, báo chí thuộc hệ thống chính thức đưa tin khá đơn giản về vụ thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi bị một tòa án huyện ở Long An hôm 24/11/2015 kết án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù vì tạt a xít chống cán bộ cưỡng chế đất. Bố mẹ em Tuấn dù cũng đang ngồi tù sẽ phải thay em bồi thường 42 triệu 600 ngàn đồng cho ông  Nguyễn Văn Thủy Trưởng công an xã bị phỏng.


Phán quyết quá nặng cho thiếu niên
Các báo Pháp Luật Thành phố Online, Người Lao Động Online khi đưa tin vụ xử án hiếm có này, đã bỏ qua các chi tiết quan trọng mà Luật sư Nguyễn Văn Miếng thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM trình bày trước tòa để bảo vệ em Nguyễn Mai Trung Tuấn.
Nhận định về vấn đề thực thi công lý mà giới luật gia cho rằng rất thiếu sót trong vụ xử em Nguyễn Mai Trung Tuấn, LS Trần Thu Nam hiện sống và làm việc ở Hà Nội cho rằng, trẻ em vị thành niên mà đưa ra một án nặng như thế sẽ có nhiều tác động đến tâm lý của trẻ em, tác động đến dư luận xã hội, đề ra một vấn đề là tại sao một đứa trẻ như thế lại phải chịu một mức án rất là cao…nguyên nhân lý do làm sao mà một đứa trẻ thực hiện hành vi, có phạm tội hay không phạm tội thì phải chứng minh.
Tuy không trực tiếp tham gia hồ sơ vụ án của em Tuấn nhưng LS Trần Thu Nam qua trao đổi với  LS Nguyễn Văn Miếng người bào chữa cho em Tuấn, ghi nhận rằng trong quá trình bào chữa cho em Tuấn đã có nhiều vấn đề, như đề nghị triệu tập người giám định đến phiên tòa nhưng không được đáp ứng. cũng như một số thủ tục khác không được đầy đủ. Cho nên việc ra một phán quyết với một đưa trẻ như thế thì cần phải xem xét. LS Trần Thu Nam nhấn mạnh:
Việt Nam tham gia Công ước về quyền của trẻ em, thế thì việc bảo vệ ở đây đã được đặt ra hay chưa mà tại sao lại đưa ra một phán quyết nặng như vậy. Có nhất thiết phải phán quyết nặng đến thế không vì nó làm ảnh hưởng tới tương lai của đứa trẻ, ảnh hưởng tới tự do cũng như học tập
LS Trần Thu Nam
“ Việt Nam tham gia Công ước về quyền của trẻ em, thế thì việc bảo vệ ở đây đã được đặt ra hay chưa mà tại sao lại đưa ra một phán quyết nặng như vậy. Có nhất thiết phải phán quyết nặng đến thế không vì nó làm ảnh hưởng tới tương lai của đứa trẻ, ảnh hưởng tới tự do cũng như học tập, tất cả những vấn đề đó chúng ta cần phải cân nhắc cho kỹ .”
Đây là lần đầu tiên một trẻ vị thành niên ở Việt Nam bị kết án nặng hơn cha mẹ mình 1 năm, khi gia đình này chống đối đoàn cưỡng chế đất bằng bom xăng và a xít vào ngày 14/4/2015. Bản án ngày 24/11 dành cho em Tuấn là án sơ thẩm khi em ra tòa một mình về tội cố ý gây thương tích. Ngày 25/11/2015 Tòa án Tỉnh Long An xử chung thẩm đã y án bà Mai Thị Kim Hương mẹ em Tuấn bị 3 năm 6 tháng tù và ông Nguyễn Trung Can bị 3 năm tù. Hai ông bà ở trong số 12 người đã bị bắt và ra tòa sơ thẩm ngày 15 và 16/9/2015 vừa qua. Lúc đầu em Nguyễn Mai Trung Tuấn được nhà ngoại bảo lãnh cho về nhà. Tuy vậy Tuấn sau này đã bị bắt ở Bình Thuận theo lệnh truy nã và ra tòa Thạnh Hóa Long An hôm 24/11/2015.
Đền bù đất đai theo kiểu ăn cướp
Câu chuyện của em Nguyễn Mai Trung Tuấn và 12 người khác trong vụ chống đối cưỡng chế đất xảy ra ngày 14/4/2015 ở Thị trấn Thạnh Hóa Long An là câu chuyện chung của hàng chục ngàn dân oan mất đất ở Việt Nam. TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập một tổ chức xã hội dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ, nhận định:
Gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương – Nguyễn Trung Can cùng hai con là Nguyễn Mai Trung Tuấn, Nguyễn Mai Thảo Vy bên căn lều tạm bợ
Gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương – Nguyễn Trung Can cùng hai con là Nguyễn Mai Trung Tuấn, Nguyễn Mai Thảo Vy bên căn lềutạm bợ
“ Gốc của vấn đề nằm ở Hiến pháp, quyền sở hữu đất đai là thuộc toàn dân có nghĩa là thuộc nhà nước mà không có quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Một khi thuộc về toàn dân thuộc về nhà nước cũng có nghĩa thuộc về những tập đoàn những nhóm lợi ích hiện nay. Những nhóm lợi ích kinh tế lại móc xích với nhóm lợi ích chính trị và hai bên cùng ra chính sách để đền bù với giá rẻ mạt và sau đó bán ra thị trường với giá cao ngất có thể lên tới hàng chục lần hàng trăm lần. Tình hình Việt Nam cũng như ở Trung Quốc là đền bù đất đai rẻ mạt và gần như là cướp đất không của người dân.”
Báo chí chính thức cho biết vụ chống cưỡng chế ở Thạnh Hóa Long An là chống lại dự án giải tỏa đất để làm đê bao chống lũ. Gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn, từng giải thích là chống cưỡng chế vì tiền đền bù quá thấp chỉ 300.000 đồng/m2 trong khi chính quyền bán đất tái định cư ở khu vực liền kề với giá 25 triệu/m2. TS Phạm Chí Dũng nhận định về trường hợp này:
“ Theo tôi biết thì đối với bất kỳ loại đất nào và sử dụng cho mục đích gì thì nguyên tắc cũng phải là ngang giá thị trường khi đền bù. Chứ không thể lạm dụng lợi dụng chuyện các công trình công ích mà có thể đền bù thấp được. Cho nên việc này tôi cho là chính quyền địa phương ở Long An, cũng giống như chính quyền nhiều địa phương khác lợi dụng chính sách làm dự án công ích để đền bù với giá rất thấp. Nhưng mà cũng có rất nhiều trường hợp là những dự án công ích sau khi bị đền bù với giá thấp thì bị xẻ ra một phần làm công ích thôi. Có thể 60%-70% làm công ích trong khi đó sử dụng diện tích còn lại 30% tới 40% làm đất kinh doanh mà đất kinh doanh bán không hề rẻ một chút nào, có thể ngay ngày hôm sau người ta đến mua với giá cao hơn gấp 10 lần hoặc 20 lần như vậy. Thành thử ở đây là một sự lạm dụng và lợi dụng.”
Những nhóm lợi ích kinh tế lại móc xích với nhóm lợi ích chính trị và hai bên cùng ra chính sách để đền bù với giá rẻ mạt và sau đó bán ra thị trường với giá cao ngất có thể lên tới hàng chục lần hàng trăm lần. Tình hình Việt Nam cũng như ở Trung Quốc là đền bù đất đai rẻ mạt và gần như là cướp đất không của người dân
TS Phạm Chí Dũng
Trở lại tình tiết vụ cưỡng chế ngày 14/4/2015, Pháp Luật Thành Phố Online dẫn hồ sơ cáo trạng mô tả là vào ngày 14/4/2015 khi đoàn cưỡng chế tiến vào khu vực ba gia đình bị cưỡng chế gồm các hộ Nguyễn Trung Can, Nguyễn Thị Nhanh và Nguyễn Trung Tài ở thị trấn Thạnh Hóa Long An thì bị các gia đình này phản kháng chống đối, hất a xít vào cán bộ. Các báo cũng nói tới việc ném bom xăng nhưng không có một chi tiết nào mô tả việc này. Em Nguyễn Mai Trung Tuấn bị cáo buộc đã hất ca a xít làm bị thương ông Nguyễn Văn Thủy trưởng công an xã, tỷ lệ thương tích giám định là 35%.
Ngay sau khi tòa án huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An tuyên án sơ thẩm thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn 4 năm 6 tháng tù, em Nguyễn Mai Thảo Vy em gái của Tuấn đã phát biểu với Đài ACTD:
“ Cháu thấy bản án bất công đối với anh cháu, tại vì hành vi của anh cháu là hành vi bảo vệ gia đình, tự vệ. Khi cưỡng chế có hai chiếc xe tải chở từ 100 đến 200 cảnh sát cơ động đến ập vào nhà. Họ uy hiếp, đánh đập gia đình rất dã man. Anh Hai thấy họ bắt mẹ và đập đầu xuống đường nên anh Hai, với tư cách người con phải cứu mẹ. Hành động mà anh Hai tạt acid ông công an là để cứu mẹ thôi.”
Theo thông tin ghi nhận, nếu gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn quyết định ủy nhiệm luật sư kháng cáo trong hạn định 15 ngày kể từ ngày 24/11/2015, thì có hy vọng những lập luận của luật sư bào chữa được tòa trên tức Tòa án Nhân dân Tỉnh Long An lưu ý. Trong trường hợp này em Tuấn là người chưa thành niên. Thông thường chỉ chịu một nửa án phạt người lớn.
Trên các mạng xã hội, giới luật gia cũng đề cập tới vấn đề, nếu tòa xác định hành vi hất ca a xít của em Tuấn là không cố ý thì em không chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra nếu tỷ lệ thương tích của Trưởng công an xã Nguyễn Văn Thủy được giám định là 30% thay vì 35% thì Tuấn cũng thoát tội. Trong phiên xử sơ thẩm ngày 24/11/2015, Tòa đã bác yêu cầu của LS Nguyễn Văn Miếng xin triệu tập hai nhân viên giám định pháp y liên quan tới bản giám định
.

Không có nhận xét nào: