Pages

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

An ninh quốc gia: Chỉ được nghe lén sau khi đã khởi tố vụ án

Lần đầu tiên, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được thông qua bởi Quốc hội CSVN chứa đựng nội dung rất “nhạy cảm”: có biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt “nhằm tạo điều kiện cho cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, phức tạp về ma túy, rửa tiền, tham nhũng, khủng bố trong tình hình hiện nay”.
Dân biểu biểu quyết thông qua dự án luật. Ảnh VOV.
Theo luật này, chỉ sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng, đặc biệt là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Một trong những tội mà các biện pháp trên có thể được áp dụng là “xâm phạm an ninh quốc gia”. Nhưng đây cũng chính là lĩnh vực được quan niệm rất mơ hồ và vẫn thường bị các cơ quan an ninh lạm dụng lẫn lợi dụng.
Trong thực tế, rất nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền đã phát hiện máy điện thoại (di động lẫn cố định) của họ “có vấn đề”. Hiện tượng rất thường xảy ra là khi họ trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài hoặc trao đổi với nhau, điện thoại “bỗng dưng” ngắt. Ngắt không chỉ một lần mà nhiều lần. Tuy không thể có bằng chứng xác thực, nhưng mọi người cũng thừa hiểu hoặc trực tiếp cơ quan an ninh ở một cấp nào đó, hoặc cơ quan an ninh thông qua tổng đài điện thoại để tiến hành nghe lén những nội dung trao đổi trong giới đấu tranh dân chủ.
Cơ chế nghe lén trên tất nhiên không đếm xỉa gì đến điều kiện cần phải có một vụ án được khởi tố.
Còn nhớ trong buổi thảo luận của Thường vụ Quốc hội Việt Nam về dự án “Luật an toàn thông tin mạng” ngày 12/8/2015, lần đầu tiên một quan chức cao cấp là Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tiết lộ chuyện nghe lén của các “cơ quan đặc biệt”: “Ta trước đây chuyện này cũng nhiều, tôi được biết như thế. Nghe không sót ông nào. Cái nghe này rất nguy hiểm, mình nói dài dòng văn tự từ đầu đến cuối, nhưng họ trích cái đoạn nói khác ý của mình là chết, ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị. Tôi rất băn khoăn ở chỗ đó, nói thật với các đồng chí như thế”.
Nhưng “các đồng chí” không chỉ nghe lén. Bộ Công an suýt chút nữa đã thành công bằng văn bản có tên gọi “Thông tư 28”, ban hành vào tháng 8/2014, cho phép điều tra viên được ghi âm, ghi hình luật sư. Ngay sau khi dự thảo của thông tư này được công bố, Liên đoàn luật sư Việt Nam và báo giới đã phản ứng quyết liệt. Họ nêu ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy hành vi ghi âm, ghi hình là một cách đắc dụng nhằm xâm phạm quyền hành nghề của luật sư, mà thực chất là vi phạm nhân quyền. Cuối cùng, Bộ Công an đã phải ban hành quyết định hủy bỏ hành vi dự kiến đầy độc đoán và áp chế này.
Tuy nhiên, điều lạ lùng là Quốc hội CSVN đã hầu như không lên tiếng để bảo vệ giới luật sư hay báo chí, mà chỉ tỏ ra “bức xúc” khi lãnh đạo cao nhất của cơ quan dân cử này và nằm trong nhóm “tứ trụ” - ông Nguyễn Sinh Hùng - bị ai đó tung lên mạng băng ghi âm và cho rằng trong băng này là phần đối thoại của ông Hùng với ông Hà Văn Thắm - chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương (ông Thắm đã bị công an bắt từ tháng 10/2014).
Với quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền và người dân có quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện công ty điện thoại và có thể cả công an ra tòa, nếu có những bằng chứng về chuyện bị nghe lén, hay bị cản trở đàm thoại mà không kèm theo vụ án nào được khởi tố. 
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào: