Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Tướng Chung sẽ thành Chủ tịch Hà Nội?

Image copyrightOther
Image captionÔng Nguyễn Đức Chung, 48 tuổi, lên ghế Giám đốc Công an Hà Nội vào tháng 9/2012 khi đang mang quân hàm đại tá; Ông được phong hàm thiếu tướng ngày 13/7/2013
Thành phố Hà Nội xác nhận Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đồng ý giới thiệu ông Nguyễn Đức Chung - Phó Bí thư Thành ủy - Giám đốc Công an TP Hà Nội vào chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Ngày 4/12, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội sẽ tổ chức bỏ phiếu với ông Chung là ứng viên duy nhất.

Tại buổi họp báo chiều 27/11, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố, cho biết:
"Lần này chỉ có một chức vụ đó là chức vụ Chủ tịch UBND do đồng chí Nguyễn Thế Thảo đã có đơn xin thôi giữ chức vụ, và đã được Trung ương đồng ý."
Ông Nguyễn Đức Chung đã được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội hôm 3/11.
Khi đó, truyền thông cũng công bố tin ông Chung sẽ được giới thiệu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói việc công bố thông tin này “cũng không hẳn quá sớm, cũng không phải muộn, cứ xong Đại hội là có thể nói được”.

Quy hoạch nhân sự chủ chốt cho Hà Nội

Giới chức Hà Nội nói việc ông Nguyễn Đức Chung có trúng cử chức danh Chủ tịch UBND hay không là do HĐND bỏ phiếu quyết định.
Tuy vậy, với việc Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản, đã đồng ý phương án nhân sự, gần như chắc chắn ông Chung sẽ được bầu làm Chủ tịch thành phố tại phiên họp của Hội đồng Nhân dân thành phố.
Nếu trở thành Chủ tịch Hà Nội, đây cũng là cơ sở để ông Chung được bầu vào Ban chấp hành trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tới đây.
Image copyrightvietnamnet
Image captionChủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đệ đơn xin thôi chức vào lúc sắp mãn nhiệm
Việc giới thiệu người của cơ quan đảng, như giải thích của Bí thư Thành ủy sắp mãn nhiệm Phạm Quang Nghị, là "nằm trong quy hoạch chuẩn bị nhân sự của thành phố", trong lúc việc đưa ra Hội đồng Nhân dân bầu chỉ là "thủ tục, quy trình tiếp theo".
Là thủ đô, Hà Nội nắm vai trò chính trị đặc biệt quan trọng và việc đưa người vào các vị trí chủ chốt như bí thư thành ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân đòi hỏi phải có sự chuẩn thuận từ các cấp lãnh đạo cao nhất.
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP GETTY
Image captionHiện chưa rõ ai sẽ là người thay thế ông Phạm Quang Nghị; Hà Nội là một trong hai thành phố duy nhất, cùng TP Hồ Chí Minh, không bầu bí thư trong kỳ Đại hội Đảng bộ
Một vị trí chủ chốt nữa của thành phố cũng cần được chốt lại sau Đại hội Đảng 12 là chức Bí thư Thành ủy.
Kỳ Đại hội Đảng bộ Hà Nội vừa qua bầu bốn phó bí thứ nhưng không bầu người thay thế ông Phạm Quang Nghị vì chức này sẽ do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định sau Đại hội Đảng 12.
Người trở thành tân Bí thư Thành ủy sẽ không nằm trong số các thành viên Ban chấp hành Đảng bộ hay các phó bí thư mới được bầu, theo tuyên bố của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Không có nhận xét nào: