Pages

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Đảng cộng sản Việt Nam liệu sẽ chấp nhận sự đa nguyên?

Kính Hòa, phóng viên RFA

Sáng 9-11, tại Trụ sở Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn


Sáng 9-11, tại Trụ sở Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước...
 Photo Dang Khoa/nhandan.com

Ngày 9/11 báo chí Việt Nam đưa tin là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban tuyên giáo Trung ương, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, báo Nhân dân đã tổ chức một cuộc hội thảo trong đó có nói về vai trò của người Việt ở hải ngoại. Trong cuộc hội thảo này đã có ý kiến đề nghị cho người Việt ở hải ngoại được tham dự bầu cử và ứng cử tại Việt nam. Liệu đây có phải là một tín hiệu cho thấy đảng cộng sản Việt Nam sẽ chấp nhận sự đa nguyên chính trị trong tương lai?



Cũng trong khoảng thời gian diễn ra cuộc cuộc hội thảo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban tuyên giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh, hiện sống và làm việc ở Canada cho biết ông nhận được điện thoại từ một lãnh đạo rất cao cấp của đảng cộng sản Việt nam, đề nghị cho biết ý kiến về tiến trình dân chủ tại Miến Điện sau khi đảng đối lập thắng lớn. Luật sư Khanh cho biết thêm là cuối buổi nói chuyện, vị lãnh đạo Việt Nam nói rằng ông hy vọng một ngày không xa luật sư Khanh có thể ra tranh cử tại Việt Nam.
Luật sư Khanh nói với chúng tôi rằng:
“Tôi nghĩ rằng chính phủ Hà nội cũng đã có những kế hoạch để mở rộng cái khung chính trị ở Việt Nam, để mà có thể cho một số người Việt ở nước ngoài tham gia vào chính trường Việt Nam.”
Một nhà hoạt động xã hội dân sự trong nước là Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về những lời phát biểu được báo chí Việt Nam trích dẫn trong buổi hội thảo của Mặt trận Tổ quốc:
“Nếu mà có một sự việc như thế diễn ra thì chắc chắn nó là một sự cởi mở hơn. Thực tiễn nó diễn ra như thế nào thì phải đến lúc đấy mới đánh giá được. Nhưng mà ý đồ như thế mà được nói ra thì tôi cho rằng cũng là ý cở mở.”
Ngoài ra Tiến sĩ Nguyễn Quang A còn nói rằng chuyện cho những người Việt sống ở nước ngoài nhưng vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam tham gia bầu cử là một việc đương nhiên.
Trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam, cũng đã có một số người Việt ở nước ngoài hồi hương hoạt động trong nhiều lãnh vực. Một số cũng có mặt trong guồng máy nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo như ông Lương Văn Lý làm trong ngành ngoại giao tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Trân là đại biểu Quốc hội trong vài nhiệm kỳ.
Việc mà đảng cộng sản VN có cởi mở hay không, đặc biệt là về phương diện chính trị, thì tôi cho rằng điều then chốt là điều 4 Hiến pháp. Ngày nào mà họ còn duy trì điều bốn Hiến pháp, tức là ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo duy nhất của đất nước và xã hội, thì những sự cởi mở, theo tôi chỉ là những vấn đề tạm bợ
Ông Lý Thái Hùng
Nhưng cả hai người này đều là đảng viên cộng sản.
Trong bài phát biểu tại cuộc hội thảo của Mặt trận Tổ quốc, một người tham gia hội thảo là Tiến sĩ Bùi Đình Phong có nói rằng cần xóa bỏ những phân biệt đối xử về quá khứ, về giai cấp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:
“Nếu chỉ là của một hội nghị của Mặt trận (Tổ quốc) mà người ta chỉ nêu ý kiến thì tôi nghĩ có thể chỉ là ý kiến của một người nào đấy. Tuy rằng nó có thể phản ánh một xu hướng cởi mở hơn nào đó, nhưng mà nếu chưa có một qui định pháp lý nào thì tôi cho là cũng khó để mà đánh giá.”
Ông Lý Thái Hùng, sống tại Mỹ, hiện là Tổng bí thư đảng Việt Tân, một đảng chính trị lớn của người Việt ở hải ngoại cho rằng
“Việc mà đảng cộng sản Việt Nam có cởi mở hay không, đặc biệt là về phương diện chính trị, thì tôi cho rằng điều then chốt là điều 4 Hiến pháp. Ngày nào mà họ còn duy trì điều bốn Hiến pháp, tức là đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất của đất nước và xã hội, thì những sự cởi mở, theo tôi chỉ là những vấn đề tạm bợ để mà giải quyết những nhu cầu khó khăn của chế độ liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội. Kể cả việc mà họ công nhận một số những người từ hải ngoại về, để tham chính hay tranh cử ở một chức vụ nào đó ở Quốc hội hay chính quyền, thì tôi nghĩ nó cũng chỉ là những biểu tượng để dùng nó mà tuyên truyền.”

Từ trái ông Lý Thái Hùng - Ông Nguyễn Quang A - ông Vũ Đức Khanh

Từ trái ông Lý Thái Hùng - Ông Nguyễn Quang A - ông Vũ Đức Khanh


Theo Luật sư Vũ Đức Khanh thì đảng cộng sản Việt Nam đang tìm cách “giải độc” hình ảnh về họ ở hải ngoại, đặc biệt là đối với cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ, nơi đổ về Việt nam một lượng kiều hối rất lớn, và Hoa Kỳ cũng là quốc gia mà Việt Nam mong muốn xây dựng những quan hệ tốt đẹp.
Khi nói về quan hệ sắp tới giữa đảng cộng sản và những người Việt Nam khác chính kiến với họ, đặc biệt là ở hải ngoại, Luật sư Khanh nói tiếp:
“Việt Nam phải làm lành với quá khứ. Trong tương lai chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt của những người khác, cả những người cộng sản lẫn quốc gia, và những người có những tư tưởng khác nữa. Người quốc gia thường hay lo ngại nói rằng người cộng sản quá mưu mô xảo quyệt, từ năm 1945 cho đến nay, cho nên họ rất ngại khi có tiếp xúc với những người cộng sản. Tôi nghĩ là chúng ta nên nhớ rằng 70 năm đã trôi qua, thời điểm 2015 hoàn toàn khác, Việt Nam cũng như thế giới. Đảng cộng sản Việt nam không còn là ma quỉ giống như thời kỳ trước đây nữa. Cho nên chúng ta cũng cần phải mạnh dạn tiếp xúc với những người từ phía đảng cộng sản Việt nam để mà có thể tháo gỡ những khó khăn của Việt Nam hiện tại.”
Việt nam phải làm lành với quá khứ. Trong tương lai chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt của những người khác, cả những người cộng sản lẫn quốc gia, và những người có những tư tưởng khác nữa
Luật sư Vũ Đức Khanh
Ông Lý Thái Hùng thì nghi ngờ hơn, đánh giá về sự thay đổi của đảng cộng sản ông cho rằng:
“Đương nhiên đảng cộng sản Việt Nam họ có những thay đổi về bề mặt, nhưng mà thực tế bên trong họ vẫn cố gắng làm sao để duy trì một lực lượng chính trị duy nhất để thống trị trên toàn đất nước. Cho nên trong bối cảnh (tương lai) mà Việt Nam có tự do dân chủ thì đảng Việt Tân sẽ hoạt động với các lực lượng chính trị khác, trong đó có đảng cộng sản hay không thì nó tùy thuộc rất nhiều vào bối cảnh chính trị lúc đó với lá phiếu chọn lựa của người dân.”
Trở lại với cuộc trao đổi giữa Luật sư Khanh và vị lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản Việt nam, ông Khanh có nhận xét:
Có một sự chân thành, nhưng mà đây là trong lĩnh vực chính trị nên chúng ta cũng không biết lấy cái gì mà đo. Nhưng mà bất cứ sự thay đổi nào về cấu trúc chính trị của Việt Nam, đều phải có sự chân thành của tất cả các bên. Nếu chúng ta không vượt qua được sự nghi kỵ thì không đạt được đến điểm nào cả.”
Ngoài ra ông Khanh, hiện là Phó Tổng thư ký của Đảng dân chủ Việt Nam phụ trách ngoại giao, còn cho biết là mặc dầu không có tuyên bố chính thức nào nhưng khả năng là có những cuộc tiếp xúc giữa đảng cộng sản và các khuynh hướng chính trị khác tại hải ngoại.
Trong biến chuyển chính trị ở Đông Âu 26 năm trước cũng đã có tiền lệ là các đảng cộng sản Đông Âu có duy trì sự tiếp xúc với các thành phần đối lập. Tiến sĩ Nguyễn Quang A người sống và học tập lâu năm ở Hungary xác nhận với chúng tôi là ở quốc gia này đã có những quan hệ như thế, đặc biệt ông cho biết là vào năm 1987 đã có 1 buổi họp quan trọng của các thành phần trí thức đối lập, trong đó có sự tham dự của người lãnh đạo đảng cộng sản lúc đó.
Ông Lý Thái Hùng thì nói là ông chưa biết là có những cuộc tiếp xúc như vậy giữa đảng cộng sản hiện nay với các thành phần đối lập về chính kiến ở hải ngoại hay không, nhưng ông cho rằng đó là điều có thể xảy ra khi đảng cộng sản lâm vào khủng hoảng, phải thay đổi
.

Không có nhận xét nào: