Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Song Chi - Môn Sử-đừng đi từ sai lầm này sang sai lầm khác

Những ngày qua, dư luận từ báo chí trong nước cho tới báo chí người Việt ở nước ngoài, các trang blog, trang mạng xã hội…đều có những bài viết, ý kiến tranh luận khá gay gắt xung quanh việc Bộ Giáo dục-Đào tạo có ý định tích hợp Lịch sử với Giáo dục đạo đức và Quốc phòng an ninh thành môn Công dân với Tổ quốc ở bậc trung học phổ thông. Những ý kiến cố bênh vực cái gọi là đổi mới môn lịch sử cũng có, chủ yếu từ những người thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo và những người đã soạn thảo chương trình, nhưng những ý kiến chỉ trích, không đồng thuận càng nhiều gấp bội.

Trong bài “Tích hợp môn lịch sử: Bộ GD-ĐT bị chỉ trích dữ dội”, Báo Người Lao Động viết:

“Việc cắt ghép, tích hợp môn lịch sử là hết sức tùy tiện, chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. Nhiều chuyên gia và giáo viên lịch sử khẳng định không thể dạy được môn lịch sử kiểu tích hợp như vậy.

Những bức xúc của các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên lịch sử bị dồn nén bấy lâu đã được “trút” ra tại hội thảo “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15-11 ở Hà Nội. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều, căng thẳng đến mức PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Ban Tuyên giáo trung ương, phải thốt lên: “Tôi từng điều hành nhiều hội thảo nhưng chưa hội thảo nào như hội thảo này”…”

Một câu hỏi rất cũ: Vì sao học sinh không thích học môn Sử?

Thực tế ai đã từng học hoặc có con, em đi học dưới mái trường “xã hội chủ nghĩa” VN đều biết một sự thật là từ nhiều năm nay, môn Sử đã trở thành một môn học khô khan, chán ngán đối với các em học sinh từ tiểu học cho tới trung học cơ sở, trung học phổ thông. Tại sao vậy? Đó là do chủ trương, quan niệm dạy môn Sử dưới cái nhìn/ lăng kính của đảng và nhà nước cộng sản VN, dạy Sử với tính chất tuyên truyền một chiều, không tôn trọng sự thật, tôn trọng tính khoa học của bộ môn lịch sử, thậm chí bóp méo, cắt xén, che dấu sự thật, dạy Sử với tâm thế đặt nặng tính chính trị lên trên tất cả. Từ nội dung, cách soạn thảo chương trình, quan điểm nhìn nhận đánh giá mọi sự việc trong lịch sử, cho tới cách dạy, cách học, cách kiểm tra…

Đó là chưa kể việc coi nhẹ lịch sử nước nhà, lịch sử của dân tộc, chỉ coi trọng lịch sử đảng cộng sản nên trong chương trình suốt những năm học từ trung học cơ sở cho tới trung học phổ thông, lịch sử đảng cộng sản VN chiếm phần lớn chương trình, trong khi lẽ ra phải là ngược lại, vì sự tồn tại của đảng cộng sản VN cho tới nay chỉ mới mấy mươi năm trong suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nội dung thì khô khan toàn những con số, số liệu ngày tháng, trận đánh, lúc nào cũng là ta thắng địch thua…khó tiếp thu, khó nhớ. Dạy thì nhồi nhét không cho phép học sinh được tranh luận, tranh cãi. Học theo kiểu học vẹt để trả bài, để đi thi, thi xong thì cũng vừa “chữ thầy trả hết cho thầy”.

Đó là chưa kể phần lịch sử loài người từ thời ăn lông ở lỗ xa xưa thì có học, nhưng lịch sử thế giới cận đại và đương đại với biết bao nhiêu biến cố, sự kiện, trong đó có những sự kiện ảnh hưởng tới lịch sử đất nước VN, thì học sinh không được học bao nhiêu. Cho nên học sinh VN khi học xong bậc trung học gần như mù tịt về lịch sử thế giới.

Bản thân người viết bài này khi còn đi học ở bậc tiểu học rất thích môn quốc sử dưới thời VNCH vì những câu chuyện hấp dẫn mà hào hùng về lịch sử VN. Từ chuyện Bà Triệu tức Triệu Ẩu, Triệu Thị Trinh cưỡi voi đánh giặc với câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”; Hai Bà Trưng chống quân Hán “trả thù nhà đền nợ nước”; Trần Quốc Toản bóp nát trái cam vì giận không được dự hội nghị Bình Than của Vua Trần để bàn kế chống quân Nguyên, về sau khởi nghĩa dưới lá cờ "Phá cường địch, báo hoàng ân"; danh tướng Trần Bình Trọng với câu nói khẳng khái khi rơi vào tay giặc Nguyên“Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”; Lê Lợi mười năm nằm gai nếm mật đánh quân Minh; Nguyễn Trãi, một nhà quân sư lớn, nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa lớn của VN và nỗi oan ngút trời vụ án Lệ Chi Viên; Trần Hưng Đạo tức Hưng Đạo Vương, nhà chính trị, Tư lệnh tối cao của Việt Nam thời nhà Trần, 3 lần đẩy lùi cuộc xâm lược của quân Mông Cổ và về sau là quân Mông-Nguyên ở thế kỷ 13; danh tướng Lý Thường Kiệt có công lớn trong việc đánh bại quân nhà Tống vào thế kỷ thứ XI, người được cho là đã viết ra bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ("Nam Quốc Sơn Hà") v.v và v.v…

Có thể nói lịch sử VN suốt mấy ngàn năm là lịch sử viết bằng máu của một dân tộc thường xuyên phải đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm, và trước kia, thời nào chúng ta cũng có những anh hùng, những nhân cách lớn để con cháu đời sau mãi mãi tự hào.

Từ khi lên cấp hai, tức năm 1975, người viết bài này bắt đầu đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa VN, sau đó nhiều năm lại là phụ huynh học sinh có con theo học trung học ở VN, nên rất hiểu vì sao môn Sử không được phần lớn học sinh VN bây giờ yêu thích. Mà không chỉ riêng môn Sử, các bộ môn khoa học xã hội như Địa lý, Ngữ Văn cũng bị các em chán ghét bởi cũng nặng tính chính trị, tuyên truyền. Từ khi chia ban ở bậc trung học phổ thông thì ban C (Văn, Sử, Địa) luôn luôn có số lượng học sinh đăng ký học ít nhất, dù ở một số trường, nhà trường đã có những biện pháp ưu ái riêng cho học sinh theo học ban này. Khi đăng ký thi đại học thì những ngành thuộc Ban C hay những ngành khoa học xã hội cũng rất ít thí sinh so với những ngành như Y, Dược, Kinh Tế, Ngoại thương, Ngoại ngữ…Một phần vì những ngành này dễ kiếm việc, lương cao hơn.

Còn nhớ trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2011, có hàng ngàn điểm 0 môn Lịch Sử. Nhưng khi trả lời báo chí, ông Bộ trưởng Bộ giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận lại cho rằng việc này là bình thường. (“Hàng ngàn điểm 0 là bình thưởng”, báo Tuổi Trẻ). Theo ông Luận:

“Cuộc sống hiện đại ngày hôm nay với những đòi hỏi thay đổi cũng là một nguyên nhân khiến môn lịch sử trở nên kém hấp dẫn đối với người học. Khi mà khoa học lịch sử có tiếng nói ít trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít đi thì môn sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác.

Điều này không chỉ có ở VN, cũng không chỉ ở châu Á. Đó là câu chuyện của thời đại và của cả thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ; do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động.” (“Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử”, Thanh Niên).

Từ kỳ thi đó đến nay tình hình học và dạy môn Sử vẫn không có gì khá hơn. Mới đây nhất trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vào tháng 7.2015 khi môn Sử là môn tự chọn, không bắt buộc, tình hình ra sao?: “Những điểm trường chỉ có một thí sinh thi môn Sử” (VNExpress), “66 cán bộ, nhân viên phục vụ 1 thí sinh làm bài thi môn Lịch sử” (Dân trí), “Sáng nay hàng loạt điểm thi đóng cửa không có thí sinh thi Sử “ (kênh 14)…

Và nếu gõ google cụm từ “vì sao học sinh chán học môn lịch sử” sẽ cho ra hàng loạt bài viết về vấn đề này.

Trở lại câu trả lời của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận năm nào rằng việc môn sử không hấp dẫn học sinh như các môn khác không chỉ ở VN, không chỉ ở châu Á mà là “câu chuyện của thời đại”. Không biết ông Bộ trưởng và các quan chức, những người soạn thảo chương trình giáo khoa ở VN đã có bao giờ bỏ công đi tìm hiểu tình hình dạy và học môn Sử bậc phổ thông ở các nước phát triển, có nền giáo dục tiên tiến bao giờ chưa? Nếu có chắc ông không dám “phán” như vậy.

Sự thật là ở các nước tự do dân chủ, có nền giáo dục được đánh giá tốt, các bộ môn khoa học xã hội nhân văn nói chung và môn Sử nói riêng vẫn rất được học sinh yêu thích, say mê học. Con gái tôi khi theo học chương trình tú tài quốc tế (International Baccalaureate Diploma Programme) tại Na Uy, đã tỏ ra rất hào hứng, thích thú với các môn khoa học xã hội trong đó có môn Sử, và nói rằng đến bây giờ mới được học Sử thế giới một cách đàng hoàng, tử tế, từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, các chế độ phát xít, Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh lạnh, sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN ở các nước Đông Âu cũ….cho tới những sự kiện gần đây của thế giới. Các sự kiện được trình bày một cách logic, khoa học, trong chương trình có vài cuốn sách khác nhau với những góc nhìn, quan điểm khác nhau, ngoài ra, học sinh được khuyến khích tìm đọc thêm nhiều sách bên ngoài, được quyền hoài nghi, được đặt mọi câu hỏi không tránh né, tranh luận, thuyết trình v.v…Môn Sử vì thế trở nên rất hấp dẫn.

Và ở các nước, sách giáo khoa cập nhật rất nhanh với tình hình thực tế. Vụ khủng bố kép do kẻ cực hữu Anders Behring Breivik gây ra vào ngày 22.7.2011 đã được đưa vào chương trình giáo dục ở Na Uy chỉ sau đó một thời gian là một ví dụ.

Còn ở VN, bao nhiêu năm qua rồi nhưng cái nhìn lạc hậu về các triều đình nhà Nguyễn cho tới cuộc chiến tranh VN vẫn giữ nguyên không đổi, còn những cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979, 1984, 1988, cuộc chiến Hoàng Sa, Trường Sa, cả chủ quyền của VN đối với những hòn đảo này, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Khơ-me Đỏ cho tới tình hình thế giới, tình hình biển Đông hiện nay…đều chưa được cập nhật đầy đủ. Chả bù cho Trung Cộng ra sức tuyên truyền, giáo dục cho người dân nước họ và cả thế giới về chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc ở vùng biển Đông thì VN, ngược lại, hết sức chậm chạp từ giáo dục cho tới tuyên truyền vận động bên ngoài.

Cho nên vấn đề không phải là đổi mới môn Sử theo kiểu tích hợp môn Sử với hai bộ môn còn khô khan hơn nữa là Giáo dục đạo đức và Quốc phòng an ninh thành môn Công dân với Tổ quốc, làm như thế chỉ càng khiến môn Sử bị coi nhẹ hơn, nặng tính tuyên truyền, tính chính trị hơn và học sinh càng chán hơn. Mà là thay đổi nội dung, quan điểm, cách đánh giá sự kiện, cách dạy, cách học. Nhưng như thế thì phải bảo đảm sự thật lịch sử, mà đó lại là điều tối kỵ với đảng và nhà nước cộng sản VN vì lịch sử đối với họ là nhào nặn, dối trá, ngu dân.

Vì sao nhiều ý kiến phản đối?

Không phải vô cớ mà nhiểu người giận dữ, quan ngại trước dự thảo chương trình tích hợp môn Sử của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Trước hết từ thực trạng môn Sử bị học sinh chán học lâu nay khiến người ta càng thêm lo ngại việc tích hợp theo kiểu này chỉ khiến cho môn Sử bị chán ghét hơn. Thứ hai, sự thiếu lòng tin vào Bộ Giáo dục-Đào tạo và những cái gọi là cải cách, đổi mới chương trình như từ trước đến nay. Và cuối cùng, quan trọng nhất, xuất phát từ hoàn cảnh, tình thế của đất nước hiện tại. VN đã và luôn luôn đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc mọi mặt vào Trung Quốc, bị Trung Quốc không chế, xâm lăng từ văn hóa chính trị cho tới độc lập, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải. Giữa lúc này người VN, ngay từ thế hệ trẻ càng cần phải được hun đúc tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ đất nước, phẩm chất công dân…hơn bao giờ hết, và không có bộ môn nào làm tốt điều này hơn môn Sử. Thậm chí, có những ý kiến gay gắt đến mức còn cho rằng những ai nghĩ ra hoặc ủng hộ dự án đổi mới môn Sử theo kiểu này là có tội với tổ tiên, là tiếp tay cho âm mưu làm cho giới trẻ quên mất lịch sử nước nhà để dễ bề bị Hán hóa v.v…

Mà cũng đúng. Nếu chúng ta nhìn thấy phần đông giới trẻ VN hiện nay thiếu hụt kiến thức về lịch sử nước nhà, thờ ơ với chính trị, với vận mệnh đất nước ra sao. Và không chỉ giới trẻ. Ngay một số quan chức cán bộ hay những người gọi là có ăn có học, có bằng cấp còn phát biểu những câu hết sức vô cảm về đất nước, vô cảm trước những gì Trung Cộng đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành với VN. Đó là hậu quả nhãn tiền của cách dạy Sử sai lầm dưới mái trường xã hội chủ nghĩa VN bao lâu nay. Vậy thì các quan chức trong ngành Giáo dục và những người soạn thảo chương trình, đừng đi từ sai lầm này sang sai lầm khác nữa!

Song Chi

(Blog RFA)

Không có nhận xét nào: