Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Biển Hoa Đông: Không quân Trung Quốc thị uy, phi cơ Nhật nghênh chiến

mediaChiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc. Ảnh chụp nhân cuộc thao diễn chung với Thái Lan, ngày 24/11/2015.Reuters
Nhật Bản hôm 27/11/2015 đã cho các phi cơ tiêm kích cất cánh khẩn cấp sau khi một phi đội gồm 11 chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát các đảo trên Biển Hoa Đông, mà Bắc Kinh nói là "diễn tập".




Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, gồm tám oanh tạc cơ và ba phi cơ trinh sát, hôm qua đã lướt gần Miyako và Okinawa tuy chưa xâm phạm không phận Nhật Bản. Theo Bộ Quốc phòng Nhật, một số chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay vào giữa hai hòn đảo này, số khác bay sát các đảo kế cận.
Ông Thân Tiến Khoa (Shen Jinke), phát ngôn viên không quân Trung Quốc tuyên bố nhiều loại máy bay, trong đó có oanh tạc cơ H-6K, hôm qua đã tham gia hoạt động được gọi là « diễn tập » trên bầu trời phía tây Thái Bình Dương. Tân Hoa Xã dẫn lời ông này nói rằng, các cuộc tập trận ngoài khơi giúp cải thiện khả năng chiến đấu tầm xa của phi cơ Trung Quốc.
Nhật báo Yomiuri Shimbun nhận định, điều bất thường là Trung Quốc lại điều cả một phi đội đông đảo như vậy bay sát không phận Nhật Bản, và Bộ Quốc phòng Nhật đang phân tích để tìm hiểu mục đích của Bắc Kinh.
Nhật Bản hàng năm phải cho các phi cơ tiêm kích cất cánh khẩn cấp hàng trăm lần để bảo vệ không phận của mình trước Trung Quốc và cả với Nga.
Sự cố này diễn ra tại Biển Hoa Đông trong lúc tình hình vẫn đang nóng lên ở Biển Đông, sau khi Hoa Kỳ cho chiến hạm USS Lassen đi vào trong vùng 12 hải lý gần đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa. Trung Quốc tự cho là có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ luôn bác bỏ các yêu sách đó. Để tìm cách xác quyết chủ quyền, từ một năm qua Trung Quốc đã ồ ạt đào đắp các rạn san hô thành đảo nhân tạo, xây lên hải cảng, phi đạo và nhiều công trình kiên cố.
Trong bối cảnh căng thẳng với các nước láng giềng, Trung Quốc đang chuẩn bị cải tổ quân đội với việc tăng cường sự kiểm soát của đảng, giảm bớt 300.000 quân. Ông Mathieu Duchâtel, phó giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội đồng Châu Âu nhận định :
« Đây không phải là việc giảm quân số quy mô nhất trong lịch sử đương đại. Tuy nhiên nó còn đi xa hơn so với tất cả những gì chúng ta biết được từ trước đến nay, đó là việc tổ chức lại trong nội bộ quân đội.
Số lượng các quân khu sẽ giảm, từ bảy còn bốn quân khu : Bắc, Nam, Đông, Tây. Có hai mục tiêu, trong đó mục tiêu chính là hiện đại hóa quân đội. Điều này không có gì mới, từ ba chục năm qua Trung Quốc đã tích lũy được nhiều nguồn lực, ngân sách, có được sự ủng hộ về chính trị trong việc hiện đại hóa đội quân của mình.
Thử thách lớn thứ hai của cải cách là có được những cơ quan kiểm toán, giám sát, kiểm soát chi tiêu, đấu tranh chống tham nhũng - mà ai cũng biết là quy mô lớn như thế nào trong quân đội.
Vấn đề an ninh là ưu tiên tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, hồ sơ Đài Loan luôn đè nặng lên chính sách đối ngoại của Trung Quốc, rồi sự cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ…tất cả đều đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Và hiện đại hóa thì cần phải chi tiêu, mua sắm, cải tổ cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn. »

Không có nhận xét nào: