Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

“Đại bác” Tập Cận Bình và họng pháo chĩa vào tàu Việt Nam

Hải Võ
H1
Tập Cận Bình. Ảnh: Soha
Hôm 13/11, tàu tiếp tế Hải Đăng 05 của Việt Nam đã bị tàu chiến số 995 của Trung Quốc vây ép và chĩa súng khi đi qua khu vực đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế công kích chưa từng thấy
Thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 Trần Văn Nga cho biết, khoảng 9h30 sáng 13/11, khi tàu tiếp tế này đi ngang qua bãi đá Xu Bi (bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép-PV) khoảng 12 hải lý thì Trung Quốc điều một tàu nhỏ ra đuổi.

Đến khoảng 11h cùng ngày, hai tàu hải cảnh số hiệu 2305 và 35115 của Trung Quốc xuất hiện và tổ chức vây ép từ mũi và đuôi tàu Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Kiều Tỉnh – nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh và Hồng Kông – chỉ ra, vụ việc diễn ra trong thời điểm chỉ 1 tuần sau chuyến thăm Việt Nam, Singapore của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (5-7/11) và trước thềm các hội nghị cấp cao ở Đông Nam Á từ 18/11.
Ông Kiều Tỉnh phân tích: “Vừa rời Việt Nam ngày 6/11 thì ngày 7/11 ông Tập Cận Bình tuyên bố ở Singapore rằng ‘các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại, và chính phủ Trung Quốc phải nhận trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích hàng hải hợp pháp’.
Sau đó, từ 12 đến 14/11 thì Trung Quốc cho hàng trăm tàu cá ra vây 5 tàu cá Việt Nam, phá nát hơn 40 tấm lưới ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Vụ tàu Trung Quốc vây ép và chĩa súng vào tàu tiếp tế Việt Nam cũng xảy ra trong thời gian này.
Trung Quốc ngụy biện đây là vùng biển ‘mập mờ, không rõ’ nên khó tránh va chạm đáng tiếc. Nhưng thực tế, đây là hành động có ý đồ, có hệ thống và vẫn diễn ra thường xuyên, tuân theo chiến lược chung của Bắc Kinh tại biển Đông.”
Trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường – Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) – cho rằng tuyên bố trên của ông Tập “là luận điểm quan trọng nhất mà Trung Quốc sử dụng”.
Theo ông Trường, bối cảnh cộng đồng quốc tế chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực đã khiến đích thân người đứng đầu nhà nước Trung Quốc phải nhiều lần nhắc lại luận điệu vô căn cứ này trong thời gian qua.
“Trung Quốc đã phải dùng đến ‘đại bác’ (Tập Cận Bình-PV) để củng cố những lập luận sai trái của mình trước đây,” Tiến sĩ Trường đánh giá về phát ngôn của ông Tập tại Singapore hôm 7/11.
Quan trọng hơn, chuyên gia Kiều Tỉnh nhận định trong bối cảnh quốc tế thời gian qua, nhất là trước Hội nghị thượng đỉnh APEC (18-19/11) tại Philippines, Bắc Kinh đã phải tìm cách thỏa thuận để vấn đề biển Đông không lên bàn nghị sự.
“Nước chủ nhà APEC Philippines thỏa thuận với Trung Quốc không nêu vấn đề biển Đông trong chương trình nghị sự, nhưng rất nhiều nước đều nêu vấn đề này. Điều này khiến ông Tập Cận Bình bị cô lập và khó chịu.
Ngoài ra, khi đoàn Việt Nam sang tham dự hội nghị APEC tại Manila, ta và Philippines đã ký văn kiện nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.”
Ông nói thêm: “Còn hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra sau đó tại Malaysia mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đi dự được truyền thông quốc tế bình luận là thắng lợi lớn của ASEAN.
Lý do bởi lần đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị này, Trung Quốc đã bị tất cả các lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương công kích về vấn đề biển Đông.
Trong đó, Bắc Kinh bị chỉ trích về việc không tuân thủ luật pháp quốc tế, làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải trên biển Đông.”
Tham gia các hội nghị cấp cao khu vực này, Mỹ và đồng minh thân cận đều tuyên bố “mạnh tay” hỗ trợ các nước Đông Nam Á.
Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ 119 triệu USD để giúp ASEAN tăng cường an ninh trên biển trong năm tài chính 2015 và thêm 140 triệu USD trong 12 tháng tới. Mỹ cũng tái khởi động hoạt động tuần tra trên biển Đông.
H1
Bắc Kinh “ngôn hành bất nhất” chẳng có gì lạ
Trong bối cảnh Bắc Kinh bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế châu Á-Thái Bình Dương về vấn đề biển Đông mà “đại bác” Tập Cận Bình đã phải “mở loa”, sự kết hợp của quân đội nước này bằng các “họng pháo thật” uy hiếp, đe dọa sai trái tàu thuyền láng giềng trên biển Đông không khó giải thích.
Ông Kiều Tỉnh đánh giá trong bối cảnh như vậy, có thể lý giải được động cơ hành động ngang ngược, phi pháp những ngày qua của Trung Quốc, bên cạnh ý đồ lớn của Bắc Kinh.
Ông cho biết: “Trước sự cô lập của cộng đồng quốc tế, tuyên bố mạnh miệng của Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tại EAS bao biện cho các hành động trái phép trên biển Đông cũng chỉ để có lệ và ‘nhai lại’ luận điệu cũ.”
“Chính quyền Trung Quốc có quyền và khả năng giành lại những quần đảo, rạn san hô bị các nước láng giềng chiếm đóng trái phép. Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Chúng tôi đã kiềm chế rất nhiều vì mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông,” Lưu Chấn Dân lớn tiếng tại EAS.
“Phản ứng này không có gì đặc biệt hay mới mẻ, chủ yếu nhằm phát đi thông điệp thách thức rằng ‘Trung Quốc làm gì thì vẫn sẽ tiếp tục làm’,” ông Kiều Tỉnh nhận xét.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Kiều Tỉnh, một vấn đề nữa cũng khiến Bắc Kinh bất mãn trong thời gian qua là việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã bị “tụt hậu” trước Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cũng cho rằng việc Trung Quốc hành động trái với những tuyên bố hữu hảo với Việt Nam như vụ chĩa súng vào tàu tiếp tế hôm 13/11 không còn là điều lạ lẫm.
Theo ông Trường: “Trước sau gì Trung Quốc cũng gây hấn và tìm cách chiếm những con đường biển giao thông, tiếp tế của ta. Điều này đã nằm trong ý đồ của Bắc Kinh và họ sẽ tiếp tục nếu không có sức ép từ cộng đồng quốc tế để ngăn chặn.”
Ông Kiều Tỉnh bổ sung: “Từ trước đến nay Trung Quốc vẫn hành động kiểu ‘ngôn hành bất nhất’ như vậy và chính truyền thông của họ cũng quan ngại về điều này.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 15/10/2011, hai bên đã thỏa thuận 6 điểm về Biển Đông thì tới tháng 6/2012, Trung Quốc đã bất chấp thỏa thuận, tiến hành thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.
Cũng như vậy, hai bên đã thỏa thuận 3 biện pháp tăng cường hợp tác trên biển khi ông Lý Khắc Cường thăm Việt Nam tháng 10/2013, nhưng chưa được bao lâu thì tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 vào tác nghiệp trái phép ngay trong thềm lục địa của Việt Nam.”

Không có nhận xét nào: