Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Nguyễn Hòa Bình - Tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc tới bây giờ?

dangcongsanvietnam11

Tôi nghĩ có rất nhiều người, đặc biệt là những người đang quan tâm đến chính trị, họ sẽ tự đặt câu hỏi "những người lãnh Cộng Sản Việt Nam tại sao họ lại phải lệ thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc một cách mù quáng?". Tôi nghĩ những lãnh đạo Cộng Sản từ ông Hồ của lịch sử cho đến ông Dũng của hiện tại, không phải họ không có trái tim dân tộc hay tham lam mà sẵn sàng làm tay sai cho giặc phương Bắc. Mọi câu chuyện chính trị đều có lí do chính trị của nó, vậy lí do của các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam là gì?

Ngày 2/9/1945 ông Hồ tuyên ngôn độc lập khai sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng trong khoảng thời gian đó (1945) ông Hồ cũng đã gửi thư nhiều lần đến tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman để công nhận độc lập cho Việt Nam. Rõ ràng ý đồ chính trị của ông Hồ có "nghiêng về phía tự do", bản tuyên ngôn độc lập của ông cũng đậm nét bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Dân Quyền của cuộc cách mạng Pháp (1791). Đó cũng là lúc tình chính trị giữa Liên Xô-Mỹ-Trung-Việt Nam (Bảo Đại) đang căng thẳng. Sau sự thất bại của Đảng Trung Hoa Dân Quốc (1949), quân đội của Tưởng Giới Thạch bị quân đội Mao Trạch Đông đánh bật ra khỏi lục địa Trung Hoa. Đảng Cộng Sản Trung Quốc chính thức cầm quyền Trung Hoa, Trung Hoa một nước lớn lại rơi vào tay khối Cộng Sản.

Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa được Liên Xô và Trung Quốc (phe cộng sản) công nhận về sự tồn tại và hiện diện của một quốc gia, trong khi Đồng Minh-Hoa Kỳ thì phớt lờ. Bên cạnh đó Liên Xô-Trung Quốc cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam đánh Pháp và VNCH-Mỹ (1949-1975), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã rơi vào cái vòng lệ thuộc chính trị và quân sự của khối cộng sản từ đó. Một câu hỏi tôi vẫn còn thắc mắc cho đến tận bây giờ "Nếu người Mỹ (tổng thống Truman) trả lời cho ông Hồ? Thì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có theo những giá trị tự do-dân chủ hay không và diễn biến chính trị ở hai miền Bắc-Nam sẽ như thế nào?"

Câu trả lời đã không còn quan trọng, bởi số phận của Việt Nam đã nằm trong tay của các nước lớn. Sự tự tôn dân tộc sẽ giúp chúng ta thoát khỏi thảm cảnh này trong tương lai. Đó là lý do tại sao tác giả Tổ Quốc Ăn Năn bảo với chúng ta rằng "Lòng yêu nước cần được phục hồi!". Đứng trước nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản đang tiến tới Đông Dương rồi sẽ lan rộng toàn Đông Nam Á. Người Pháp đã không còn đủ sức mạnh để kiểm soát tình hình ở Đông Dương (suy yếu quân đội trong thế chiến thứ 2) và sự gian trá trong đối thoại chính trị với người Mỹ về các vấn đề chính trị của chế độ VNCH Đệ Nhất (VNCH Đệ Nhất là con cờ của Pháp).

Sự mâu thuẫn chính trị đó đã thúc đẩy người Mỹ từ bỏ chính sách hỗ trợ đồng minh Pháp (1948-1954) và ủng hộ "chính sách chống cộng sản" của các quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam-VNCH Đệ nhất) sau một cuộc đảo chính "lật đổ tổng thống Ngô Đình Điệm" và trực tiếp đưa quân đội tham chiến ở Việt Nam (1963-1973). Và người Mỹ rút quân về nước, bỏ Việt Nam rơi vào tay của khối Cộng Sản là hoàn toàn có thể đoán trước nếu chế độ VNCH có những trí thức chính trị nhìn thấy.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã kết thúc, vị trí địa lý Việt Nam đã không còn giá trị trong chính sách "lá chắn tên lửa" trước Liên Xô, Chủ nghĩa Cộng Sản ở Liên Xô đã không còn là mối đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ. Sự "yếu kém và ỉ lại" của chế độ VNCH Đệ Nhị, trong khi sự phát triển của người Cộng Sản đã có mặt khắp nơi trên bản đồ Việt Nam. Tôi nghĩ đó là hai lý do chính làm cho người Mỹ bỏ cuộc trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Chủ nghĩa thực tiễn của người Mỹ từ đó được đề cao, tổng thống Richard Nixon đã có những thỏa thuận với chính quyền Cộng Sản Trung Quốc. Chủ nghĩa thực tiễn đã đem lại những giá trị về kinh tế và sự dẫn đầu về quân sự trong suốt thời gian qua. Nhưng ngày hôm nay chủ nghĩa thực tiễn đã bị phá sản, người Mỹ đứng trước một Trung Quốc mà chính tay họ nuôi dưỡng. Quay trở lại Chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam Việt Nam (1975-1978), Cộng Sản Việt Nam đã sa lầy ở Campuchia. Mâu thuẫn chính trị giữa Trung Quốc-Việt Nam (do Việt Nam muốn du dây giữa Liên Xô-Trung Quốc) buộc đất nước phải đón nhận thêm một cuộc chiến biên giới Việt-Trung (1979) khi quân đội Việt Nam tiến quân vào Campuchia (cho dù đó là một cuộc chiến phi chính trị).

Sau khi vừa mới thống nhất đất nước, tình hình kinh tế "cực kỳ khó khăn" lại tiếp tục tham gia hai cuộc chiến biên giới, cùng với nỗi ám ảnh của thời bao cấp (1976-1986). Có lẽ chế độ Cộng Sản Việt Nam đã sụp đổ ở thập niên 1990. Không phải ông Nguyễn Văn Linh đã cứu lấy nền kinh tế Việt Nam, mà Hội nghị Thành Đô đã cứu sống được Đảng Cộng Sản Việt Nam với mô hình phát triển xã hội Trung Quốc mang lại (gọi là thời kỳ đổi mới). Nhưng hội nghị Thành Đô đã đưa đất nước vào vòng "lệ thuộc kinh tế" cho đến tận hôm nay.

Những thỏa thuận trong hội nghị Thành Đô đã không còn sức mạnh để Trung Quốc ràng buộc Đảng Cộng Sản Việt Nam "trước việc đánh chiếm chủ quyền Việt Nam". Việt Nam đã tàn tạ "không còn giá trị về kinh tế cao như những thập niên trước". Thay vào đó "vấn đề Cộng Sản" cũng như các vấn đề chính trị để tồn tại thể chế Cộng Sản, đã gắn kết giữa hai quốc gia Cộng Sản với nhau. Người Mỹ đã quay lại Châu Á-Thái Bình Dương; chủ nghĩa thực tiễn đã phá sản; làng sóng dân chủ thứ 4 đang phát triển trên thế giới (Myanmar đã có dân chủ); mọi đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội gây ra chờ ngày nổ tung; nội chiến chính trị của 3 quốc gia Cộng Sản còn sót lại ở Châu Á đang ở tình trạng đỉnh điểm; trí thức trẻ của 3 quốc gia Cộng Sản đã hiểu vấn đề gây ra mọi đổ vỡ của đất nước và đã nhập cuộc đấu tranh cho các giá trị "Nhân quyền-Tự Do-Dân chủ".

Trung Quốc chỉ còn con bài cuối cùng là "bành trướng quân sự và củng cố quyền lực cá nhân", Việt Nam cũng thế "ủng hộ 'ngầm' chính sách bành trướng của Trung Quốc khi im lặng dâng biển đảo và đang cũng cố quyền lực cá nhân" để tiếp tục kéo dài tuổi thọ. Các lãnh đạo cấp cao của Đảng CSTQ và Việt Nam họ thừa biết kết cục bi đát của họ. Dự án chính trị của Đảng CSVN chỉ còn là "tham nhũng và bỏ chạy", tình trạng tham nhũng không thể tiêu diệt vì nó đã là một "kim chỉ nam" của Đảng Cộng Sản.

Chính sự ngu dốt của người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam là lý do "cho sự lệ thuộc đó", họ đã thiếu vắng tư tưởng chính trị, dự án chính trị và tầm nhìn chính trị thế giới. Có lẽ quý bạn đọc đồng ý với tôi về "sự ngu dốt của lãnh đạo Cộng Sản chứ?" Dân tộc Việt Nam hãy cảm nhận, chế độ Cộng Sản sẽ cáo chung... Lịch sử sẽ sang trang mới, nhưng mọi giá dân tộc Việt Nam không thể lập lại vết xe đổ của lịch sử. Đất nước Việt Nam tàn tạ như ngày hôm nay là do thiếu vắng đội ngũ trí thức chính trị để nhìn xa trông rộng, đưa ra những chính sách chính trị hợp lý và đấu tranh có tổ chức để đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa cho đất nước.

Vấn đề của chúng ta, của những các trí thức trẻ và các nhà trí thức chính trị là "một kế hoạch cho tương lai khi đất nước có nền dân chủ đa nguyên". Hãy mạnh dạn tham gia các tổ chức chính trị đúng đắn, chỉ có tổ chức chính trị đúng đắn mới đủ sức trở thành một chính Đảng-lãnh đạo tốt cho đất nước. Chúng ta đã có quá nhiều bài học lịch sử đau thương. Các tổ chức chính trị, các chế độ cầm quyền đã thiếu vắng đội ngũ trí thức chính trị, thiếu tư tưởng chính trị, thiếu tính tổ chức và quan trọng nhất là thiếu dự án chính trị, họ đã làm cho tổ chức và đất nước lâm vào thế bế tắc. Những tổ chức chính trị chưa đúng đắn chúng ta cần phải loại bỏ hoặc các thành viên tổ chức đó cần phải cố gắng đóng góp cho sự phát triển của tổ chức mình. Một tổ chức chính trị sa-lông sẽ đưa đất nước vào vết xe đổ của lịch sử. Đó là con đường bắt buộc của chúng ta phải đi qua, hãy cảm nhận và nhìn về tương lai cho con cháu chúng ta để hành động bằng việc "tham gia một tổ chức chính trị" đúng lúc.

Nguyễn Hòa Bình

(Thông Luận)

Không có nhận xét nào: