Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc : Thủy thủ hai bên nói gì với nhau ?

mediaTuần dương hạm USS Lassen trong một cuộc thao dược ngoài khơi bán đảo Triều Tiên tháng 03/2015.Reuters
Tuần trước, Hoa Kỳ và Trung Quốc lao vào một cuộc đối đầu sau khi một tàu chiến của Mỹ đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Thế nhưng, thủy thủ trên tàu chiến của hai nước lại tỏ ra rất bình thản, nói chuyện với nhau về món cánh gà và chuẩn bị lễ Halloween.





Để không thừa nhận việc Trung Quốc bồi đắp, xây đảo nhân tạo tại ở Biển Đông với ý đồ kiểm soát lưu thông hàng hải, tuần trước Hoa Kỳ đã điều khu trục hạm USS Lassen, có trang bị tên lửa, tới khu vực này. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, tố cáo Mỹ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Chính quyền Washington đáp trả là tàu chiến Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động trong khu vực.
Hôm qua, ông Robert Francis, chỉ huy khu trục hạm USS Lassen đã đáp trực thăng tới tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đang hoạt động tại Biển Đông, nhân dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có mặt trên tàu sân bay này.
Theo tường trình của AFP, khi được hỏi về tình hình tại nơi khu trục hạm Lassen đang hoạt động, ông Robert Francis cho biết, là thủy thủ Mỹ và Trung Quốc vẫn thường xuyên liên lạc qua radio và đôi khi còn nói chuyện rất thoải mái với nhau. Vị chỉ huy này nói : « Hàng ngày, có một tàu chiến Mỹ tới đây và chúng tôi trao đổi với phía Trung Quốc » và không có gì là bất thường khi các sĩ quan chỉ huy trên tàu Mỹ dùng radio liên lạc, nói chuyện với các thủy thủ Trung Quốc.
Ông Francis nhắc lại những trao đổi với thủy thủ trên tàu Trung Quốc : « Chúng tôi liên lạc qua điện thoại và nói : Này, thứ Bẩy này các cậu làm gì đấy ? Bọn tớ làm bánh pizza và món cánh gà, chúng tớ làm những thứ đó và cũng đang chuẩn bị cho lễ Halloween ». « Đấy, chúng tôi trao đổi những chuyện như vậy, và muốn chứng tỏ rằng chúng tôi chỉ là thủy thủ cũng như họ, chúng tôi cũng có gia đình giống như họ ».
Ngày 27/10 vừa qua, tàu USS Lassen đã vào vùng biển cách Đá Xu Bi (trong khu vực quần đảo Trường Sa), khoảng 6 hải lý. Đá Xu Bi là một trong những bãi đá, đảo chìm mà Trung Quốc đã và đang bồi đắp, mở rộng thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đó các cơ sở hạ tầng, kể cả các phi đạo. Lúc đó, một khu trục hạm Trung Quốc bám theo tàu USS Lassen và liên tục hỏi tại sao lại vào vùng biển của Trung Quốc. Đối với ông Francis, thì đó không phải là những lời cảnh cáo của phía Trung Quốc.
AFP bình luận, Hoa Kỳ đã thận trọng điều tàu chiến đi sát gần đảo nhân tạo Xu Bi – gần đến mức có thể nhìn thấy cả các cầu cẩu và các cơ sở hạ tầng trên đảo này – để phản bác những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định quyền tự do qua lại các vùng biển quốc tế.
Chỉ huy khu trục hạm USS Lassen nói là ông ngạc nhiên về sự chú ý của truyền thông đối với sự kiện xẩy ra vào tuần trước và ông cho rằng đó chỉ là một ngày hoạt động bình thường. Ông kể lại với các nhà báo : « Tôi nhận được điện thoại của mẹ tôi và bà hỏi : Này, con đang làm gì ở Trung Quốc đấy ? Mẹ nghe nói con đang ở Trung Quốc. Tôi trả lời : Mẹ ơi, con không ở Trung Quốc, mọi việc tốt và con đang ở trên tàu ».

Không có nhận xét nào: