Pages

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

TQ kêu gọi VN 'nhìn về đại cục'

Image copyrightReuters
Image captionChủ tịch Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng cốc sau hội đàm tại Hà Nội
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói 'nguyện cùng với phía Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau'.
Phát biểu tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, ông nói: "Phía Trung Quốc hết sức coi trọng mối tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc với Việt Nam, kiên trì coi quan hệ Trung-Việt từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài, nguyện cùng với phía Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, cùng nhau thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lươc toàn diện phát triển ổn định, lành mạnh và lâu dài."

Ông Tập tới Hà Nội cùng phu nhân Bành Lệ Viện và một đoàn đại biểu, trong đó có hai ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc.
Ra đón ông Tập ngoài sân bay Nội Bài là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân.
Theo lịch trình, lễ đón chính thức ông Tập Cận Bình với nghi thức cao nhất dành cho lãnh đạo cấp cao sẽ diễn ra tại Phủ Chủ tịch lúc 15:15 chiều thứ Năm ngày 5/11.
Sau đó ông sẽ hội kiến Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Image copyrightEPA
Image captionChủ tịch Trung Quốc và phu nhân vừa tới sân bay Nội Bài
17:30 chiều cùng ngày, ông sẽ hội kiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Sáng thứ Sáu 6/11, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung, sau đó viếng thăm và đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trước khi phát biểu khoảng 10 phút tại Quốc hội Việt Nam lúc 10:30 sáng 6/11.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được báo trong nước dẫn lời nói: "Việc đón tiếp ông Tập Cận Bình trong hội trường Quốc hội được tiến hành theo nghi thức, nghi lễ của Quốc hội, đó là các đại biểu sẽ đứng lên chào và vỗ tay".
Image copyrightFacebook Cafe Dan chu
Image captionMột số cuộc biểu tình ôn hòa phản đối ông Tập đã nhanh chóng bị giải tán
"Sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ có lời đáp từ."
Cuộc gặp cuối cùng của Chủ tịch Trung Quốc với lãnh đạo Việt Nam sẽ là vào lúc 11:00 trưa thứ Sáu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trước khi ông chủ tịch Trung Quốc và đoàn tùy tùng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, đã có một số cuộc biểu tình nhỏ phản đối chuyến đi của ông ở Hà Nội và TP HCM nhưng những cuộc này nhanh chóng bị lực lượng an ninh giải tán.

Tình hữu nghị 'đồng chí, anh em'

Ngay trước thềm chuyến thăm, báo chí Trung Quốc viết nhiều bài ca ngợi điều mà họ gọi là tình hữu nghị "vừa là đồng chí vừa là anh em" giữa hai nước láng giềng.
Tân Hoa Xã gọi đây là "chuyến thăm dấu mốc cấp nhà nước" và nói "thời điểm đã chín muồi cho hai nước thêm thực chất vào quan hệ hữu nghị lâu nay.
Bài của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc nói: "Sau đợt căng thẳng vì bất đồng ở Nam Hải (Biển Đông), Trung Quốc và Việt Nam đang bước ra khỏi rừng rậm. Chuyến đi của Chủ tịch Tập, chỉ dấu cho sự nhanh nhạy chiến lược của cả Bắc Kinh và Hà Nội, sẽ đem lại động lực và tin tưởng cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước".
Trong chuyến thăm hai ngày của ông Tập, hai bên được trông đợi sẽ ký kết hơn 10 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ quan hệ giữa hai đảng, phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất tới thương mại, đầu tư và trao đổi nhân lực.
Truyền thông Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh và Hà Nội "đừng bao giờ giảm niềm tin trước các nỗ lực gây hiềm khích" của bên ngoài.
"Không thể bỏ qua các quan điểm thiển cận và ác ý, để chúng dẫn dắt dư luận tới hố sâu của đối đầu."
Báo chí Trung Quốc không nói rõ các thế lực chia rẽ là ai.
Trong khi đó, có ý kiến chuyên gia nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình có mục đích ảnh hưởng quan hệ Việt-Trung ở mức chiến lược cao nhất.
Nhà nghiên cứu Carlyle Thayer nói ông Tập sẽ tìm cách nhấn mạnh các điểm tích cực trong hợp tác song phương, hai bên cùng có lợi.
"Thông điệp của ông Tập trước thềm Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam là Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều nếu hợp tác với Trung Quốc nhưng nếu Việt Nam gây khó thì quan hệ hai bên cũng sẽ gặp khó khăn."
Theo GS Thayer, Chủ tịch Tập sẽ đưa thông điệp "châu Á là của người châu Á" và "tương lai sẽ phụ thuộc vào sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Image copyrightAP
Image captionÔng Tập Cận Bình được trông đợi sẽ phát biểu 10 phút trước Quốc hội Việt Nam
"Tuy không nói ra trực tiếp, ông Tập sẽ đưa ra hàm ý là đừng nên trông chờ vào người Mỹ."

Giải quyết bất đồng

Trong quá khứ, một số cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước Việt-Trung đã dẫn đến các thỏa thuận có tính bước ngoặt trong giải quyết bất đồng như về biên giới trên bộ hay phân định Vịnh Bắc Bộ.
Tuy nhiên giới quan sát không cho rằng chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình sẽ dẫn tới một giải pháp chung gì cho vấn đề Biển Đông.
GS Thayer cho rằng hai chính phủ đã có cơ chế để giải quyết từng bước vấn đề này và có lẽ Chủ tịch Tập "sẽ khuyến khích tiếp tục cơ chế" đó.
"Ông Tập có thể còn thúc đẩy hợp tác khai thác chung. Chuyến thăm của ông nhằm thiết lập một không khí thân thiện và hợp tác hơn để thảo luận chủ đề Biển Đông."
"Nói cách khác, ông sẽ kêu gọi lãnh đạo Việt Nam hướng tới viễn cảnh trong khi giải quyết rốt ráo tranh chấp biển đảo."
Đã có quan ngại trong một số giới là ông Tập Cận Bình nhân chuyến đi này sẽ tìm cách ảnh hưởng tới lựa chọn nhân sự của Đại hội XII Đảng CSVN.
Thế nhưng ý kiến của các chuyên gia không đồng nhất về quan ngại này, nhiều người cho rằng ông Tập sẽ không tìm cách can thiệp trực tiếp vào nội bộ Đảng CSVN trong chuyến đi ngắn ngủi 5-6/11.

Không có nhận xét nào: