Pages

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Việt Nam sẽ ‘tích hợp môn lịch sử’?

Image copyrightGetty
Image captionBộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tích hợp môn lịch sử vào các môn khác
Đang có tranh cãi gay gắt xoay quanh đề xuất của Bộ Giáo dục tích hợp lịch sử vào các môn khác trong chương trình phổ thông.
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 18/11, Giáo sư sử học Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói: “Tôi cho rằng đề án tích hợp môn lịch sử trong trường phổ thông là phản khoa học, phản dân tộc. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang khai thác môn lịch sử theo tư tưởng bành trướng thì lẽ ra Việt Nam càng phải đẩy mạnh môn học này để giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau”.

Giáo sư cũng bình luận rằng những người trong ban soạn thảo sách giáo khoa sử theo dự án tích hợp “có trình độ thấp kém và không có tầm, cũng như không phải là những nhà sử học”.
Ông cho biết ông và các nhà sử học khác đang kiên quyết phản đối đề án tích hợp môn lịch sử và bảo lưu quan điểm “lịch sử phải là môn khoa học độc lập như vốn có và phải được đối xử bình đẳng như các môn khác trong trường học“.

'Làm mờ có chủ ý'

Hôm 17/11, báo trong nước tường thuật Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng môn lịch sử không bị coi nhẹ khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
“Lý do đưa môn lịch sử tích hợp vào môn công dân với tổ quốc là để tránh trùng lắp. Bộ còn dự kiến lồng ghép lịch sử vào các môn văn, địa lý…”, Bộ trưởng Luận được báo Tiền Phong dẫn lời.
Bộ trưởng Luận cho biết thêm, Ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa phổ thông đang lắng nghe ý kiến người dân, sau đó sẽ báo cáo lại các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ.
Lên tiếng trên mạng xã hội hôm 18/11, luật sư Trần Đình Triển đặt vấn đề:
“Nhiều đất nước xác định môn sử là môn bắt buộc trong bậc phổ thông và đại học. Dân tộc Việt có truyền thống "Ăn quả nhớ người trồng cây", vậy một nền giáo dục mà dạy con cháu không biết gì gốc gác của mình, không cần biết quá khứ của tổ tiên, dân tộc… như vậy gọi là giáo dục con người hay sao? Cần làm rõ ai chủ mưu, đề xướng và đồng tình trong chuyện này?”.
Cùng thời điểm, nhà báo Mạnh Kim cho biết: “Bản thân lịch sử chưa bao giờ được tôn trọng, dù người ta nhiều lần đánh đồng chuyện “học lịch sử là yêu nước”, dù người ta có sáp nhập sử vào môn gì hay không. Chỗ đứng lịch sử và môn lịch sử vốn đã bị làm mờ một cách có chủ ý. Vấn đề là dạy sử như thế nào chứ không phải học như thế nào.
Vấn đề là dạy gì và nhìn sử bằng nhãn quan niên đại và sự kiện sử hay nhìn nó bằng định hướng tuyên truyền khu gọn 'sử' trong cái khung 'lịch sử cách mạng' vốn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chiều dài lịch sử dân tộc hàng ngàn năm”.
Trước đó, Giáo sư Phan Huy Lê được website VTC dẫn lời cho rằng việc tích hợp như cách làm của Bộ Giáo dục sẽ “khai tử” môn lịch sử trên thực tế.
“Khi thiết kế chương trình mới lại tích hợp tùy tiện môn lịch sử với nhiều môn nên không đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống”, giáo sư nhận định.

Không có nhận xét nào: