Pages

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Đài Loan đáp trả cáo buộc của Việt Nam về Trường Sa

Ảnh đảo Ba Bình chụp từ Trạm không gian Quốc tế. Ba Bình là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, nằm cách Cao Hùng phía Nam Đài Loan khoảng 1.600 cây số về hướng Tây Nam.
Ảnh đảo Ba Bình chụp từ Trạm không gian Quốc tế. Ba Bình là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, nằm cách Cao Hùng phía Nam Đài Loan khoảng 1.600 cây số về hướng Tây Nam.

Đài Loan tuyên bố rằng việc xây dựng của họ trên hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa “không phải chuyện của nước khác”, sau khi Việt Nam chỉ trích Đài Bắc bất chấp quan ngại của mình, khi cử quan chức ra đảo Thái Bình mà người Việt gọi là Ba Bình.

Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 13/12 ra tuyên bố nói rằng theo luật pháp quốc tế, Đài Bắc có chủ quyền đối với biển Đông, trong đó có quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và Tây Sa (tức Hoàng Sa) cũng như các vùng lãnh hải lân cận.  

Cơ quan ngoại giao của Đài Loan nói thêm rằng chính quyền Đài Bắc nhiều năm qua đã triển khai binh sĩ tới hòn đảo; chưa từng có bất kỳ xung đột quân sự nào với bất kỳ ai cũng như chưa bao giờ cản trở lưu thông hàng hải và hàng không tại đảo Thái Bình.

Đài Bắc hôm 12/12 khánh thành một ngọn hải đăng và cầu cảng mới được tôn tạo lại trên hòn đảo này.

Đích thân Bộ trưởng Nội vụ Đài Loan Trần Uy Nhân đã tới dự lễ khánh thành trên hòn đảo có diện tích lớn nhất ở Trường Sa.

Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, lên tiếng rằng việc Đài Loan “bất chấp quan ngại của Việt Nam, của các nước cũng như cộng đồng quốc tế, cử quan chức đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiếp tục tuyên bố đưa vào hoạt động một số công trình trên đảo là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình tranh chấp ở Biển Đông”.

Ông Bình tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ bác bỏ hành động này” và “yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho rằng việc Hà Nội cáo buộc chuyến thị sát của ông Trần làm tổn hại tới hòa bình khu vực “không đúng thực tế, và đi ngược lại với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế”.

Bộ này cũng cho rằng việc Đài Loan nâng cấp hạ tầng cơ sở trên hòn đảo nhằm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, và giúp hoàn tất nhiệm vụ của hòn đảo này là căn cứ nghiên cứu khoa học, cứu trợ khẩn cấp và bảo vệ môi trường.

Đài Loan trước đó cho biết sẽ “biến Thái Bình thành một hòn đảo hòa bình, trung tâm bảo tồn sinh thái và thải ít khí CO2 nhằm thực thi ‘Sáng kiến Hòa bình Nam hải’ của Tổng thống Mã Anh Cửu”.

Sáng kiến công bố hôm 26/5 dựa trên nguyên tắc “bỏ qua một bên các vấn đề chủ quyền” và “cùng nhau khai thác tài nguyên”.

Việt Nam hồi tháng Mười vừa qua đã phản đối việc Trung Quốc xây dựng hải đăng ở Hoàng Sa, coi đó là “sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam”.

Theo CNA, Taipei Times, Focus Taiwan News Channel

(VOA)

Không có nhận xét nào: