Pages

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Chuyển giới ở VN: Luật pháp công nhận nhưng ước nguyện chưa thành

Hòa Ái, phóng viên RFA

000_Del8385787

Các bạn trẻ LGBT bày tỏ vui mừng khi Quốc hội VN thông qua luật dân sự thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính hôm 24/11/2015
 AFP photo


Quốc hội VN vừa thông qua luật dân sự thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới-LGBT cùng những người ủng hộ bày tỏ niềm vui mừng qua việc tuần hành cũng như đến Tòa nhà Quốc hội để gửi lời cảm ơn. Mặc dù vậy trên thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập và rất nhiều nỗi lo.

Sau quá trình vận động lâu dài và đấu tranh không mệt mỏi, thân phận của những người chuyển giới ở VN cuối cùng đã được luật pháp công nhận vào ngày 24 tháng 11 năm 2015. Với kết quả biểu quyết chiếm hơn 80% phiếu thuận của đại biểu Quốc hội, Bộ luật Dân sự sửa đổi chính thức hợp thức hóa việc chuyển đổi giới tính, được quy định theo Điều 37, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2017.
Nhiều người thuộc cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới-LGBT vui mừng bày tỏ niềm hạnh phúc hân hoan khi ước vọng không bị kỳ thị và được xã hội công nhận một cách hợp pháp đã thành hiện thực.
Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em thì VN hiện có khoảng 600 người đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hoặc ngược lại. Lên tiếng với báo giới trong nước, ông Lương Thế Huy, Giám đốc Chương trình quyền LGBT thuộc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), nói rằng những người chuyển giới này từng sống “vô hình” trong xã hội.
...cảm xúc và tâm sinh lý theo xu hướng tình cảm và tình dục đồng giới, dấu cộng với dấu cộng, dấu trừ với dấu trừ. Không phải ai cũng muốn chuyển, chuyển làm gì.
- Một người đồng tính nam 
Quá trình chuyển đổi giới tính là một quá trình không hề đơn giản. Một vài người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính mà đài ACTD tiếp xúc cho biết dù may mắn được gia đình ủng hộ, phụ giúp tài chánh để ra nước ngoài phẫu thuật thì sự đau đớn họ phải chịu đựng để có được một hình hài như mong muốn không thể nào so sánh với nỗi đau tinh thần khi họ trở về hòa nhập với cuộc sống thực tiễn trong cộng đồng. Những khó khăn họ gặp phải là từ ánh mắt nhìn không thiện cảm của những người xung quanh cho đến những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, giấy tờ tùy thân, nhiều trở ngại trong chăm sóc y tế và thậm chí có những người chuyển giới phạm pháp bị quấy nhiễu, lạm dụng vì bị giam giữ chung với phạm nhân cùng giới tính trước khi phẫu thuật chuyển giới. Mặc dù họ hài lòng với diện mạo bên ngoài sau khi chuyển giới nhưng họ cảm thấy thật sự tồn tại một cách vô hình trong xã hội mà thôi.
Quyền chuyển đổi giới tính ở VN vừa được Quốc hội thông qua chỉ là quyền treo vì chưa có luật chuyên ngành. Bộ trưởng Bộ Tư Pháp VN, ông Hà Hùng Cường cho biết cần phải có những quy định và điều kiện chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật, y học hầu bảo đảm người được chuyển giới phải thành công và chương trình làm việc để họp bàn liên quan đến vấn đề này dự kiến trong phiên họp Quốc hội khóa 14 vào tháng 7 năm 2016.
Phản ứng của người dân
Viện Sức khỏe Môi trường Y tế thuộc Bộ Y tế, VN cho biết xấp xỉ 500 ngàn người có giới tính không trùng với giới tính hiện tại. Liệu rằng đây có phải là con số thực và tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trong cộng đồng LGBT có nguyện vọng chuyển giới? Một người đồng tính nam không muốn nêu tên ở Sài Gòn chia sẻ với đài RFA:
“Từ trong Nam ra Bắc, thành phố nào của đất nước VN cũng có đầy rẫy hết. Số người chuyển giới chỉ chiếm số nhỏ thôi. Những người đó khao khát được thay đổi số phận của mình, tức là họ cảm thấy mình sinh ra bị lộn người. Đó chỉ là phần nhỏ. Tất cả những người còn lại đã như vậy rồi, cảm xúc và tâm sinh lý theo xu hướng tình cảm và tình dục đồng giới, dấu cộng với dấu cộng, dấu trừ với dấu trừ. Không phải ai cũng muốn chuyển, chuyển làm gì”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ba, 1 cư dân đồng bằng Sông Cửu Long có con ở lứa tuổi dựng vợ gả chồng, bày tỏ sự lo lắng trước thông tin luật pháp VN công nhận quyền chuyển đổi giới tính.
Nói chung là loạn, không còn theo quy luật tự nhiên nữa. Tôi không tán thành, không đồng ý bộ luật và mối quan hệ hôn nhân như vậy.
- Bà Nguyễn Thị Ba
“Tâm trạng nói về góc độ người cha, người mẹ thì tôi rất buồn. Buồn ở đây là vì nói thẳng ở VN chưa quen chuyện đó. Thật ra thì từ trước nay người ta cho rằng việc đó trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo luật âm dương. Rồi đây thế hệ thứ 3, thứ 4 tiếp theo sẽ là gì? Sanh con trong ống nghiệm hay là sao? Nói chung là loạn, không còn theo quy luật tự nhiên nữa. Tôi không tán thành, không đồng ý bộ luật và mối quan hệ hôn nhân như vậy. Qua việc Nhà nước thông qua luật đó thì để mang tiếng văn minh so với các nước thì đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm, nói nôm na như vậy”.
Bà Ba nói thêm trong trường hợp nếu gia đình bà có 1 đứa con đồng tính vì tình thương quá lớn không muốn mất con thì bà cũng sẽ phải chấp nhận nhưng đó là một sự chấp nhận trong đau buồn và tuyệt vọng.
Vấn đề chủ chốt mà giới LGBT ở VN nêu ra dù thật sự có một bước tiến đáng kể về mặt luật pháp công nhận quyền chuyển giới nhưng sự chấp nhận thực tiễn của người thân, cộng đồng và sự đối xử bình đẳng đối với những người thuộc giới thứ 3 mới là điều mà họ phải tiếp tục theo đuổi để thay đổi quan điểm của xã hội về chuyển giới và hôn nhân đồng tính.
Niềm vui mừng của cộng đồng LGBT ở VN những ngày qua lan tỏa khắp các trang mạng xã hội vì trang sử mới được mở ra cho nhân thân của họ được luật pháp công nhận. Thế nhưng ngay chính những người trong cộng đồng LGBT mà Hòa Ái được tiếp xúc cũng nói rõ rằng ước nguyện trọn vẹn cho 1 cuộc đời bình thường được xã hội chấp nhận vẫn còn là một chặng đường dài lắm chông gai ở phía trước
.

Không có nhận xét nào: