Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Có cần xét xử lưu động vụ Bình Phước?

Image copyrightTuoi Tre
Image captionCác bị can vụ thảm sát Bình Phước (ảnh của báo Tuổi Trẻ)
Có ý kiến luật sư nói trong thời đại internet và nhiều nguồn thông tin, "xử lưu động [như trong vụ Bình Phước hôm 17/12] là không cần thiết".
Trong vụ này, hai bị cáo Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến bị án tử hình, trong khi bị cáo thứ ba Trần Đình Thoại lãnh án 16 năm tù.
400 cán bộ, công an... đã được huy động tới phiên tòa lưu động có sự theo dõi của hàng nghìn người dân.

Trả lời phỏng vấn với BBC Tiếng Việt hôm 17/12/2015, luật sư Vũ Như Hảo từ Đoàn Luật sư Khánh Hòa nói: “Ngày nay để biết một sự việc người ta có thể thông qua phương tiện truyền thông hiện đại, internet nên việc xử lưu động là không cần thiết”.
Luật sư Hảo cho biết “hình thức xét xử lưu động được sử dụng với mục đích răn đe và giáo dục cho người dân. Tuy nhiên hình thức này có những mặt lợi và cũng có những mặt hại”.
Theo ông Hảo, việc sử dụng hình thức xét xử lưu động cho thấy “mục đích Tòa án hướng tới đó là việc xét xử hoàn toàn được công khai, rõ ràng. Và những vụ trọng án, việc điều tra là đúng trình tự tố tụng và đảm bảo minh bạch, đảm bảo là không bị ép cung, không bị nhục hình. Và người dân có thể thấy việc xét xử là hoàn toàn khách quan.”
“Việc có thực sự đạt được mục đích đề ra hay không thì phải có một khảo sát thống kê nào đó. Còn nói nếu đạt được hay không thì chỉ là ý chí chủ quan thôi.”
Những vụ xử lưu động ngày càng được sử dụng nhiều trong những năm gần đây. Theo báo Tuổi Trẻ, năm 2013 riêng Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ đã đưa ra xét xử lưu động sáu vụ, còn tòa án các quận huyện ở tỉnh này xét xử lưu động 76 vụ.
Báo điện tử Công Lý của Tòa án Nhân dân Tối cao cho hay: “Pháp luật tố tụng hình sự, dân sự và hành chính đều không quy định về việc xét xử lưu động. Tuy nhiên để góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, trong những năm qua ngành Tòa án đã tăng cường đưa các vụ án (chủ yếu là án hình sự) đi xét xử lưu động.”

Lợi ích và phản cảm

Image copyrightTuoi Tre
Image captionHàng nghìn người dân tới theo dõi vụ xử
Báo Pháp Luật của Bộ Tư pháp phân tích việc sử dụng hình thức này cũng gây sức ép rất lớn từ số đông người dự tại phiên tòa lưu động cho thẩm phán và luật sư.
Tờ này trích dẫn một luật sư khác, ông Duy Hậu: “Nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp Gustave Le Bon chỉ ra rằng, đứng giữa một đám đông, vị thẩm phán khó lòng giữ được quan điểm của riêng mình. Luật sư cũng không thể phát huy hết vai trò, các quyết định của thẩm phán bị ảnh hưởng, dù là vô tình hay hữu ý, thì công bằng trong xét xử - tiêu chỉ hàng đầu của một nền tư pháp, sẽ khó đạt được.”
Trả lời BBC Tiếng Việt, luật sư Vũ Như Hảo cũng nói sử dụng hình thức xét xử lưu động cũng tạo lo ngại rằng luật sư bào chữa cho bị cáo sẽ không dám bảo vệ hết mình do cũng phải chịu nhiều áp lực từ phía gia đình của bị hại.
“Tuy nhiên trong vụ xử lưu động thảm sát Bình Phước ngày 17/12, các luật sư đã làm hết trách nhiệm của những người luật sư."
"Tôi biết rằng làm chỉ định thì gần như không có phí, khi làm là chỉ làm với tinh thần trách nhiệm xã hội, bảo vệ công lý và quyền của người dân. Có thể do một phần là lực lượng bảo vệ đông đảo tại vụ xử lưu động hôm nay, khiến các luật sư an tâm bào chữa cho thân chủ.”

Không có nhận xét nào: