Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Doanh nghiệp VN: Hạn chế và thách thức

Lễ ký kết kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU
Image copyrightGetty
Image captionLễ ký kết kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU
Ngày 2/12/1015 Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã chấm dứt đàm phán Hiệp định thương mại để đi đến thống nhất chung.
Theo bản báo cáo Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế nhập khẩu trong thương mại hàng hóa giữa hai bên. Việc thống nhất đàm phán sẽ giúp Việt Nam cũng như Châu Âu cùng bổ sung và phát triển nền kinh tế giữa hai bên.

Trả lời phỏng vấn với BBC Việt ngữ hôm 3/12/2015, nhà kinh tế Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nói đây sẽ là cơ hội phát triển lớn cho Việt Nam, tuy nhiên “điều này cũng là thách thức cho những doanh nghiệp Việt Nam.”

Hạn chế và thách thức

Sau khi đi đến thống nhất chung trong hiệp định thương mại tự do, một số mặt hàng như mật ong, rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả, sản phẩm nhựa, sản phẩm thủy tinh sẽ có hiệu lực ngay.
Một số các mặt hàng khác sẽ có hiệu lực trong vòng 7 đến 10 năm.
Đây sẽ là cơ hội phát triển và tạo thêm việc làm cho người dân nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng cơ hội này.
Ông Doanh cho biết trong những năm gần đây kinh tế tăng trưởng vẫn dựa quá nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
“Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam có xuất khẩu với tỉ trọng thấp hơn.”
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như dệt may, da giầy, túi xách là những doanh nghiệp gia công và thực hiện sản xuất theo những đơn đặt hàng xuất khẩu.
Ông Doanh cũng cho biết thêm “công nhân lao động Việt Nam nổi tiếng khéo tay và tiền lương lao động còn thấp.”
Theo bản cam kết với EU, các sản phẩm dệt may, giày dép sẽ được xóa bỏ thuế trong 7 năm tuy nhiên đối với ngành dệt may sẽ phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam hoặc được phép sử dụng vải sản xuất tại Hàn Quốc theo quy tắc xuất xứ.
Nếu tận dụng được điều này đây sẽ là cơ hội pháp triển tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như tăng thêm thu nhập và việc làm cho người dân, ông Doanh chia sẻ.

Năng lực cạnh tranh

Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải cách và cải thiện mạnh mẽ điều kiện môi trường lao động để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tại những diễn đàn doanh nghiệp diễn ra gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam và đầu tư nước ngoài đều lên tiếng về thủ tục cũng như chi phí ngoài pháp luật nhất là trong các ngành thuế và hải quan.
Theo ông Doanh “đó là điều Việt Nam nhận thức được và Chính Phủ cũng đã đưa ra nghị quyết 19 ngày 12 tháng 3 năm 2015 để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhưng cho đến nay việc thực hiện chưa đem lại kết quả mong muốn.”
Ông Doanh cũng nói thêm việc thực hiện không phải đơn giản vì các qui định đưa ra sẽ làm “một số người không thể vòi vĩnh được và làm mất nguồn thu nhập ngoài pháp luật của một số cá nhân”.
Câu cá trên sông Hàn, Đà NẵngImage copyrightHoang Dinh Nam AFP GETTY
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá nền kinh tế Việt Nam xếp hạng thứ 56 trên 140, tuy nhiên Việt Nam đứng khá thấp trong xếp hạng cân đối ngân sách Chính Phủ (đứng thứ 115/140), báo cáo và kiểm toán (130/140).
Việc này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để chấm dứt những khoản thu nhập ngoài pháp luật để có thể phù hợp với những điều khoản trong hiệp định thương mại tự do mới đây.
Đây là thách thức và cũng là cơ hội để cải cách kinh tế và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Để đạt được những cải cách này, ông Doanh nói: "Việt Nam sẽ cần những cải cách thể chế, sự giám sát của những doanh nghiệp, người dân và báo chí để đem lại những tiến bộ thực sự trong con đường hội nhập kinh tế quốc tế."
Việc đi đến thống nhất chung trong hiệp định thương mại tự do thể hiện quyết tâm và việc chấp nhận những thách thức để phát triển.
Ông Doanh cũng cho biết thêm việc kí hiệp định cho thấy “Người Việt Nam luôn luôn sẵn sàng trước những thách thức để vượt lên.”

Không có nhận xét nào: