Pages

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Nguồn hải sản ở Biển Đông nguy cơ cạn kiệt

Gia Minh, biên tập viên RFA

Một kiểu đánh cá càn quét của ngư dân Trung Quốc (minh họa)

Một kiểu đánh cá càn quét của ngư dân Trung Quốc (minh họa)
 AFP


Hoạt động đánh bắt quá mức khiến cho nguồn hải sản tại khu vực Biển Đông ngày càng giảm đi. Đây là một trong nhiều hoạt động của con người gây tổn hạn đến môi trường của khu vực biển giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Thực tiễn được giới chuyên gia chỉ rõ ra sao?
Chuyên gia về các vấn đề an ninh Đông Á, Stephen Paul Brooker, vào đầu tháng 11 vừa qua có bài viết trong đó đưa ra cảnh báo do tình trạng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, vấn đề chấp hành qui định trong thực hành đánh bắt hải sản không được thực thi là mấy. Trong khi đó việc tranh chấp thiếu hợp tác cũng khiến cho các bên liên quan cạnh tranh khai thác và đưa đến tình trạng tận thu…
Tác giả Stephen Paul Brooker nêu ra kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy đối với một số loài thì suy giảm xuống chỉ còn 5% so với mức vào những thập niên 50 của thế kỷ trước.
Đơn vị Nghiên cứu Kinh tế Nghề Cá thuộc Đại học British Columbia, Canada mới đầu tháng 11 công bố phúc trình theo đó có một số loài tại khu vực Biển Đông trong những năm gần đây suy giảm dữ dội. Loài cá mú chấm nhỏ, cá mó vàng nâu chỉ trong vòng 8 năm qua giảm 80%. Một số loài hiện nay đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng; trong khi đó vùng biển đông nam Á là nơi cung cấp lớn nguồn cá ngừ vây vàng trên thế giới.
Phúc trình đưa ra cảnh báo nếu không có hành động ngay lúc này để chặn đứng đà suy giảm như hiện nay thì trong vòng ba thập niên nữa, giá tôm biển sẽ đắt hơn ba lần, giá cá thu, cá sòng tăng gần 6 lần, cá mú tăng đến 9 lần…
Theo khảo sát thì trong thực đơn của người Châu Á, đạm cá trung bình chiếm hơn 22%. Nguốn cá suy giảm còn là nguy cơ thất nghiệp cho hằng triệu ngư dân và người tham gia vào chuỗi chế biến hải sản. Có đến hơn 30 triệu người có liên quan đến ngành hải sản tại khu vực này.
Thống kê cho thấy Việt Nam và Trung Quốc là hai trong 5 quốc gia sản xuất tôm hàng đầu thế giới.
Riêng Trung Quốc trong năm 2013 chiếm đến 17% lượng đánh bắt hải sản toàn cầu, gần phân nửa là từ Biển Đông với trị giá được nói chừng 21 tỉ đô la. Nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân Trung Quốc tăng lên trong khi hơn 80% những vùng biển dọc Hoa Lục bị ô nhiễm trầm trọng. Do đó ngư dân Hoa Lục phải đi đến các vùng biển xa để đánh bắt. Họ còn được nhà nước Bắc Kinh trợ cấp xăng dầu để đi đánh bắt ở vùng biển xa; riêng nếu xuống khu vực Trường Sa thì được khoản hỗ trợ xăng dầu đặc biệt.
Bà Nina Hachigian, đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, vào tháng tư vừa qua có bài viết trên tạp chí Diplomat nhắc lại đánh giá được nêu ra trong một nghiên cứu năm 2013 rằng khu vực Đông Nam Á là nơi có đa dạng sinh học biển hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Người ta vẫn tiếp tục khám phá sự phong phú của khu vực này. Vào tháng 3 năm nay, các nhà khoa học phát hiện ra một chủng loại mới sinh vật phù du gần quần đảo Trường Sa.
Tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, vô luật lệ, không được kiểm soát đang diễn ra tràn lan trong khu vực. Bà này cho rằng danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng tại khu vực này đang ngày một gia tăng, trong khi đó tấn công vào hệ sinh thái vẫn tiếp tục
Bà Nina Hachigian
Tuy nhiên theo bà Nina Hachigian thì tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, vô luật lệ, không được kiểm soát đang diễn ra tràn lan trong khu vực. Bà này cho rằng danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng tại khu vực này đang ngày một gia tăng, trong khi đó tấn công vào hệ sinh thái vẫn tiếp tục.
Theo nhận định thì ngư dân Châu Á lâu nay thường bắt hết từ ‘cá lớn đến cá bé’. Đây được cho là vòng lẩn quẩn vì không có cá lớn để bổ sung sinh sản và rồi người ngư dân lại càng phải khai thác nhiều hơn và nạn suy giảm lại tăng lên.
Một số phương thức đánh bắt của ngư dân tại khu vực Biển Đông bị cho gây hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Mặc dù bị cấm vẫn có ngư dân dùng thuốc nổ, chất độc hay lưới cào rà đáy để đánh bắt. Những cách đánh bắt như thế không chỉ giết các loài cá mà cả san hô nơi cá trú ẩn.
Cá mập bị giết chỉ để lấy vi. AFP
Cá mập bị giết chỉ để lấy vi. AFP
Trong bài viết của mình, bà đại sứ Nina Hachigian nêu rõ việc đánh bắt trộm rùa biển để lấy thịt và mai vẫn còn phổ biến. Hằng năm trong khu vực có hằng triệu cá mập bị giết để chỉ lấy vi; các loại cá thu, cá ngừ bị đánh bắt quá mức.
Một ngư dân Việt Nam thừa nhận nguồn hải sản ngày càng suy giảm và cách thức đánh bắt gây hại đến nguồn cá mà chính những ngư dân như ông đang thực hiện:
“ Cũng ít lần lần, cũng cạn kiệt; tuy nhiên lâu lâu cũng trúng một chuyến lớn. Trước đây họ ra ít đèn thì còn làm được, bây giờ họ ra đèn nhiều; cũng do mình ‘tự biên, tự diễn’… Nhà nước thì họ hướng dẫn bên giã cào chứ con tôi làm cá ngừ đại dương không thấy có hướng dẫn gì.”
Một phụ nữ vợ ngư dân cho biết cơ quan chức năng có hướng dẫn nhưng rồi ngư dân vẫn áp dụng những phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn cá:
“ Lâu lâu cũng họp và nói chung bảo không cho nghề ‘đèn’ vì làm như thế hủy diệt số lượng lớn: cá nhỏ, cá lớn gì đều diệt hết. Người ta công bố vậy để ngư dân theo; nhưng ngư dân gặp đâu làm đó chứ giờ nghề biển mà; làm mà loại trừ ra thì không có ăn.”
Một ngư dân khác tại Đà Nẵng cho rằng phương tiện đánh bắt hiện nay phát triển hơn trước nhưng do ngày càng có nhiều người ra biển để đánh bắt hải sản; đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến suy giảm:
“ Không bằng hồi xưa, nay thì làm hiện đại hơn; nay làm khỏe hơn hồi xưa chỉ có ít tôm, ít cá hơn. Bây giờ dân nhiều, Trung Quốc cũng ra nhiều nên dần dần mất lần…”
Không bằng hồi xưa, nay thì làm hiện đại hơn; nay làm khỏe hơn hồi xưa chỉ có ít tôm, ít cá hơn. Bây giờ dân nhiều, Trung Quốc cũng ra nhiều nên dần dần mất lần…
Một ngư dân
Tiến sĩ Graham Balckmore trình bày ý kiến trên mạng của tổ chức Global Underwater Explorers ( tạm dịch theo tiếng Anh là Những nhà Thám hiểm Đại Dương Toàn cầu) rằng hoạt động đánh bắt bằng thuốc nổ, chất độc mang tính hủy diệt là thách thức đáng lo mà khu vực Biển Đông phải đối mặt. Hoạt động này phổ biến khắp châu Á và khu vực Biển Đông từ Indonesia cho đến Hong Kong, Hải Nam.
Một nghiên cứu về đánh bắt hải sản bằng chất nổ được tiến hành tại Philippines gần đây cho thấy hoạt động này xảy ra tại vùng Central Visayas gây hại cho các rạn san hô và phải mất gần 40 năm sau để san hô hồi phục được 50%.
Nhiều ngư dân Philippines vào khoảng năm 1962 còn sử dụng natri xyanua NaCN để bắt cá biển làm cá cảnh bán cho giới sành điệu. Tuy nhiên phương pháp này nhiều phần gây tử vong cho cá. Nhưng đối với những tay săn lùng thì cá thì càng chết nhiều trở nên hiếm lại càng quí và bán được giá cao cho giới sành chơi.
Theo đánh giá kể từ thập niên 1960 cho đến nay có hơn 1 triệu kilogram chất natri xyanua được đổ xuống các khu vực san hô của Philippines để bắt cá cảnh. Ngoài ra nhu cầu sử dụng của thực khách Hong Kong cũng như những người giàu có tại những thành phố lớn khác của Châu Á đối với những loài cá sống trong các rạn san hô cũng là động cơ thúc đẩy nhiều ngư dân sử dụng chất cấm này để bắt cá.
Thống kê đưa ra năm 1995 cho thấy hằng năm có từ 20000 đến 25000 tấn cá sống bắt từ các rạn san hô được xuất khẩu đến các địa chỉ trong khu vực. Để có được số còn sống như thế, biết bao nhiêu đã chết vì chất độc natri xyanua. Song song đó là những san hô bị bức tử hay phải chết dần mòn.
Đặc khu hành chánh Hong Kong là một trung tâm tiêu thụ cá cảnh và hải sản tươi sống bắt lên từ các rạn san hô. Vào năm 1997 con số nhập vào khu này là 32000 tấn. Sau đó chừng từ 10- 20% được bán lại sang bên Hoa Lục. Đài Loan và Singapore cũng là hai nơi tiêu thụ các loại cá cảnh và hải sản sống trong các rạn san hô biển; tuy nhiên mức độ ít hơn so với Hong Kong chỉ chừng 7 ngàn tấn ở xứ Đài và 1 ngàn tấn ở đảo quốc Sư tử.
Một lổ hổng trong luật lệ giúp cho số cá cảnh bị đánh bắt bằng natri xyanua có thể lọt được vào Hong Kong là bởi đặc khu này chỉ buộc khai báo khi vận chuyển bằng đường hàng không, còn đường biển thì không; cho nên con số thực tế được đánh giá có thể cao hơn thế nhiều.
Như vậy sau khi phá hoại các rạn san hô ở khu vực Biển Đông, những kẻ săn lùng cá để bán cho các cơ sở kinh doanh cá kiểng đặc biệt như vừa nêu di chuyển lên khu vực Tây Thái Bình Dương. Tàu đánh bắt của họ nay được nói có thể vận chuyển một lúc 20 tấn cá kiểng đánh bắt được.
Có một biện pháp được đề ra là qui định giảm 30% lượng đánh bắt để bảo toàn luồng cá. Tuy nhiên nếu áp dụng chung biện pháp như thế thì có nghĩa ngoài số cá đánh bắt để bán làm cảnh, số cá cho người tiêu dùng cũng phải giảm với tỷ lệ như thế.
Một số đề nghị được nêu ra nhằm có thể loại trừ tình trạng đánh bắt bằng natri xynua đó là phải có qui định và chế tài đối với những đối tượng vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm này. Giới khoa học cần góp sức để đưa ra phương pháp phát hiện cá bị bắt bằng natri xyanua.
Để có thể duy trì nguồn cá tại một khu vực biển nào đó nên giao khoán cho một chủ thể làm chủ. Biện pháp này từng được áp dụng cho công tác bảo tồn, và trồng rừng. Theo đó người chịu trách nhiệm sẽ lo bảo vệ nguồn lợi và khai thác một cách bền vững chứ không tận diệt theo ca1ch suy nghĩ nếu bản thân không khai thác thì người khác cũng sẽ làm thế thôi.
Theo bà đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, Nina Hachigian, thì cá di chuyển ra vào các vùng biển chủ quyền, do đó những giải pháp khu vực có thể giúp giải quyết vấn đề. Bà nêu ra tái khẳng định của các quốc gia gồm 10 nước ASEAN và các nước đối tác Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Hoa Kỳ về những mục tiêu chống buôn lậu động vật hoang dã và bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực.
Tác giả Adam Minter trong bài viết đăng trên Bloombergview hồi ngày 16 tháng 11 vừa qua viết rằng gần đây Trung Quốc bảy tỏ quan tâm đến tình trạng đáng ngại về đánh bắt ở khu vực Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải. Tuy vậy biện pháp đơn phương áp dụng lệnh đánh bắt hằng năm của Bắc Kinh  không phải là giải pháp mà cần phải có sự đồng thuận của các bên.
Theo ông Adam Minter thì bất kỳ giải pháp nào cũng phải đa phương. Các quốc gia trong đó có Trung Quốc cần phải bắt đầu thảo luận một khung đánh bắt hải sản thực sự trong khu vực. Khung này vạch rõ những vùng bảo tồn đặc biệt và những hành lang đánh bắt được các bên cùng nhau thỏa thuận. Các bên cũng phải thành lập khu nuôi trồng thủy hải sản khu vực giúp giảm áp lực đối với những vùng biển địa phương.
Trung Quốc và các nước khác phải chấm dứt chương trình trợ cấp xăng dầu cho ngư dân đi đánh bắt tại những vùng biển có tranh chấp.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới
.

Không có nhận xét nào: