Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Mua vũ khí Nga : Việt Nam sẽ vượt Trung Quốc

Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga (Ảnh : naval-technology.com)
Trọng Nghĩa
Theo một viện nghiên cứu Nga, trong khoảng thời gian từ năm nay 2013 cho đến năm 2016, Trung Quốc sẽ chỉ đứng thứ tư trong danh sách các bạn hàng mua vũ khí của Nga, tụt 2 hạng so với giai đoạn 2005-2013. Từ nay đến năm 2016, thứ hạng đầu vẫn là Ấn Độ, theo sau là Irak, và đứng thứ ba là Việt Nam.

Theo bản tin trên mạng của báo Đài Loan Want China Times, trích dẫn một bản phúc trình do Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới (Centre for Analysis of World Arms Trade) công bố ngày 13/12/2013 vừa qua, Ấn Độ, Irak và Việt Nam hoàn toàn có thể là ba bạn hàng vũ khí hàng đầu của Nga trong thời kỳ 2013-2016. 
Trung tâm nghiên cứu này dự báo là bộ ba nói trên gộp lại sẽ bảo đảm khoảng 51,24% tổng doanh thu ngành xuất khẩu vũ khí của Nga, với Ấn Độ hơn hẳn các nước đi sau, chiếm 32,75%, tiếp theo là Iraq (với 9,87%) và Việt Nam (với 8,92%). 
Dự báo trên đây là một thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ của Việt Nam trong doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga chỉ là 4,86%, đứng hàng thứ năm, trong khi Irak, với 0,54%, đứng thứ bảy. Ba vị trí đầu do Ấn Độ, Trung Quốc, và Algeri nắm giữ. Chính từ năm 2005, mà New Delhi đã vươn lên giành lấy vị trí đầu bảng của Bắc Kinh. 
Theo các nhà phân tích, nhân tố thúc đẩy Hà Nội cấp tốc quay sang phía Matxcơva để tìm mua vũ khí với những khối lượng đáng kể, chính là các hành vi hung hăng của Trung Quốc đe dọa, sách nhiễu Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là từ năm 2009, khi Bắc Kinh công khai hóa tấm bản đồ hình lưỡi bò đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. 
Nổi bật trong danh mục vũ khí Việt Nam đã và sẽ tiếp tục mua vẫn là các loại phương tiện dùng để phòng thủ vùng biển, từ thương vụ mua 6 chiếc tàu ngầm kí lô, 4 chiếc khu trục hạm lớp Gepard, hàng chục chiến đấu cơ trang bị phương tiện chống tàu ngầm, cho đến các hệ thống tên lửa khác nhau dùng để phòng không, chống hạm, chống ngầm hay phòng thủ bờ biển. 
Một bản tin của Đài Tiếng nói nước Nga hôm 16/11 vừa qua đã trích dẫn ông Igor Korotchenko, Tổng biên tập của một chuyên san quốc phòng Nga, thẩm định rằng trong tương lại, trị giá các giao dịch về vũ khí Nga-Việt có thể lên đến hàng chục tỷ đô la.

Không có nhận xét nào: