Pages

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

ASEAN cần mạnh mẽ hơn với TQ trong vấn đề biển Đông

Việt Hà, phóng viên RFA

000_Hkg9812263.jpg

Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.
 AFP PHOTO


Tình hình căng thẳng ở biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN thời gian gần đây lại tiếp tục lên cao sau khi Trung Quốc cho tiến hành xây dựng một loạt đảo nhân tạo. Để đáp trả lại hành động này từ Trung Quốc, Hoa Kỳ mới đây đã bắt đầu thực hiện chương trình tự do hàng hải, theo đó Hoa Kỳ điều tàu tuần tra đến khu vực biển Đông, thách thức khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây dựng. Những diễn biến này sẽ được đề cập ra sao tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp tới tại Malaysia. Các cường quốc tham gia thượng đỉnh như Mỹ, Nhật Bản, Australia sẽ có phản ứng thế nào và họ nhìn nhận thách thức từ Trung Quốc trong tương lai ra sao?

Tại sao không chỉ đích danh TQ?

Việt Hà có cuộc trao đổi cùng chuyên gia cao cấp về Trung Quốc thuộc Viện Chiến Lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, bà Bonnie Glaser về vai trò của Mỹ và các nước ASEAN. Trước hết nói về vấn đề căng thẳng ở biển Đông tại hội nghị Đông Á sắp tới, bà Bonnie Glaser cho biết:
Có nhiều nước là thành viên của thượng đỉnh Đông Á và rất khó để khiến họ có thể có chung một tiếng nói. Do vậy đây là mẫu số chung cho kết quả mà chúng ta thấy.
-Bà Bonnie Glaser
Bonnie Glaser: Tôi nghĩ vấn đề biển Đông đã được nói đến trong khoảng 5 năm trở lại đây tại thượng đỉnh Đông Á. Đã có những thảo luận bởi một số nước. Tôi nghĩ vấn đề này có thể sẽ được đề cập trong tuyên bố chung. Tôi trông đợi là tuyên bố chung có nhắc tới Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS), tới hợp tác để giảm căng thẳng, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu không thấy có nhắc đến những đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng hoặc bất cứ điều gì dẫn đến việc chỉ đích danh Trung Quốc. Tôi nghĩ là họ sẽ nói tới việc giảm căng thẳng, tuân thủ luật quốc tế. Vào năm ngoái thượng đỉnh cũng nhắc tới tự do hàng hải và thương mại thông thương. Theo tôi thì ngôn ngữ này sẽ được nhắc lại trong thượng đỉnh lần này.
Việt Hà: Bà và nhiều chuyên gia cũng đã từng nói là sẽ không ngạc nhiên nếu các tuyên bố chung không đề cập đến Trung Quốc. Tại sao các nước không thể chỉ đích danh Trung Quốc?
Bonnie Glaser: Tôi nghĩ nhiều nước có những cái nhìn khác nhau về vấn đề này. Trung Quốc cũng là thành viên của thượng đỉnh Đông Á, có một số nước cho rằng việc giải quyết căng thẳng ở biển Đông bằng ngoại giao im lặng là tốt hơn cả, thay vì gọi tên Trung Quốc trên giấy tờ. Có nhiều nước là thành viên của thượng đỉnh Đông Á và rất khó để khiến họ có thể có chung một tiếng nói. Do vậy đây là mẫu số chung cho kết quả mà chúng ta thấy.
Việt Hà: Bà có nghĩ là lãnh đạo các nước sẽ có một cách tiếp cận nào mới với Trung Quốc tại thượng đỉnh này không?
Bonnie Glaser: Vấn đề ở biển Đông rất phức tạp và nó không thể giải quyết bởi một thượng đỉnh Đông Á. Điều xảy ra ở thượng đỉnh phải là một chiến lược toàn bộ nơi mà các nước có cùng quan điểm cố gắng tìm cách gây ảnh hưởng đến thái độ của Trung Quốc. Cho đến lúc này tôi thấy là Trung Quốc không mất gì nhiều khi họ đơn phương thay đổi hiện trạng một cách liên tục nhằm có lợi cho mình. Nhưng thực tế là rất khó để có thể làm tăng những chi phí tổn thất cho Trung Quốc, và đó là điều mà tôi nghĩ Hoa Kỳ cùng một số nước đang cố gắng thực hiện, tức là chỉ ra những hậu quả mà Trung Quốc phải gánh chịu đối với các hành động của họ. Tuy nhiên, vẫn có sự không sẵn sàng của ASEAN và thậm chí nhiều thành viên của nhóm trong việc cho Trung Quốc gánh những hậu quả do hành động của mình. Cho nên vấn đề này rất khó để đề cập đến. Nó cần phải có nỗ lực của rất nhiều nước. Hoa Kỳ không thể làm một mình. Nó phải có sự kết hợp của những biện pháp kinh tế, ngoại giao và quân sự được sử dụng đồng bộ để có thể làm thay đổi những tính toán của Trung Quốc. Tôi nghĩ thượng Đông Á đưa ra một thông cáo chung là một việc có thể làm nhưng cuối cùng đó không phải là biện pháp duy nhất mà còn cần phải làm nhiều hơn nữa.

bonnie_glaser_csis-400.jpg
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia cao cấp về Trung Quốc thuộc Viện Chiến Lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, ảnh minh họa chụp trước đây. Photo courtesy of CSIS.
Việt Hà: Các nước trong khu vực trông đợi vào vai trò đi đầu của Mỹ trong khu vực. Với việc Mỹ gửi tàu chiến đến khu vực 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng được một số chuyên gia đánh giá là tích cực nhưng vẫn có nhận định cho rằng chưa đủ mạnh. Theo bà Hoa Kỳ còn cần phải làm gì để có thuyết phục các nước tham gia tạo sức ép lên Trung Quốc?
Bonnie Glaser: Việt Nam là một ví dụ điển hình khi nước này im lặng ủng hộ việc Mỹ thực hiện chương trình tự do hàng hải ở khu vực 12 hải lý quanh những bãi đá ngầm mà Trung Quốc cho xây dựng thành đảo nhân tạo. Nhưng về mặt công khai thì Việt Nam gần như không nói gì. Việt Nam chỉ nói là các nước phải tuân thủ luật quốc tế. Việt nam không đưa vấn đề ra tòa quốc tế theo UNCLOS như Philippines đã làm. Như các nước khác, Việt Nam muốn có lợi về mặt kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc trong khi hy vọng là sẽ dựa vào các nước như Mỹ, Nhật hay các nước khác tạo áp lực lên Trung Quốc. Nhưng thành thực mà nói các nước có đòi hỏi về chủ quyền như Việt Nam cần phải làm hơn nữa. Hoa Kỳ không thể một mình làm hết. Nhật BẢn thì còn bị phân tâm bởi sức ép của Trung Quốc ở biển Hoa Đông nên những gì mà họ có thể làm ở biển Đông là rất giới hạn. Hiện tại chúng ta vẫn còn phải chờ xem là liệu Úc có thể tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông hay không. Họ có thể đơn phương thực hiện việc tuần tra trên biển cho mục đích tự do hàng hải nhưng chúng ta vẫn chưa thể biết được. Cho nên theo tôi, về mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự, các nước cần phải tích cực hơn , nhất là các nước có đòi hỏi về chủ quyền.

Lý do kinh tế?

Việt Hà: Cũng có nhận định cho rằng vì mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc mà những sức ép từ Mỹ lên Trung Quốc chưa đủ mạnh vì nếu không thì sẽ không có lợi cho Mỹ. Việc Mỹ thực hiện chương trình tự do hàng hải trên biển Đông mới đây cũng là hơi chậm và chưa đủ. Bà có nhận xét gì về điều này?
Một số nước muốn Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc, đưa nền kinh tế của Mỹ vào những rủi ro nhưng chính họ lại không muốn kinh tế nước họ gặp rủi ro.
-Bà Bonnie Galser
Bonnie Galser: Tôi đã nghe một số người ở Việt Nam và một số nước khác nói vậy nhưng tôi không hiểu họ mong Mỹ làm gì thêm nữa. Đây là một ví dụ về một số nước muốn Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc, đưa nền kinh tế của Mỹ vào những rủi ro nhưng chính họ lại không muốn kinh tế nước họ gặp rủi ro. Hoa Kỳ được trông đợi là phải tham gia, phất một chiếc đũa thần còn những nước khác chỉ đi nhờ. Điều này hoàn toàn không thực tế. Tôi nghĩ là họ cũng phải tham gia cuộc chơi. Đây là vấn đề mà một mình nước Mỹ không thể tự giải quyết và tôi nghĩ là Mỹ đang cố gắng làm những gì có thể trong khi vẫn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, gây sức ép lên Trung Quốc để khiến họ xem xét lại cách tiếp cận của họ để điều tiết những căng thẳng liên quan đến tranh chấp về chủ quyền trong khu vực. Tôi cũng nghĩ là Hoa Kỳ đã nên thực hiện chương trình tự do hàng hải của mình sớm hơn nhưng tôi không nghĩ là 6 hay 8 tháng chậm hơn có thể là một nhân tố chính quyết định việc Mỹ có thành công trong việc khiến Trung Quốc thay đổi những tính toán của mình. Vẫn còn những nhân tố khác cũng quan trọng. Một lần nữa phải nói là thái độ của những nước đòi chủ quyền trong khu vực rất quan trọng.
Việt HàVới những diễn biến gần đây ở biển Đông, bà có đánh giá thế nào về triển vọng giải quyết tranh chấp trong khu vực?
Bonnie Glaser: Tôi nghĩ có thể là chúng ta đang ở một bước ngoặt. Sự kết hợp của vụ kiện mà Philippines đưa lên tòa trọng tài quốc tế theo UNCLOS và chương trình tự do hàng hải của Mỹ, theo tôi là một sự khởi đầu của một chiến lược hiệu quả hơn nhưng tôi không nghĩ là chúng ta sẽ có chiến tranh. Tôi không nghĩ là sẽ có những xung đột quân sự. Theo tôi câu hỏi lớn vào lúc này là liệu Trung Quốc có thể bị thuyết phục rằng cách mà họ đang làm nhằm giành quyền kiểm soát đối với các đảo, vùng biển và có thể là vùng trời ở khu vực biển Đông về lâu dài là không có lợi cho họ nếu so với những rủi ro mà họ có thể có trong quan hệ với các nước láng giềng. Nếu những nước láng giềng có thể khiến Trung Quốc lựa chọn giữa sử dụng vũ lực tại biển Đông và mối quan hệ tốt với láng giềng thì tôi sẽ lạc quan hơn. Nhưng vào lúc này tương lai vẫn chưa rõ ràng là lựa chọn nào Trung Quốc sẽ có.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn
.

Không có nhận xét nào: