Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Tăng lương công chức năm 2016 lại trở nên vô vọng: Chịu đựng hay phản ứng?

Mọi chuyện diễn ra đầy chán chường và ủ ê vào kỳ họp quốc hội Việt Nam tháng 10-11/2015. Ngân sách khủng hoảng, chưa tìm đâu ra nguồn để trả nợ… đến mức chính Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải tán thán “Nói hay thế mà sao một đồng tăng lương cũng không có!”.
Với lý do ngân sách qua eo hẹp, Chính phủ đã xin hoãn việc tăng lương cho cán bộ, công chức năm 2016 sang 2017. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, với 45,000 tỷ còn dư cho năm 2016 thì rất khó chi cho khoản cụ thể nào.
Trước đó ít ngày, Bộ tài chính lấp ló đề nghị “hoãn tăng lương năm 2016”. Ý tưởng này đã ngay lập tức bị báo chí và dư luận phản ứng kịch liệt.

Còn trước đó nữa, Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã "lùi" thời điểm tăng lương cơ bản đến 1/1/2016, thay vì những hứa hẹn từ đầu năm 2015 như trước đây.
Tại một số kỳ họp quốc hội năm 2014, Ủy ban thường vụ quốc hội và một số đại biểu đã chất vấn Chính phủ về chuyện khi nào có thể tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức và lấy nguồn tiền ở đâu để tăng. Theo ước tính, chỉ cần khoảng 30,000 – 40,000 tỷ đồng - tương đương khoảng 6-8% giá trị nợ xấu trong hệ thống ngân hàng - là có thể tăng lương cơ bản. Tuy nhiên ngược lại với sự mạnh miệng hứa hẹn của một số quan chức chính phủ, cho đến cuối năm 2014, con số được nêu ra chỉ là 11,000 tỷ đồng, được dùng không phải tăng lương cơ bản mà chỉ để nâng mức lương tối thiểu.
Song đến giờ thì thậm chí ngân sách không có nổi 10,000 tỷ đồng để tăng lương cho 4 triệu người hưởng lương. Chỉ sau khi bị Quốc hội phản ứng quyết liệt, phía chính phủ mới nêu ra đề nghị sẽ dùng khoảng 1,500 tỷ đồng để tăng pương cho giới hưu trí trong năm 2016. Nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì đến đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “hành là chính”.
Trước tình trạng ngân sách ngày càng chìm ngập trong cơn lũ bội chi, lãng phí và tham nhũng, không một quan chức nào có thể dám chắc là vào thời điểm nào thì lương cơ bản sẽ được tăng như đã được hứa hẹn quá nhiều lần trong những năm qua.
Ngay trong hai năm 2015 và 2016, ngân sách Việt Nam còn chưa thể tìm được nguồn để trả số nợ vay quốc tế đến hạn lên tới 16 tỷ USD. Kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ cho tới giờ này vẫn ậm ạch trên giấy. Nhưng có phát hành trôi chảy hay không bán được một đồng nào thì không ai biết.
Cuối năm 2014, đợt phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ đã “thành công tốt đẹp’, khi kết quả đã không có cái tên tổ chức quốc tế mua trái phiếu nào được trưng ra, trong khi lại âm thầm lời đồn đoán rằng chính Ngân hàng Vietcombank với đa số cổ phần của Ngân hàng nhà nước đã đứng ra “ôm” số trái phiếu bất đắc dĩ này.
Nếu lương cơ bản cho công chức viên chức vẫn không được tăng vào năm 2016 và cả năm 2017, không  chỉ phản ứng tâm lý mà cả phản ứng xã hội sẽ phát sinh từ đội ngũ “trung thành” này. Nhiều người sẽ rời khỏi khu vực nhà nước và kể cả ra khỏi đảng vì lợi ích của họ không còn được “đảng lo” như trước đây.
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào: