Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Những bài hát ca ngợi lịch sử chống phương Bắc xâm lăng

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm đã nhiều lần bị quân Phương Bắc tức Trung Quốc xâm lăng và đô hộ; và dân tộc ta đã anh dũng dành lại được độc lập cho xứ sở. Ngày hôm nay mối hiểm nguy bị đế quốc to lớn này lấn chiếm Biển Đông, đến nạn bị lệ thuộc mọi mặt từ kinh tế đến xã hội, chính trị.
Trong dòng tân nhạc đã có một số bài hát ca ngợi lịch sử đấu tranh của tiền nhân từ ngàn năm trước chống giặc Tàu đến từ Phương Bắc. Những ca khúc này được trình diễn trong nhiều buổi văn nghệ, xin kể ra như sau:

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là tác giả bản Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa; ông sáng tác một số ca khúc lịch sử rất giá trị như bản Bạch Đằng Giang, Hội Nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng.
Lời ca bản Bạch Đằng Giang :
Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.

Trên trời cao muôn sắc đua chen bóng ô. Dưới đáy dòng nước ánh sáng vởn vơ nhấp nhô. Hàng cây cao soi bóng gió cuốn muôn ngàn lau. Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao.

Điệp khúc- Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành .Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần.
Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng. Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng,Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung. 

Bài hát ca ngợi chiến công của vua Ngô Quyền năm 938 đánh tan quân giặc Nam Hán từ phương Bắc trên sông Bạch Đằng. Và cũng trên con sông này Trần Hưng Đạo đã nhận chìm nhiều thuyền giặc Nguyên đến từ phương Bắc vào năm 1288.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, trước năm 1975 trên đài phát thanh Sài Gòn vẫn thường phổ biến bản Bạch Đằng Giang hợp ca rất hay và tạo nên tinh thần yêu nước đấu tranh cho toàn dân trong đó có giới trẻ học sinh sinh viên. Ca khúc Bạch Đằng Giang lời ca đầy ý nghĩa, nét nhạc hùng tráng, phong phú, hát luôn một lần mà không lập lại câu nhạc. Đoạn giữa điệp khúc chuyển sang tông thứ nghe êm ái như giây phút lắng lòng tưởng nhớ đến chiến công của tiền nhân. Dễ hát, dễ nghe, dễ nhớ, ca khúc Bạch Đằng Giang dễ đi vào lòng quần chúng.
Bản Hội Nghị Diên Hồng lời ca như sau:
Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng, biên thùy rung chuyển. Nghe lừng non sông rền vang tiếng vó câu, gây oán nghìn thu.Toàn dânTiên Long, sơn hà nguy biến. Nào người hào hùng, nên hòa hay chiến.

Diên Hồng tâu lên cùng minh chúa báo ân,hỡi đâu tứ dân.

Kìa vừng hồng bừng chiếu trên đỉnh núi. Ôi Thăng Long khói kinh kỳ phơi phới. Loa vang vang, tiếng loa truyền bốn phương
, theo gió bay khắp miền sông núi réo đời. Thề chung một lòng, gìn non nước, yêu quê hương. Giống anh hùng nêu cao chí lớn. Giống anh hùng theo tiếng quốc hồn. Đi phen này, lòng mong tâu lên long nhan, dòng Lạc Hồng xin thề liều thân,liều thân.

Đường còn dài, hờn vương trên quan tái. Xa xa trông, áng mây đầu non đoài.

Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà. Đạp thành trì, toan xéo giày lăng miếu.Nhìn bao quân Thát lấn xâm tràn nước ta.Ôi sông núi nhà, ngàn tiếng muôn dân kêu la.

Trước nhục nước, nên-hòa hay nên-chiến? Quyết chiến.

Trước nhục nước, nên-hòa hay nên-chiến? Quyết chiến.

Quyết chiến luôn, cứu nước nhà, nối chí bao hùng anh.

Thế nước yếu, lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh.

Thế nước yếu, lấy gì lo chiến chinh.Hy sinh.

Thề liều thân cho sông núi. Muôn năm lừng uy.
Bản này ghi lại Hội Nghị Diên Hồng do đời vua Trần Thánh Tông năm 1284 triệu tập các bô lão để hỏi ý kiến nên hòa hay chiến trước sự xâm lăng của quân Nguyên quá mạnh. Và tất cả bô lão đã đồng ý quyết chiến.
Ca khúc Hội Nghị Diên Hồng lồng lộng tình yêu non sông, đoạn hỏi nên hòa hay nên chiến và trả lời quyết chiến là cao điểm của bài hát, tạo khí thế đấu tranh cho người hát lẫn người nghe.
Bản Ải Chi Lăng tả lại chiến công của quân kháng chiến Lê Lợi chém đầu tướng Tàu thuộc nhà Minh là An Viễn Hầu Liễu Thăng vào năm 1427.
Có những câu như : “Chi Lăng, Chi Lăng tiếng ai hò reo vang trời. Chi Lăng, Chi Lăng, bóng ai tranh hùng muôn đời… Thù muôn năm, Liễu Thăng kéo quân tiến qua biên thùy, ngựa phi như sóng, vượt khe suối, lướt rừng núi. Ngờ đâu tiếng loa vừa báo, Lê tướng quân chước thâm tài cao, đồng ứng phá tan giặc Minh. Hùng anh múa tít gươm linh, hồi nhớ vang rền.”
Nhạc sĩ Hoàng Quí viết bản Trên Sông Bạch Đằng. Lời ca như sau :
Trên sông Bạch Ðằng, quân Nam ầm reo,sóng nước vang đưa, bao con thuyền mành trôi theo. Cờ bay gươm tuốt ra, quân vùng lên, làm cho đuổi tan hết quân Nguyên. Ðến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Ðằng, thì anh em ta vui ca rằng :

Con sông Bạch Đằng nước trôi triền miên, có biết đâu bao năm qua là mộ quân Nguyên;  ai nhớ thương cho quân Việt hết. Ðến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Ðằng thì anh em ta vui chiến thắng.
Bài ca ngắn, lời dễ nhớ dễ hát thích hợp cho các buổi sinh hoạt thanh thiếu niên.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết bản Đại Phá Quân Thanh ca ngợi chiến công vua Quang Trung trong thời gian rất ngắn đuổi Tôn Sĩ Nghị chạy về Tàu và làm cho tướng Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử vào Xuân Kỷ Dậu 1789.
 Lời ca như sau:
Ai phá tan quân Sầm Nghi Đống, vua Quang Trung, đất Đống Đa chôn vạn quân thù, nơi chôn bao nhiêu quân thù.

Ai phá tan binh đoàn giặc Thanh,vua Quang Trung, đất Hà Hồi còn vọng hồi chiêng.

Ai nhớ chăng Quang Bình anh dũng,vua Quang Trung, đất Đống Đa chôn vạn quân thù, nơi chôn bao nhiêu quân thù. 


Ai phá tan binh đoàn giặc Thanh, vua Quang Trung, đất Hà Hồi còn vọng hồi chiêng.

Giặc nhà Thanh, đây Tôn Sĩ Nghị. Giặc nhà Thanh, đây Sầm Nghi Đống. Giặc tràn qua khắp bờ sông Nhị, giặc tràn qua vây chặt thành Thăng Long

Mười vạn quân do ngài Quang Bình,ào ào đi ngăn đoàn quân tiến, ào ào đi đến miền Tam Điệp, đợi mồng năm tiêu diệt sạch quân Thanh.

Này bập bùng nhịp trống bồi hồi dòng chiến,vó ngựa hùng anh, vó ngựa dồn nhanh, vó ngựa tàn canh,vó ngựa lừng vang, rung rinh kinh thành.

Nhằm Lục Đầu mà tiến, nhìn về Lạng Giang, hướng về Hải Dương,Bắc Bình Đại Vương, tiến Hà Hồi nhanh,đến Ngọc Hồi luôn, quân Thanh tan tành.

Ngàn quân Tàu vượt cầu, như nước tràn, hàng ngàn hàng ngàn quân Tàu, vượt cầu trong gió ngàn. Ngàn quân Tàu sập cầu tô thắm màu Nhị Hà. Nhị Hà nước về đỏ ngầu thây chất tràn .Nào ngờ đâu bao mộng tan tành.Vạn giặc Thanh như là mây khói. Và từ đây nước Việt yên lành, ngàn đời sau Bắc Bình còn vang danh”.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh viết bản Trưng Nữ Vương ca ngợi Hai Bà Trưng đã đứng lên đánh đuổi giặc Tàu hơn ngàn năm trước.
Lời ca như sau:
Trưng Nữ-Vương lau phấn son mưu thù nhà, mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca, thu về giang san cho lừng uy gái Nam, bầu trời Á sáng ngời ánh quang.

Nợ nước phó tay người nhi nữ, tình riêng cứu nguy cho toàn-dân, một lòng trung trinh son sắt bên Hát giang sóng rền.

Trưng Nữ Vương dày đức cao ơn, xin ứng-linh ban phúc cho giang san hoà bình.

Trưng Nữ Vương, nước non còn đó, giống Lạc Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông.

Hồn quốc gia mờ phai má đào, nhà Việt lặng buồn rầu rĩ sầu-đau, xui lòng nhi-nữ mau phục thù, Mê-Linh ngợp trời cờ Việt sóng xô.

Mang phấn son to màu sơn-hà, lòng vì nước vì nhà, cho Việt Nam muôn đời hùng cường, nhờ ơn-đức Trưng Nữ Vương.

Trưng Nữ-Vương lau phấn son mưu thù nhà,,mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca, thu về giang-san cho lừng-uy gái Nam, bầu trời Á sáng ngời ánh quang.

Nợ nước phó tay người nhi-nữ, tình riêng cứu nguy cho toàn-dân, một lòng trung trinh son sắt bên Hát-giang sóng rền.

Trưng Nữ Vương dày đức cao ơn, xin ứng linh ban phúc cho giang san hoà bình.

Trưng Nữ Vương, nước-non còn đó, giống Lạc Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông.
Nhạc sĩ Hùng Lân viết bản Việt Nam Minh Châu Trời Đông ca ngợi dân tộc và đất nước Việt Nam. Lời ca đầy khí thế, nét nhạc uy nghiêm, kể lại những chiến công của tiền nhân chống giặc ngoại xâm.
Lời ca như sau:
Việt Nam minh châu trời đông.

Việt Nam nước thiêng tiên rồng

Non sông như gấm hoa uy linh một phương.

Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương.

Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi

Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời

Máu ai còn vương cỏ hoạ

Giục đem tấm thân trải với sơn hà.

Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước

Hy sinh xương máu mong báo đền ơn nước.

"Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam.

Thề trọn đời trung thành với sơn hà nước Nam.
Trên đây là một số bài hát ca ngợi lịch sử chống ngoại xâm được sáng tác mấy chục năm trước của các nhạc sĩ tiền bối, tất cả đều đã qua đời, truyền lại những cảm hứng cho các nhạc sĩ thế hệ hôm nay viết tiếp những dòng nhạc đấu tranh quê hương,
                                                                      Trần Chí Phúc/ SBTN

Không có nhận xét nào: