Pages

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Thế giới chờ đợi gì ở Mỹ sau vụ khủng bố Paris ?


Sau vụ khủng bố Paris, hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế chờ đợi 1 cái bắt tay chân thực giữa Nga-Mỹ, để tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.

Tổng thống Nga Putin nhắn nhủ Tổng thống Mỹ Obama

Tối ngày thứ Sáu - 13 tháng 11 đã xảy ra vụ 7 khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris của nước Pháp.

Những phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đã xả súng trong nhà hát Bactalan, 2 nhà hàng, viện bảo tàng, trung tâm văn hóa và sân vận động "Stade de France", có sự hiện diện của Tổng thống Pháp François Hollande trong trận giao hữu giữa đội bóng đá của Pháp và Đức.

Theo số liệu mới nhất, tổng cộng đã có 129 nạn nhân thiệt mạng, 352 người bị thương, trong đó có 99 trường hợp nguy kịch, khiến con số nạn nhân có thể tăng trong mấy ngày tới.

Bàn về cuộc chiến chống khủng bố sau vụ tấn công đẫm máu của IS ở Paris, Tổng thống Nga Putin đã thể hiện sự lo lắng trước thực trạng chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành ngày một ngang ngược hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn và tính chất ngày càng manh động và tàn ác hơn.

Phát biểu trước truyền thông ngày 15/11, Tổng thống Nga Putin khẳng định, chỉ có đoàn kết toàn cộng đồng quốc tế mới có thể đối phó với mối đe dọa đang lan nhanh trên toàn cầu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo - Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin.

Ông Putin đã nói điều này tại cuộc hội đàm không chính thức của các nước BRICS (Brazil, Russia, India, China, South Africa) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga nói thêm rằng, mọi hành động cần phải phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia.

chodoi2
                            Tổng thống Nga Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết chống IS

Ông phân tích rằng, chỉ cần chế độ của ông Assad sụp đổ, đất nước Syria sẽ trở nên hỗn loạn, IS sẽ có điều kiện thống nhất hoặc nuốt chửng các nhóm vũ trang khác, bành trướng thế lực ở Trung Đông-Bắc Phi, hình thành một tổ chức khủng bố theo dạng Nhà nước tập quyền siêu lớn và thẳng tiến sang châu Âu.

Điều đó sẽ là thảm họa cho không chỉ nhân dân các khu vực này mà hậu quả của nó sẽ lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Ông Putin bày tỏ sự hy vọng là thảm họa khủng bố ở Paris sẽ làm Hoa Kỳ và các nước NATO thay đổi mục tiêu ưu tiên trong cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama ghi nhận vai trò những nỗ lực quân sự của Nga trong cuộc chiến chống IS ở Syria.

Phát ngôn viên Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng, trong cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp mà Nga đang thực hiện trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" IS ở Syria,

"Tổng thống Obama hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước trong cuộc chiến đối đầu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và ghi nhận tầm quan trọng những nỗ lực quân sự của Nga ở Syria nhằm vào nhóm này" - người đại diện của Nhà Trắng nói.

chodoi3
                            Tổng thống Obama cam kết sát cánh bên Pháp chống khủng bố IS

Trước nguy cơ khủng bố lan tràn, lãnh đạo các cường quốc như Nga, Mỹ, Anh, Đức… đã bày tỏ sự chia sẻ với nỗi đau của nhân dân Pháp và thể hiện sự căm phẫn trước các hành động khủng bố của IS, đồng thời cam kết sẽ làm hết sức để đánh bại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

Tuy nhiên, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế cho đến nay mang tính chất đơn lẻ, không có sự đoàn kết, phối hợp và một phương hướng hành động chung nhất quán. Hiện Nga và Mỹ đang lãnh đạo 2 lực lượng quân sự chống IS ở Syria và Iraq nhưng bất đồng quan điểm và thường xuyên đả kích lẫn nhau.

Sau vụ khủng bố đẫm máu này, cộng đồng quốc tế đang hy vọng một sự bắt tay hợp tác giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq.

Mặc dù Hoa Kỳ đã có những hành động tích cực trong thời gian gần đây, nhưng rất khó đánh giá được rằng trong thời gian tới, Washington sẽ có những chuyển biến như thế nào trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, bởi từ trước đến nay, "chú Sam" luôn "nói một đằng làm một nẻo".

Tờ Washington Times của Mỹ ngày 15/11 nhận định rằng, với chiến dịch quân sự hiệu quả ở Syria, Tổng thống Nga Putin đã khiến Tổng thống Hoa Kỳ phải xấu hổ và buộc ông Obama suy nghĩ và hành động nghiêm túc hơn trong cuộc đấu tranh chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Trung Đông.

Lầu Năm Góc đã quyết định oanh tạc vào những chủ thể quan trọng nhất và khó khôi phục nhất của IS là các cơ sở khai thác dầu mỏ lớn. Lầu Năm Góc dự định chặn đà sản xuất dầu tại những khu mỏ, hiện nằm dưới sự kiểm soát của bọn khủng bố để cắt nguồn thu tài chính của chúng.

Ông Obama đã từng tuyên bố rất hùng hồn rằng : "Tôi sẽ chứng tỏ rằng Hoa Kỳ sẽ săn tìm các phần tử khủng bố, những kẻ đe dọa đất nước chúng ta, bất kể chúng ở đâu. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ không do dự phê duyệt các biện pháp chống IS ở Syria cũng như ở Iraq".

Tác giả bài báo trên Washington Times nhấn mạnh rằng, sự kỳ quặc là chỉ đến bây giờ Nhà Trắng "mới có vẻ" nghiêm túc thực hiện việc triệt phá nguồn thu nhập chính của IS, mặc dù đã hơn một năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố dự định "làm suy yếu và tiêu diệt" nhóm khủng bố.

chodoi4
                              Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS cần phải bị tiêu diệt

Như nhận xét của tờ báo, thực tế trì hoãn hành động như vậy có mấy cách giải thích như sau : Thứ nhất là có thể gắn với việc nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama sắp kết thúc, và ông ta cố tình rời chức vụ mà để lại "mớ hỗn độn" cho người kế nhiệm.

Nhưng cũng có thể giải thích quyết định mới của Lầu Năm Góc là bởi sự can thiệp của Nga vào xung đột Syria. Moscow đã khiến Chính phủ Hoa Kỳ không còn lựa chọn nào khác, chí ít cũng phải có hành động nào đó để chứng minh với cộng đồng quốc tế là IS không phải là "con đẻ", "con nuôi" của họ.

Ngoài ra, nếu trong thời gian tới Mỹ không có những động thái tích cực mới thì thói hai mặt giả dối và thất bại của đảng Dân chủ khi thi hành chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ càng trở nên rõ ràng - tác giả bài viết trên Washington Times kết luận.

Tuy nhiên, liệu Mỹ có những biến chuyển như thế nào trong chính sách chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria thì không ai có thể đoán định được.

Hoạt động chống khủng bố có hiệu quả hay không phụ thuộc vào chính mục đích chính trị và quyết tâm hành động của chủ thể tiến hành. Nếu không có mục đích "trong sáng" hoặc chỉ tiến hành để cạnh tranh ảnh hưởng hay "chia phần thành tích" thì chắc chắn nó sẽ thất bại.

chodoi5
      Không quân Pháp đã không kích vụ đầu tiên vào các mục tiêu IS sau vụ khủng bố Paris

Mỹ đã từng tuyên bố nhiều, cam kết nhiều và hành động không hiệu quả cũng nhiều. Những biến chuyển mới trong hành động chống IS của Mỹ sau vụ khủng bố Paris, chỉ có thể được đánh giá bằng hành động thực tiễn của Washington.

Một thông tin mới nhất là không quân Pháp lần đầu tiên ném bom IS tại Syria sau vụ tấn công khủng bố ở Paris. Các máy bay chiến đấu của không quân Pháp đã giáng đòn nặng vào các cứ điểm của nhóm "Nhà nước Hồi giáo" tại thành phố Al-Raqqa ở Syria, theo BFMTV.

Kết quả vụ không kích đã phá hủy một trạm chỉ huy và trại đào tạo của IS. Nhóm máy bay chiến đấu của Pháp đã thả tất cả 20 quả bom có điều khiển xuống mục tiêu, sau khi đã làm việc với lực lượng quân sự Mỹ để bàn việc tăng cường độ không kích vào các cứ điểm của nhóm "nhà nước Hồi giáo" IS.

Trước khi vụ khủng bố xảy ra, không quân Pháp cũng đã chuyển mục tiêu từ Iraq sang Syria, tổ chức hàng loạt cuộc không kích vào các trạm cung ứng xăng dầu và các tuyến đường ống trung chuyển xăng dầu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.

Nhật Nam

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào: