Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

TPP, triển vọng và thách đố cho cuộc vận động xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam

Trần Minh Khôi
Có hai cách nhìn về sự nhượng bộ của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trước yêu cầu của chính quyền Mỹ cho phép sự hình thành tổ chức công đoàn đứng ngoài sự kiểm soát của nhà nước. Cách nhìn tiêu cực cho rằng những người lãnh đạo Đảng không còn lựa chọn nào khác hơn là phải hy sinh một trong những nguyên tắc cai trị căn bản của họ, là nắm quyền lãnh đạo các tổ chức lao động, để đổi lấy việc giao thương kinh tế tự do với một thị trường lớn nhất thế giới, qua đó cứu lấy nền kinh tế đang khủng hoảng trầm trọng và có nguy cơ làm sụp đổ các nền tảng cai trị của họ.
Cái nhìn tích cực hơn thừa nhận bước đi dũng cảm của họ, ngay trong sự tuyệt vọng của cố gắng thay đổi các định chế chính trị xã hội để phát triển đất nước. Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản hiểu rằng nếu không có tác động từ bên ngoài thì sẽ không thể nào thay đổi được, ngay cả khi họ muốn, các định chế chính trị xã hội đã trở nên cố hữu và bị khống chế bởi các thế lực đặc quyền trong đảng.

Công đoàn là một định chế như thế.
Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề công đoàn tự chủ, có thể đứng ngoài sự kiểm soát của Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam, cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản trong giới lao động, trở nên một vấn đề được giới báo chí và chính trị Mỹ quan tâm. Trong hàng ngàn điều khoản được ký kết giữa Mỹ và các nước trong khuôn khổ Hiệp định TPP, tờ New York Times đã chọn điều khoản ký riêng giữa Mỹ và Việt Nam, chương 19, phần III, về hoạt động công đoàn ở Việt Nam để giới thiệu toàn văn hiệp định này trong một bài báo có tựa đề “Việt Nam đồng ý với các điều kiện của Mỹ về quyền lao động”. Bài báo trích lời của một quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng thỏa thuận này đưa đến những cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để thúc đẩy sự thay đổi định chế ở Việt Nam.
Đương nhiên, nhận định lạc quan của viên chức ngoại giao kia không phải là được chia sẻ một cách phổ quát. AFL-CIO, tổ chức liên đoàn lao động Mỹ, đã lên tiếng bày tỏ sự nghi ngờ tính thực tiễn của các điều khoản này. Những người lãnh đạo công đoàn Mỹ có kinh nghiệm của họ: những lời hứa hẹn từ phía chính quyền khó có thể tin được, nói gì đến một chính quyền độc đoán và thường xuyên bội tín trước những thỏa thuận quốc tế mà chính họ đã đặt bút ký. Trong những ngày này, khi hiệp định TPP vẫn chưa được quốc hội Mỹ thông qua, AFL-CIO vẫn dồn tất cả cố gắng của họ để vận động lưỡng viện quốc hội đánh bại nó. Nhưng trong những trao đổi riêng, những người lãnh đạo giới lao động Mỹ cũng thừa nhận rằng, nếu Việt Nam - một chữ “nếu” rất lớn - tôn trọng và thực thi các điều khoản đã ký kết với Mỹ về quyền của người lao động, thì đây là một cơ hội lớn chưa bao giờ có trước đây cho giới lao động Mỹ liên kết với giới lao động Việt Nam đấu tranh vì quyền lợi chung của người lao động ở hai quốc gia.
Nghe như một viễn cảnh mà chính Marx đã tiên liệu trong Tuyên ngôn Cộng sản, “Lao động thế giới, Đoàn kết lại!” Có lẽ chính Marx cũng đang trở mình ở dưới mồ: Giới lao động Việt Nam đang chịu những đày đọa, những bất công do chính những người nhân danh họ, cấu kết với tư bản nước ngoài, gây ra. Và giờ đây họ phải đang phải trông đợi sự giúp đỡ, hỗ trợ của giới lao động từ một quốc gia “tư bản” khác để đấu tranh giành lại quyền của họ.
Ba thập niên “đổi mới” của nền kinh tế Việt Nam đã làm thay đổi diện mạo của các mối quan hệ kinh tế, từ chính sách đến khung pháp lý, từ phương thức vận động nguồn vốn đến sở hữu phương tiện sản xuất, từ mạng lưới cung cầu đến thị trường, từ nguồn nhân lực đến tài nguyên. Nhưng có một thứ không thay đổi: tổ chức của người lao động. Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam, trên danh nghĩa, là tổ chức của người lao động Việt Nam. Nhưng điều duy nhất mà tổ chức này làm được trong ba mươi năm qua là kìm hãm sự phát triển về nhận thức và tổ chức của hàng triệu người lao động mà nó đại diện. Chúng ta đang ở thế kỷ 21 nhưng người lao động Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức để đấu tranh với giới chủ nhằm bảo vệ các quyền lợi thiết thân của họ.
Cho đến khi có TPP – nếu, lần nữa, một chữ “nếu” rất lớn, những người lãnh đạo Việt Nam tôn trọng và thực thi những gì họ đã ký kết – triển vọng cho sự hình thành tổ chức của người lao động đấu tranh cho quyền của người lao động, lần đầu tiên trong gần nửa thế kỷ (và lâu hơn ở miền Bắc) của lịch sử lao động Việt Nam, là một triển vọng rất đáng lạc quan.
Tuy nhiên, ngay cả khi hành lang pháp lý của việc hình thành các tổ chức lao động độc lập được thiết lập, lịch sử cho chúng ta thấy công việc tổ chức giới lao động là một công việc vô cùng khó khăn. Các quốc gia Âu Mỹ đã có dân chủ và tự do từ rất lâu, nhưng không phải nhờ thế mà cuộc đấu tranh của giới lao động bớt gian truân. Giới lao động Âu Mỹ vẫn phải đổ máu và chịu tù tội trong hàng thập niên để có được điều mà họ có ngày hôm nay. Với một chính quyền độc đoán và bội tín như chính quyền hiện tại ở Việt Nam, công việc tổ chức giới lao động sẽ gian truân hơn rất nhiều. Với một tầng lớp lao động “di dân”, mà ở đó tuyệt đại đa số người lao động xuất thân từ nông thôn “di dân” lên các khu công nghiệp ở đô thị, với những giới hạn về ý thức tổ chức và sinh hoạt tổ chức, sự gian truân đó nhân lên bội phần.
Nhưng chính ở đây, lời tiên nghiệm của Marx có thể trở thành sự thật: giới lao động Mỹ sẽ hỗ trợ cho giới lao động Việt Nam trong việc tổ chức và đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Và giới lao động Mỹ không làm điều này vì những ý tưởng “lao động thế giới” lãng mạn của Marx; họ làm điều này chính vì quyền lợi thiết thân của họ. Từ hơn ba mươi năm nay, giới lao động Mỹ điêu đứng vì các công ty đa quốc gia đã dời cơ sở sản xuất của họ từ Mỹ sang các nước đang phát triển để hưởng các điều kiện dễ dãi về kiểm soát môi trường, về an toàn lao động, và đặc biệt là hưởng lợi từ việc thông đồng với các tổ chức đại diện lao động, như Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam, để bóc lột người lao động mà không bị phản kháng. Những người lãnh đạo lao động Mỹ tin rằng một khi giới lao động ở các quốc gia đang phát triển đủ trưởng thành để đấu tranh cho các quyền lợi mà giới lao động Mỹ đang được hưởng ở Mỹ thì chi phí sản xuất ở các quốc gia đang phát triển này không còn thấp nữa và các công ty Mỹ không còn lý do để di dời các cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Họ toan tính một cuộc đấu tranh dài hơi. Hai vấn đề của giới lao động ở các quốc gia đang phát triển mà giới lao động Mỹ quan tâm: an toàn lao động và thương lượng tiền lương tập thể. Đây là hai lãnh vực mà họ tin rằng họ sẽ có tác động lớn.
Phương thức hỗ trợ của họ là liên kết giữa những người lao động cùng một công ty hay tập đoàn. Ví dụ, công ty A có cơ sở sản xuất ở Mỹ và ở Việt Nam. Các tổ chức lao động Mỹ ở cơ sở sản xuất của công ty A này ở Mỹ sẽ hỗ trợ huấn luyện về an toàn lao động cũng như công tác tổ chức, phương pháp thương lượng tiền lương, hoặc ngay cả phối hợp đình công với các tổ chức lao động Việt Nam trong các cơ sở sản xuất của công ty A ở Việt Nam. Tổng Liên đoàn Lao động Mỹ, AFL-CIO, đã thiết lập một bộ phận quốc tế, lấy tên là Trung tâm Đoàn kết (Solidarity Center), để xúc tiến các loại hình hỗ trợ trực tiếp này. Điều kiện duy nhất cho sự hỗ trợ của họ là sự có mặt của tổ chức lao động không bị kiểm soát bởi nhà nước, điều mà TPP hứa hẹn.
Những hỗ trợ ban đầu này từ một tổ chức công đoàn lão luyện như AFL-CIO sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để giới lao động Việt Nam tự hoàn thiện về nhận thức tổ chức cũng như sinh hoạt tổ chức. Chúng đặt nền móng cho sự phát triển tiếp tục và trưởng thành của hoạt động công đoàn độc lập ở Việt Nam, thúc đẩy tiến trình thay đổi các định chế chính trị xã hội và dân chủ hóa. Công đoàn độc lập là một định chế quan trọng trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ.
Sự tồn tại của các tổ chức công đoàn độc lập trưởng thành đóng vai trò thiết yếu trong việc giữ ổn định xã hội một khi các định chế toàn trị rạn nứt. Các vụ bạo loạn ở Bình Dương và Vũng Áng hồi năm 2014, sau sự kiện giàn khoan Trung Quốc vào Biển Đông, gợi ý về những khả năng bùng nổ xã hội và bạo loạn lao động rất lớn trong lòng xã hội Việt Nam. Sự kìm hãm và kiểm soát các hoạt động lao động của Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam, bên cạnh những dồn nén vì những bất công về chính sách lương và điều kiện lao động, đưa đến tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật, và đầy bất mãn trong giới lao động Việt Nam. Đây là những kho thuốc súng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các lực lượng thuộc quyền lực nhà nước như công an và quân đội chỉ có thể đàn áp chứ không có khả năng ngăn chặn bạo loạn lao động. Chỉ có tổ chức công đoàn độc lập có khả năng đó. Công đoàn độc lập là một bộ phận của xã hội dân sự. Nó giữ chức năng quan trọng của xã hội dân sự trong một tiến trình chuyển tiếp dân chủ ôn hòa: chức năng giữ ổn định xã hội.
Nhận thức này đặt ra những thách đố rất lớn cho những người hoạt động xã hội muốn đi vào hoạt động trong các lãnh vực lao động công nghiệp. Khác với loại hình hoạt động xã hội dân sự ở đô thị, mà ở đó các nhu cầu về quyền dân sự như các quyền tự do phổ quát, cũng như ý thức về tổ chức, được hiểu và chia sẻ chung bởi tầng lớp sinh viên và trí trức, hoạt động công đoàn, và trong điều kiện giới hạn về nhận thức và kinh nghiệm tổ chức ở các tầng lớp lao động, khó khăn hơn rất nhiều. Hoạt động công đoàn đòi hỏi những nghiệp vụ có tính chuyên môn cao. Người hoạt động công đoàn phải hiểu về hệ thống pháp lý, hiểu và có kinh nghiệm về tổ chức, hiểu và có kinh nghiệm về các vấn đề của quan hệ lao động. Đó là chưa nói đến những trở lực khác sự chính quyền cũng như sự thao túng của các thế lực chính trị trong và ngoài nước, sự đe dọa, có khi đến tính mạng, của các thế lực mà quyền lợi kinh tế của chúng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự trưởng thành của tổ chức lao động.
Sự thành công hay thất bại của cuộc vận động xây dựng công đoàn độc lập sẽ quyết định phần lớn sự thành công hay thất bại của một cuộc chuyển tiếp dân chủ trong ôn hòa mà chúng ta trông đợi. Nhìn từ góc độ nào đi nữa thì những thỏa thuận mà những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã cam kết với chính phủ Mỹ về quyền của người lao động vẫn là một tín hiệu đáng được đón nhận với một tinh thần lạc quan. Nếu những người lãnh đạo Việt Nam thực tâm tôn trọng những cam kết này trong thời gian tới thì một hành lang pháp lý sẽ được thiết lập cho sự ra đời của một tổ chức dân sự quan trọng trong cuộc chuyển tiếp dân chủ và trong đời sống quốc gia.
Phần còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và bản lĩnh của những người hoạt động xã hội Việt Nam.

Không có nhận xét nào: