Nền kinh tế Việt Nam đang lao đến thời điểm cuối của năm 2015 với ngồn ngộn triệu chứng khủng hoảng. Thế nhưng điều kỳ lạ là các báo cáo của Chính phủ vẫn không suy xuyển thái độ lạc quan về “GDP tiếp tục tăng trưởng”, và “nền kinh tế tiếp tục phục hồi”. Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng nhà nước vẫn ung dung với chiến dịch “tái cơ cấu ngân hàng”…
Sự thật là thế nào?
Trước mắt, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn giữ được “lời thề” trước đây “không để ngân hàng nào bị phá sản”. Bằng chứng rõ rệt nhất là Ngân hàng nhà nước đã giang rộng tay để “ôm” 3 ngân hàng thương mại cổ phần là Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng GP. Cả ba ngân hàng này lại đều tràn ngập “vấn đề”, khi vào tháng 7/2014, 3 quan chức cao cấp của Ngân hàng Xây Dựng bị khởi tố và bị bắt giam, còn đến tháng 10/2014 nổ ra vụ bắt Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương Hà Văn Thắm.
Tuy nhiên vào năm 2014, chưa có thông tin về việc Ngân hàng nhà nước mua lại các ngân hàng trên với giá 0 đồng. Chỉ đến năm 2015, thông tin này mới được công khai, bao gồm cả Ngân hàng GP.
Như vậy về thực chất, dự đoán của một số chuyên gia phản biện độc lập về khả năng “cuối 2014 sẽ có ngân hàng thương mại hạng trung bị phá sản” là không sai. Không phải chỉ một, mà có ít nhất 3 ngân hàng như đã nêu trên rơi vào tình cảnh không còn khả năng chi trả, nếu không được Ngân hàng nhà nước “ôm”. Về sau này, động cơ cứu ngân hàng thương mại để làm đẹp chiến dịch “tái cơ cấu ngân hàng” đã được cả một số quan chức quốc hội thừa nhận.
Tuy nhiên bài toán ngày càng trở nên bế tắc: nếu cho đến nay Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) chỉ mới giải quyết được khoảng 7% số nợ xấu mua lại từ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng nhà nước cũng đang bị phản ứng về phương án dùng tiền ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để giải cứu những ngân hàng thương mại sắp đổ bể. Còn nếu không dùng tiền ngân sách thì lấy nguồn ở đâu?
Ẩn số thứ hai trong phương trình ngân hàng, là nếu vào năm 2016 còn xuất hiện thêm một số ngân hàng làm ăn thất bát, trong đó đặc biệt là Agribank với tư cách quán quân bị ra tòa vì tham nhũng, liệu Ngân hàng nhà nước còn đủ sức để “ôm” những ngân hàng này? Hay cuối cùng sẽ là cú buông và từ chối hoàn toàn trách nhiệm quản lý nhà nước? Khi đó, sẽ không còn ngăn cản được làn sóng người dân ào đến ngân hàng để rút tiền. Nguy cơ vỡ đập cũng sẽ hiện hình…
Một kịch bản có nhiều khả năng xảy đến, là vào cuối năm 2016, tình hình ngân sách và tín dụng ở Việt Nam sẽ còn tồi tệ hơn hiện nay, dẫn đến hàng loạt ngân hàng loại nhỏ và trung phá sản.
Ai sẽ phải giải quyết mớ hổ lốn đó?
Lê Dung / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét