Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Báo chí tư nhân ở Việt Nam có được “hợp thức hóa”?

Quốc hội Việt Nam luôn đi sau thực tiễn vài thập kỷ. Bất chấp các kỳ họp quốc hội vẫn đều đặn ra tuyên ngôn “chưa cho báo chí tư nhân hoạt động, hình thức đặc biệt này của báo chí đã tồn tại từ những năm 1995-1996 cho đến nay. Cách đây 10 năm, một thống kê cho biết có đến vài chục đầu báo tư nhân ở riêng khu vực Sài Gòn.
nguồn: vovworld.vn
Xu hướng xuất hiện, tồn tại và tăng trưởng về báo chí tư nhân là hầu như tất yếu. Vấn đề còn lại chỉ là khi nào chủ đề này sẽ được “hợp thức hóa” và phát triển ồ ạt. 

Trong kỳ họp quốc hội đang diễn ra,  dân biểu Bùi Thị An đã nêu một ý kiến đáng chú ý: “Hiện nay chưa nên cho tư nhân ra báo, nhưng về lâu dài xã hội phát triển thì cũng nên cho báo chí tư nhân phát triển, chỉ cần quản nội dung cho tốt”.
Số ý kiến mang quan điểm “cho nhưng quản” trên là không nhiều, cho tới nay. Nhưng dù sao vẫn còn được xem là cởi mở hơn khá nhiều so với quan điểm ôm chặt kiên định nhà nước hóa báo chí.
Khác hẳn với bà Bùi Thị An không làm báo, một đại biểu quốc hội làm báo chuyên nghiệp là Đoàn Nguyễn Thùy Trang - Phó chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM – lại nêu ra một cách nhìn hết sức bảo thủ: “Tuy không cho thành lập báo chí tư nhân, nhưng có hàng ngàn ấn phẩm báo chí của các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp đại diện cho người dân đủ sức thực hiện quyền tự do ngôn luận”.
Tuy nhiên cho đến nay, hơi hướng báo chí nhà nước đưa tin có vẻ dễ thở hơn đôi chút. Vietnamnet nhấn mạnh “Chỉ không thừa nhận cá nhân” và cho biết: Phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Thiếu Niên Và Nhi Đồng - ông Lê Như Tiến- nói xu hướng chung của luật lần này là không thừa nhận báo chí tư nhân, có nghĩa là cá nhân đứng lên để làm báo. Còn tổ chức xã hội, trường học, bệnh viện thì được. 
Nhưng thực ra, việc nhà nước chưa thừa nhận cá nhân đứng tên làm báo cũng chỉ mang tính đối phó. Trong thực tế, nhiều đầu báo loại nhỏ và cả loại trung bình đã thuộc về một số đại gia. Có đại gia “ôm” báo để khuếch trương thanh thế cá nhân và quảng cáo cho doanh nghiệp mình. Nhưng cũng có đại gia lấp ló ý đồ “chính trị hóa báo chí”.
Đáng chú ý hơn, có hiện tượng đại gia gắn kết với nhóm quyền lực chính trị và một số tờ báo được sử dụng như một công cụ để lobby tranh cử lẫn đấu đá nội bộ.
Hiện tượng trên, cùng xu hướng vận động và tranh giành quyền lực chính trị, có thể đẩy nhanh hơn tốc độ hợp thức hóa báo chí tư nhân, và tư nhân hóa báo chí trong vài năm tới. 
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào: