Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

TS. Đoàn Xuân Lộc - 'Vụ tấn công Paris là 11/9 của Pháp'



Nếu vụ tấn công khủng bố vào Tòa Tháp đôi ở New York ngày 11/09/2001 đã làm thay đổi nước Mỹ và chính trị thế giới nói chung, có thể nói các cuộc khủng bố ở Paris tối thứ Sáu (13/11) cũng có tác động tương tự lên nước Pháp và nhiều quan hệ quốc tế khác.

Một trong những cảm nhận tôi có khi sang Paris cách đây 17 năm là thành phố này rất thanh bình.
Trong thời gian học ở đây, tôi không bao giờ thấy Paris hay một nơi nào khác ở Pháp phải đối diện cảnh bạo lực, khủng bố.

Vụ khủng bố đầu tiên tôi xem (trên TV) khi ở Paris là vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ.

Những năm sau đó, ngoại trừ các cuộc bạo loạn năm 2005, Paris và nước Pháp nói chung vẫn không bị khủng bố tấn công, dù các cuộc khủng bố đẫm máu xẩy ra ở một số nơi tại châu Âu – như Madrid năm 2004 hay London năm 2005.

Pháp hết yên bình

Nhưng trong năm nay nước Pháp đã mấy lần bị khủng bố – trong đó có vụ thảm sát tại trụ sở tờ báo trào phúng Charlie Hebdo ngày 07/01/2015.

Sau những cuộc tấn công ấy, đặc biệt sau những gì xẩy ra tối 13/11, Paris và nước Pháp nói chung không còn thực sự yên bình, bình thường như trước.

Như Florence Hartmann, cựu phóng viên của nhật báo Le Monde ở Pháp, mô tả trong một bài viết đăng trên The Gardian ở Anh hôm Chủ nhật (15/11), ngay sau khi các cuộc tấn công liên hoàn ấy diễn ra, một nỗi kinh hoàng đã bao trùm lên Paris, gần như làm tê liệt thành phố.

Chủ nhật sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo, một cuộc tuần hành quy tụ hơn một triệu người, trong đó có rất đông lãnh đạo thế giới, được tổ chức tại Paris.

Một cuộc tuần hành hòa bình tương tự không diễn ra chủ nhật 15/11. Người dân Pháp không tuần hành vì đất nước của họ đang trong tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1961, tình trạng khẩn cấp được ban hành trên toàn nước Pháp.

Những phát biểu của Tổng thống François Hollande mấy ngày qua đều nhấn mạnh nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh.


Trong một chừng mực nào đó, ngày 18/11, Saint Denis, một quận nằm phía Bắc Paris – nơi cảnh sát Pháp tiến hành các vụ bố ráp nhắm vào những nghi phạm khủng bố – đã trở thành một ‘bãi chiến trường’.


Có thể còn mất nhiều thời gian Paris mới bình yên trở lại và rất lâu người dân Pháp mới hết nỗi ám ảnh, kinh hoàng các cuộc khủng bố tối ‘thứ Sáu đen’ 13/11 gây nên.

Kiểm soát biên giới

Vì mức độ tinh vi, quy mô tổ chức và tính chất nguy hiểm của chúng, ngay sau các cuộc tấn công tối 13/11, Pháp đã có những biện pháp cứng rắn – trong đó có những điều trái ngược với những gì nước này theo đuổi trước đây.

Ngay sau các cuộc tấn công, Tổng thống François Hollande đã ra lệnh kiểm soát nghiêm nhặt biên giới Pháp.

Ông Hollande còn kêu gọi kiểm soát chặt chẽ biên giới giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước ngoài EU và giữa các nước EU với nhau.

Ông đưa ra quyết định và lời kêu gọi như vậy vì theo ông các cuộc tấn công ở Paris tối 13/11 ‘được lên kế hoạch ở Syria, được chuẩn bị và tổ chức tại Bỉ’.

Đúng vậy, một trong những kẻ khủng bố bị nghi là người Syria mới vào EU trong làn sóng di dân, tị nạn đến châu Âu gần đây. Một số trong nhóm này cũng đã từng đến Syria. Và ít nhất ba trong số họ sống ở Molenbeek, một khu ngoại ô Brussels, Bỉ.

Việc những kẻ khủng bố dễ dàng vào châu Âu và tự do đi lại giữa các nước EU để lên chương trình và tiến hành khủng bố đang đe dọa chính sách tự do đi lại giữa các nước EU.

Ý tưởng – hay nói đúng hơn, ước mơ – về một châu Âu thống nhất, không biên giới để tránh những cuộc chiến tàn khốc như hai thế chiến mà châu lục này cũng như thế giới đã phải trải qua là những gì Pháp và Đức – hai cột trụ của EU và khối Schengen – theo đuổi từ những năm đầu thập niên 1950. EU và khối Schengen được hình thành, thiết lập đều vì ước mơ đó.


Khi đến Pháp và được tự do thăm nhiều nước trong nhóm Schengen, cũng như có điều kiện tìm hiểu về EU, tôi đã từng mong các nước ASEAN và Đông Á nói chung có những hội nhập sâu rộng như EU.


Nhưng những khủng hoảng gần đây của EU và đặc biệt khủng bố hôm 13/11 cho thấy theo đuổi những giá trị tự do, tiến bộ, đại đồng trong một thế giới đầy phức tạp, nhiều xung đột không phải là chuyện dễ dàng.

Sau vụ tấn công ấy, nhiều người, nhiều nước trở nên dè dặt hay từ chối đón nhận người tị nạn Syria.
Thủ tướng Đức Angela Merkel – người chủ trương mở cửa biên giới để đón tiếp người tị nạn Syria và cũng vì điều này bà được coi là một trong những ứng viên hàng đầu cho giải Nobel Hòa bình năm 2015 – đang bị chính nhiều người ở Đức và ở các nước EU chỉ trích.

Vì lo sợ an ninh sau các vụ tấn công ở Paris, một số tiểu bang tại Mỹ cũng đã quyết định không nhận người tị nạn Syria.

Đây là một điều không tốt gì cho những người tị nạn Syria khi họ đang rất cần sự giúp đỡ từ những quốc gia giàu có. Đa số họ cũng là nạn nhân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hợp tác với Nga

Tổng thống François Hollande coi vụ khủng bố tối 13/11 là một hành động gây chiến và tuyên bố Pháp sẽ làm tất cả những gì có thể để tiêu diệt IS.

Ông cũng kêu gọi Mỹ và nhiều nước khác, trong đó có Nga, cùng tham gia lực lượng để loại trừ IS.
Vì lo ngại IS, sau các vụ tấn công ở Paris, không chỉ Pháp mà Mỹ và Anh cũng muốn bỏ qua những bất đồng, hiềm khích để hợp tác với Nga.

Sau khi biết IS là thủ phạm làm nổ máy bay dân sự của mình ở Ai Cập vào cuối tháng trước, giờ Nga cũng coi IS là kẻ thù và muốn với các nước phương Tây xóa sổ tổ chức này.

Điểm tương đồng đó đã khiến Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng David Cameron trở nên thân thiện với Tổng thống Vladimir Putin khi họ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua.



Những bất đồng giữa Nga và các nước phương Tây – như Mỹ, Anh, Pháp – về vấn đề Crimea/Ukraine và nhiều vấn đề quốc tế khác vẫn còn lớn và chưa được giải quyết. Nhưng trước mối đe dọa chung từ IS, các nước phương Tây và Nga đang cố gắng tạm gác lại những vấn đề đó.

Trong lịch sử quan hệ quốc tế, có không ít trường hợp các quốc gia bất đồng về ý thức hệ, khác biệt về quyền lợi, chiến lược chấp nhận liên kết với nhau để đối phó với một nguy cơ khác lớn hơn. Chẳng hạn, Anh và Liên Xô đã hợp tác với nhau để chống phát xít Đức những năm đầu thập niên 1940.

Những biện pháp khác

Việc Pháp, Nga và một số nước khác gia tăng và phối hợp không kích các địa điểm của IS ở Syria sau vụ khủng bố ở Paris có thể hiểu được.

Nhưng chỉ dựa vào quân sự nạn khủng bố sẽ không được chấm dứt.
14 và 12 năm sau khi Mỹ và các nước đồng minh tiến hành cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, hai nước này vẫn bất ổn. Iraq thậm chí rơi vào xung đột và trở thành miếng đất màu mỡ cho IS phát triển.
Để ngăn chặn những vụ khủng bố tương tự hay chấm dứt sự tồn tại của các nhóm khủng bố như IS, cần có những giải pháp, cách tiếp cận khác.

Tìm một giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột ở Syria và Trung Đông nói chung là một những giải pháp đó. Các quốc gia có người Hồi giáo nhập cư cũng cần có chính sách thích hợp để giúp họ hội nhập, có việc làm, nhà ở.

Một vấn đề khác – thường được coi là nhạy cảm – cũng nên được bàn luận là tại sao lại có những kẻ nhân danh Tiên tri Mohammed hay Thượng đế để thực hiện các vụ khủng bố.

Trong bài viết ‘Will politicians finally admit that the Paris attacks had something to do with Islam?’ đăng trên The Spectator, một tờ tạp chí lâu đời ở Anh, Douglas Murray cho rằng đã đến lúc giới chính trị gia và những người Hồi giáo, đặc biệt là các giáo sỹ Hồi giáo có ảnh hưởng, nên thẳng thắn, mạnh dạn xem xét vấn đề này.

Vì theo ông nếu không làm như vậy, những vụ khủng bố như vụ nổ súng tại tòa báo Charlie Hebdo hay các vụ tấn công tối 13/11 ở Paris sẽ tiếp tục diễn ra.

TS. Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Anh quốc

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Đoàn Xuân Lộc từ Anh Quốc.

(BBC)

Không có nhận xét nào: